TP.HCM đề xuất thí điểm 200 xe điện chở khách trong nội đô
Việc tiếp tục sử dụng loại hình vận chuyển chạy bằng năng lượng điện kết nối với các phương thức giao thông khác như xe đạp, xe buýt... sẽ góp phần phát triển giao thông công cộng.
Sở GTVT TP.HCM vừa có tờ trình gửi UBND thành phố về việc phê duyệt Đề án thí điểm sử dụng xe bốn bánh chạy bằng năng lượng điện vận chuyển khách tham quan, du lịch trong khu vực thành phố.
Sở GTVT TP.HCM cho rằng, việc triển khai loại hình xe 4 bánh gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện hoạt động trong phạm vi hạn chế (như các khu đô thị) đã phần nào phát huy được hiệu quả phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách, đặc biệt là khách tham quan du lịch.
Vì vậy, việc tiếp tục sử dụng loại hình vận chuyển này kết nối với các phương thức giao thông khác như xe đạp, xe buýt... sẽ góp phần phát triển giao thông công cộng.
Theo Đề án, bố trí 200 xe bốn bánh sử dụng điện từ 5 – 14 chỗ, tốc độ tối đa 30 km/giờ. Hình thức kinh doanh được doanh nghiệp đề xuất là kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng điện tử. Hành khách đặt xe qua ứng dụng điện thoại thông minh hoặc qua nhân viên.
Giá thuê xe theo lượt từ 10.000 đồng – 50.000 đồng; giá thuê ngày là 100.000 đồng/ngày; giá thuê nguyên chiếc là 70.000 – 250.000 đồng/chuyến, thỏa thuận với hành khách theo từng chuyến, theo giờ và ngày.
Đề án thí điểm được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu từ ngày 30/4 với 70 xe có sức chứa 8-10 chỗ, chạy trên địa bàn Quận 1. Xe hoạt động trong phạm vi hạn chế bởi vành đai các tuyến: Bến Nhà Rồng - cầu Khánh Hội - đường Tôn Đức Thắng - Nguyễn Bỉnh Khiêm - Nguyễn Thị Minh Khai - Hoàng Sa - Hai Bà Trưng - Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - cầu Calmette - bến Vân Đồn.
Giai đoạn hai từ quý IV/2023, kết nối từ Quận 1 đến Quận 5 qua trục đường Trần Hưng Đạo. Địa bàn Quận 5, xe hoạt động trong phạm vi hạn chế bởi vành đai các tuyến đường Hùng Vương - Nguyễn Chí Thanh - Nguyễn Thị Nhỏ - Lê Quang Sung - Ngô Nhân Tịnh - Võ Văn Kiệt - Nguyễn Văn Cừ.
Giai đoạn 3 từ quý I/2024, xe điện kết nối mở rộng trên các tuyến đường tiếp cận điểm du lịch, khu du lịch thuộc địa bàn Quận 3, Quận 10 và thành phố Thủ Đức.
Theo đó, các giai đoạn sau sẽ có thêm 60 xe từ 7 chỗ trở xuống và 70 xe có sức chứa từ 11 – 14 chỗ được đưa vào khai thác. Xe hoạt động 24 tiếng/ ngày, chỉ ngưng hoạt động khi có mưa, bão, thời tiết xấu.
Được biết, giao thông vận tải là một trong những ngành sử dụng nhiên liệu hóa thạch, phát thải khí nhà kính lớn trong nền kinh tế Việt Nam, việc đặt mục tiêu phát thải ròng bằng “0” sẽ mở ra cơ hội chuyển đổi lớn nhưng cũng mang đến nhiều khó khăn và thách thức, cần sự chung tay của toàn xã hội và hỗ trợ mạnh mẽ từ quốc tế.
Trên thực tế, mạng lưới xe buýt tại TP.HCM hiện có 126 tuyến với khoảng 2.100 phương tiện các loại đang hoạt động. Theo quy hoạch đến 2025, TP.HCM sẽ đẩy mạnh phát triển lên 260 tuyến với khoảng 3.000 phương tiện; Đến 2030 tăng lên 350 tuyến với quy mô 4.000 - 4.200 phương tiện.
Trước đó, trên địa bàn TP.HCM cũng đã triển khai thí điểm vận hành 3 tuyến xe buýt không trợ giá, sử dụng xe 4 bánh (12 chỗ) gắn động cơ chạy bằng năng lượng điện, hoạt động trong phạm vi hạn chế trên địa bàn thành phố.
Việc thí điểm được thực hiện từ năm 2017 theo đề án do Công ty Cổ phần tập đoàn Mai Linh và Công ty TNHH quản lý và kinh doanh bất động sản Phố Cảnh. Ba khu vực thí điểm xe buýt điện gồm: Khu trung tâm thành phố, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. “Từ lúc triển khai thí điểm đến nay, với lộ trình cố định, đón trả khách tại các điểm dừng và thời gian hoạt động theo biểu đồ được công bố nên không xảy ra các trường hợp vi phạm các quy định”, Sở Giao thông Vận tải thành phố thông tin.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn tuyến D2 và D3 ở khu Phú Mỹ Hưng, quận 7 hoạt động, tuyến D1 ở trung tâm thành phố đã dừng.
Ngoài ra, tháng 3 năm ngoái thành phố cũng thí điểm tuyến buýt điện cỡ lớn nối khu đô thị Vinhomes Grand Park (TP.Thủ Đức) đến quận 1. Đây là tuyến đầu tiên trong 5 tuyến buýt điện cỡ lớn ở thành phố hoạt động. 4 tuyến còn lại chưa vận hành.
Lan Anh