Top 10 công ty thực phẩm uy tín năm 2023
Vietnam Report chính thức công bố Top 10 Công ty ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2023. Đánh giá dựa trên 3 tiêu chí: Năng lực tài chính trên báo cáo tài chính năm gần nhất; Uy tín truyền thông được đánh giá bằng phương pháp Media Coding; Khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan.
Theo đó, nhóm ngành sữa và sản phẩm từ sữa có các doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam, Công ty TNHH Frieslandcampina Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood, Công ty cổ phần Sữa Quốc Tế (IDP), Công ty cổ phần Sữa Vitadairy Việt Nam, Công ty cổ phần Giống Bò sữa Mộc Châu, Công ty cổ phần Thực phẩm Đông lạnh Kido, Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nutricare và Công ty TNHH Zott Việt Nam....
Top 10 công ty uy tín ngành thực phẩm - đồ uống năm 2023 được xây dựng dựa trên các nguyên tắc khoa học và khách quan dựa trên 3 tiêu chí chính là: năng lực tài chính thể hiện trên báo cáo tài chính năm gần nhất, uy tín truyền thông và kết quả khảo sát đối tượng nghiên cứu và các bên liên quan gồm người tiêu dùng, chuyên gia… trong tháng 08/2023.
Theo khảo sát của Vietnam Report, do nguy cơ suy thoái kinh tế ảnh hưởng tới sức mua của người tiêu dùng, tỷ lệ DN ghi nhận tăng doanh thu cũng giảm theo (từ năm 2022 đến năm 2023 giảm 3,9%). Đáng chú ý, tỷ lệ DN ghi nhận giảm lợi nhuận (41,7%) lớn hơn đáng kể tỷ lệ DN giảm doanh thu (33,3%), cho thấy không ít DN có doanh thu tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại không như kỳ vọng. Điều này cùng với dấu hiệu phục hồi chậm của chỉ số IIP được ghi nhận từ cuối quý II, khiến ngành F&B khó đạt được sự tăng trưởng bứt phá, mà chủ yếu dựa trên ba động lực.
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất giảm sau những nỗ lực của Chính phủ qua bốn lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành. Đến tháng 8/2023, lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại giảm từ 2,0% - 4,0% so với đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đang nỗ lực hạ mặt bằng lãi suất nhưng với mức giảm chậm hơn. Mặt bằng lãi suất giảm giúp DN F&B giảm chi phí vốn vay và tăng khả năng tiếp cận vốn, đẩy mạnh hoạt động sản xuất và phát triển các kênh phân phối.
Thứ hai, lượng khách quốc tế tăng mạnh tạo cơ hội lớn cho ngành F&B. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế 8 tháng năm 2023 tăng 5,4 lần so với cùng kỳ năm trước, tương đương 69,2% so với cùng kỳ năm 2019 (thời kỳ trước đại dịch Covid-19). Nhiều dấu hiệu cho thấy lượng khách quốc tế đang trong quá trình phục hồi, góp phần quan trọng vào tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới.
Thứ ba, xu hướng chuyển dịch từ các kênh truyền thống sang hiện đại tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng cho các DN trong ngành. Khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report chỉ ra rằng, phần lớn người tiêu dùng tại các TP lớn mua sắm thực phẩm-đồ uống qua các kênh hiện đại như: siêu thị, trung tâm thương mại (87,1%), online (88,7%) và cửa hàng tiện lợi (59,1%).
Bước sang năm 2023, tỷ lệ doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống giữ được nhịp tăng trưởng về doanh thu đều giảm ở hầu hết các kênh phân phối; trong đó, sự giảm tốc thể hiện rõ ở các kênh truyền thống và kênh phân phối mua về nhà với tỷ lệ doanh nghiệp giảm doanh thu ở các kênh này lần lượt là 21,4% và 18,2%.
Đáng chú ý, kênh thương mại điện tử vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung và là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu khi có tới 90% doanh nghiệp có doanh thu từ kênh này tăng so với cùng kỳ năm trước.
Cùng sự phát triển của các kênh phân phối hiện đại (cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại) và thương mại điện tử, phương thức thanh toán góp phần quan trọng vào trải nghiệm mua sắm. Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng hạn chế sử dụng tiền mặt trong mua sắm nói chung, đặc biệt là người tiêu dùng trẻ tuổi (Gen Y và Gen Z). Đây là nhóm có vai trò quan trọng trong việc định hình thị trường, thúc đẩy sự đổi mới, vì vậy, xu hướng tiêu dùng của nhóm người tiêu dùng này là cơ sở cho những chiến lược dài hạn của DN. Theo khảo sát người tiêu dùng của Vietnam Report được thực hiện trong tháng 8/2023 cho thấy tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt của nhóm người tiêu dùng trẻ rất thấp đối với ngành hàng thực phẩm, ngoại trừ sữa và sản phẩm từ sữa. Tỷ lệ trên cũng liên quan lớn tới việc phân bổ các kênh mua sắm, ngành thực phẩm có tỷ lệ mua sắm qua kênh hiện đại nhiều hơn ngành đồ uống.
Tính chung trong lĩnh vực F&B, thanh toán qua thẻ ngân hàng và ví điện tử được giới trẻ sử dụng phổ biến hơn hẳn. Các phương thức này cho thấy rõ tính tiện lợi, nhanh chóng và an toàn cho người tiêu dùng khi tỷ lệ người sử dụng internet tăng lên đến mức 75% dân số, 97% người trưởng thành có smartphone. Trong thời gian tới, phương thức thanh toán có thể chuyển biến khi Google Wallet và Apple Pay đồng loạt cho phép sử dụng tại Việt Nam. So với thanh toán qua ví điện tử, chuyển khoản, mã QR, phương thức thanh toán một chạm này giữ nguyên ưu điểm chỉ cần sử dụng thiết bị thông minh, nhưng vượt trội hơn do không yêu cầu kết nối Internet. Do đó, nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, DN cần đa dạng hơn nữa trong phương thức thanh toán.
Tiến Hoàng