Vì sao Hà Nội huỷ kết quả đấu giá 3 mỏ cát khủng gần 1.700 tỷ đồng?
Hà Nội vừa có quyết định huỷ kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát: Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) và Châu Sơn (huyện Ba Vì).
Quyết định trên được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội ban hành, lý do huỷ kết quả trúng đấu giá là do nhà thầu vi phạm quy định của luật đấu thầu, cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong các hồ sơ liên quan nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Ngoài ra, nhà thầu cũng vi phạm quy định theo thông tư số 02 của Bộ Tư pháp về hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Sau khi huỷ kết quả trúng đấu giá, Sở Tài nguyên và Môi trường giao Trung tâm Phát triển quỹ đất chủ trì cùng các đơn vị liên quan triển khai các thủ tục tiếp theo để đảm bảo đúng quy định.
Phòng Khoáng sản chủ trì cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội và các đơn vị liên quan tham mưu, báo cáo UBND TP.Hà Nội kết quả thực hiện.
Trước đó, ngày 5/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất Hà Nội (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) đã tổ chức Phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 3 điểm mỏ cát: Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm), Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) và Châu Sơn (huyện Ba Vì).
Đây là cuộc đấu giá đạt hai kỷ lục, thứ nhất là kỷ lục về thời gian khi diễn ra xuyên đêm từ 9 giờ sáng hôm trước tới 5:33 sáng hôm sau (22 tiếng) mới kết thúc. Cùng với thời gian được xem là kỷ lục, giá cuối cùng được chốt của 3 mỏ cát cũng khiến chúng ta giật mình, với tổng cộng gần 1.700 tỷ đồng – gấp từ hàng chục tới hàng trăm lần giá khởi điểm.
Theo số liệu từ ban đấu giá, chênh lệch thấp nhất là mỏ cát Tây Đằng – Minh Châu có trữ lượng 4,899,000 m3 với giá khởi điểm 19.29 tỷ đồng nhưng trúng đấu giá 883,930 tỷ đồng – cao gấp gần 46 lần. Tiếp theo là mỏ Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì), trữ lượng cát được cấp quyền khai thác là 703.536 m3, giá khởi điểm là 2,881 tỷ đồng nhưng trúng đấu giá với giá trúng là 396,865 tỷ đồng, gấp hơn 137 lần giá khởi điểm.
Mức chênh lệch đó còn chưa là gì với giá trúng thầu của mỏ Thượng Cát, với trữ lượng hơn 508,000 m3. Ở giá khởi điểm 2 tỷ đồng, các nhà đấu giá đã kéo giá lên đến gần 410 tỷ đồng – cao gấp gần 200 lần giá khởi điểm.
Như vậy, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá được "chốt" rất cao, gần 1.700 tỷ đồng. Lấy tổng giá trị trúng đấu giá chia cho khối lượng cát ra giá tiền gần 1 triệu đồng/m3.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hội nhà thầu Việt Nam cho rằng, giá cát trung bình ở các tỉnh khoảng 110.000-150.000 đồng/m3. Vì vậy, việc đấu giá lên gần 1 triệu đồng/m3 là bất thường, việc này sẽ đẩy giá cát, vật liệu xây dựng lên rất nhanh, tác động lên đơn giá, định mức xây dựng chung cả nước.
“Dòng chảy ở sông Hồng rất mạnh. Nếu vô tình hay hữu ý đánh dấu vị trí, tọa độ ranh giới mỏ cát lệch đi là khối lượng cát hút dưới lòng sông sẽ thay đổi rất nhiều. Lớp cát dưới lòng sông bị hút đi sẽ được dòng chảy bồi lắng rất nhanh và doanh nghiệp có thể trở lại khai thác tại chính điểm đó ngay trong thời gian ngắn. Chưa kể, nếu cơ chế giám sát không chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho doanh nghiệp gian dối khối lượng khai thác. Doanh nghiệp đã xác định tham gia đấu giá quyền khai thác mỏ cát thì chắc chắn rất am hiểu về loại tài nguyên, thị trường vật liệu xây dựng này, không thể có chuyện ngờ nghệch trả giá cao lên như vậy", ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VAMB) cho hay.
Trước kết quả trúng đấu giá "cao bất thường" của 3 mỏ cát trên, ngày 11/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có công điện giao Chủ tịch UBND TP.Hà Nội chỉ đạo rà soát ngay toàn bộ quá trình khảo sát, đánh giá trữ lượng mỏ, lập hồ sơ và tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở 3 mỏ cát trên bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật.
Công điện của Thủ tướng nhấn mạnh: “Tuyệt đối không để các tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở trong công tác quản lý để trục lợi, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm; kịp thời phát hiện sớm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định pháp luật trong đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ngăn chặn hành vi lợi dụng đấu giá để đẩy giá, gây nhiễu loạn thị trường, trục lợi”.
Tháng 5/2024, trong văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả rà soát quy trình đấu giá 3 mỏ cát trên, UBND TP.Hà Nội cho biết, thông qua việc đối chiếu giá vật liệu xây dựng cho thấy, một mét khối cát chưa khai thác ở 3 mỏ cát này đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình.
UBND TP.Hà Nội cho rằng, việc này dẫn đến các dự án khai thác cát tại 3 mỏ này không thể có lợi nhuận. Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư sẽ vừa không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế, vừa có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cho rằng đã tham gia và trúng đấu giá 3 mỏ cát với tổng số tiền gần 1.700 tỷ đồng là hoàn toàn đúng quy định của luật nên đề nghị UBND TP.Hà Nội phê duyệt kết quả trúng đấu giá, bàn giao 3 mỏ cát để thực hiện các bước tiếp theo.
H.A