Tự hào những doanh nhân Việt Nam vừa có đức vừa có tài
Không chỉ nổi danh trên thương trường là người làm kinh doanh giỏi, sở hữu khối tài sản khủng, nhiều doanh nhân Việt Nam từ xa xưa đến nay vẫn luôn dùng tấm lòng thơm thảo giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Họ làm rạng danh đất nước trên trường quốc tế và đồng hành cùng đất nước trong công cuộc kiến thiết xã hội, xây dựng một Việt nam tự cường, dân chủ, lớn mạnh.
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi
Doanh nhân Bạch Thái Bưởi chính là người hiện thực hóa giấc mơ “Người Việt đi tàu Việt” giữa lúc ta bị bao vây bởi các chế độ thực dân phong kiến. Chính tinh thần tự tôn dân tộc đã giúp “Vua tàu thủy” ghi vào lịch sử là một trong những doanh nhân Việt Nam nổi tiếng nhất.
Ngày đó thị trường đường thủy do người phương Tây chiếm giữ với khát vọng dân tộc và lòng tự tôn, Bạch Thái Bưởi đã hoàn thành giấc mơ tàu thủy của dân ta. Xông pha trên mặt trận kinh tế đã giúp Bạch Thái Bưởi để lại nhiều bài học quý báu cho thế hệ đi sau, trong đó lớn nhất là sự vận dụng tinh thần dân tộc. Là minh chứng cho câu nói “Kinh doanh không chỉ cho bản thân doanh nghiệp mình, mà còn là vì màu cờ sắc áo của dân tộc”.
Sau hơn 100 năm nhìn lại, những giá trị kinh doanh, dám vận dụng tinh thần yêu nước để cạnh tranh, mở rộng thị trường trở thành giá trị bất diệt cho tầng lớp doanh nhân Việt ngày nay.
Doanh nhân Trịnh Văn Bô
Ở đất Kinh kỳ xưa, có ai mà không biết tới thương gia Trịnh Văn Bô, người đã hiến hơn 5.000 lượng vàng cho cách mạng. Ông là một trong những doanh nhân thành đạt nhất thế kỷ 20, là chủ hiệu buôn Phúc Lợi. Tên tuổi của vị thương gia này còn được nhiều người biết tới hơn qua những hoạt động từ thiện và đóng góp của gia đình ông với Cách mạng.
Thời đó, phương châm kinh doanh của Trịnh Văn Bô là "Buôn bán 10 đồng thì giữ lại 7, còn lại giúp đỡ người nghèo và làm việc phúc đức". Cũng nhờ đó mà vào những năm đói khát của dân tộc sau Cách mạng Tháng 8 thành công, Chính phủ gặp khó khăn về mọi mặt, ngân khố chỉ còn 1,2 triệu đồng đã được vực dậy. Ngày đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra sáng kiến thành lập Quỹ Độc lập và "Tuần lễ vàng" nhằm thu nhận tài chính và hiện vật nhân dân quyên góp cho Chính phủ.
Gia đình ông Trịnh Văn Bô đã ủng hộ tới 5.147 lượng vàng, tương đương 2 triệu đồng Đông Dương thời bấy giờ cho Chính phủ. Hành động của ông đã phần nào giúp nước ta từng bước vượt qua khó khăn và thịnh cường như hiện nay.
Doanh nhân Nguyễn Sơn Hà
Nguyễn Sơn Hà – "Ông tổ" ngành sơn Việt Nam là một trong những doanh nhân hàng đầu của Việt Nam thời Pháp thuộc. Người ta còn biết tới ông nhiều hơn khi chính là người khai sinh ra nghề sản xuất sơn dầu tại Việt Nam. Khi bố mất năm 14 tuổi, ông Nguyễn Sơn Hà đã bắt đầu phải lăn lộn với cuộc đời, bước ngoặt tới khi ông sang làm cho hãng sơn dầu Sauvage Cottu ở Hải Phòng.
Nhận thấy tiềm năng phát triển lớn, ông không ngừng nung nấu ý chí sẽ tạo dựng một hãng sơn dầu riêng cho Việt Nam. Mong ước đó đã trở thành hiện thực khi sản phẩm đầu tiên xưởng của ông tung ra thị trường lại nhận được sự đánh giá cao.
Năm 1939, ông có dịp cùng vợ gặp gỡ cụ Phan Bội Châu và được truyền đạt lý tưởng yêu nước. Từ đó về sau ông tích cực tham gia các hoạt động của Hội ánh sáng, Hội Trí tri thậm chí còn sáng lập Ban Cứu tế, chi Hội truyền bá quốc ngữ. Ông cũng là đứng ra lập trường Dục Anh tại số nhà 46, phố Lạch Tray, đấu tranh với Pháp, Nhật để mở kho cứu đói. Trong "Tuần lễ vàng", toàn bộ nữ trang và khoảng 10,5 kg vàng được ông và gia đình hiến tặng.
Doanh nhân Đỗ Đình Thiện
Đỗ Đình Thiện có thể coi là một trong những doanh nhân đặc biệt khi ông còn là người tư sản nhưng đã trở thành thư ký cho Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì bị kiểm tra gắt gao sau khi bị Pháp trục xuất về, ông chuyển sang làm kinh tế, lập đồn điền để tạo dựng vốn liếng sẵn sàng hỗ trợ cách mạng khi cần.
Năm 1946, Đảng không có nhà in riêng để in tiền, ông Đỗ Đình Thiện mua lại nhà in của Pháp và hiến cho Chính phủ để lập nhà in tiền. Cùng năm đó, trong chuyến đi Pháp, ông còn trở thành thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc mới giành chính quyền, ngôi nhà ở 54 Hàng Gai của gia đình ông trở thành “nhà khách” của Chính phủ, vì thời đấy nước ta chưa có bộ phận lễ tân chuyên trách.
Không những thế, đồn điền Chi Nê thuộc sở hữu của doanh nhân Đỗ Đình Thiện còn là nơi cung cấp lương thực, thực phẩm, trú quân cho các đơn vị lực lượng vũ trang Chiến khu 2.
Doanh nhân Phạm Nhật Vượng
Bước sang thập niên mới, một trong những doanh nhân mà người ta chỉ cần 1 giây để nhớ ra chính là Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup. Theo Forbes tính tại thời điểm ngày 29/8/2023, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng là 66 tỷ USD, vươn lên xếp thứ 16 trong danh sách người giàu nhất hành tinh.
Có thể nói, hình ảnh Việt Nam đã được ông Phạm Nhật Vượng đưa đi khắp muôn nơi, giúp nâng cao vị thế đất nước. Mới đây khi cổ phiếu của Vinfast được niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ, hai chữ Việt Nam lại càng được bạn bè quốc tế biết tới nhiều hơn.
Năm 2006, Vingroup đã thành lập Quỹ Thiện Tâm với mục đích nhân đạo, từ thiện, nhằm “chuyển tải một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất tấm lòng của người Vingroup đến với cộng đồng”. Bên cạnh đó Vingroup còn thành lập Quỹ "Vì tương lai xanh" với sứ mệnh thúc đẩy hành tinh xanh, vì ngày mai xanh cho các thế hệ tương lai.
Năm 2021, Forbes vinh danh ông là một trong 15 “Anh hùng từ thiện châu Á” nhờ những hỗ trợ, đóng góp trong đại dịch Covid-19. Tổng giá trị mà Vingroup đã tài trợ cho hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại Việt Nam đã lên tới hơn 2.287 tỷ đồng.
Doanh nhân Lê Văn Kiểm và Trần Cẩm Nhung
Năm 2019, Tạp chí Forbes công bố danh sách 30 Anh hùng từ thiện châu Á-Thái Bình Dương, hai doanh nhân Việt Nam là ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung góp mặt. Ông bà xếp thứ 7 trên tổng số 10 nhà từ thiện nhiều nhất. Tính tới nay số tiền mà gia đình ông quyên góp đã lên tới trên 800 tỷ đồng.
Được biết ông Lê Văn Kiểm là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành đồng thời là cựu chiến binh, Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Bên cạnh đó, ông Kiểm và bà Nhung còn được Chủ tịch nước CHDCND Lào tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Vợ chồng doanh nhân đã lập nhiều chương trình góp quỹ học học bổng như Quỹ học bổng “Trần Cẩm Nhung-Chắp cánh ước mơ” 18 tỷ đồng, Quỹ khuyến học cho con cháu cựu chiến binh Việt Nam 10 tỷ đồng, vận động đóng góp 5 triệu USD vào Quỹ Vietnam Health Fund,...
Trong một lần trả lời báo chí, ông Kiểm chia sẻ: “Tôi phát triển được như hôm nay là nhờ công ơn của Đảng, Nhà nước, sự đùm bọc của nhân dân, đặc biệt là sự hy sinh của nhiều người, trong đó có người cha yêu dấu và các đồng đội của mình. Vì vậy, việc làm thiện nguyện với vợ chồng tôi không chỉ là đền ơn đáp nghĩa mà còn là trách nhiệm cao cả”.
Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo
“Bà trùm” hàng không Nguyễn Thị Phương Thảo vào năm 2022 đã góp mặt trong 100 nhân vật có sức ảnh hưởng đến sự thay đổi của nền kinh tế châu Á. Không những thế bà còn liên tục có mặt trong các bảng xếp hạng doanh nghiệp. Điều này khẳng định vai trò ngày càng cao của phụ nữ Việt Nam trên thương trường.
Ít ai biết, nữ doanh nhân này là một trong những người phụ nữ thầm lặng đóng góp cho nước nhà những năm 1990, từ việc trả nợ bằng hàng hóa đến hỗ trợ chương trình xoá nợ quốc gia tới 95% của Việt Nam. Hiện nay, tập đoàn do bà đứng đầu cũng đang là đối tác của Liên Hiệp Quốc trong chương trình phát triển bền vững bảo vệ môi trường, giảm thiểu CO2, hỗ trợ sáng kiến, đổi mới sáng tạo. Doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo còn góp tiếng nói của mình vào sáng kiến quốc tế của UNESCO để không ai bị bỏ lại phía sau, nhất là đưa ra những giải pháp hỗ trợ cho trẻ em gái.
Dù cách nhau cả thế kỷ, doanh nhân Việt từ xưa đến nay đều chung một lòng yêu nước, có trách nhiệm xã hội cao và biết đồng lòng cùng Chính phủ trong những thời kỳ khó khăn. Dù ở thời điểm nào, họ đều là những “công thần” đúng nghĩa, góp phần làm đậm thêm hai chữ “Việt Nam” trên trường quốc tế.
Phạm Huyền