Tiếp tục hoàn thiện mô hình, đổi mới hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Ngày 18/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban) và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
Về giải pháp đổi mới hoạt động của Ủy ban và phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Ủy ban góp phần ổn định kinh tế vĩ mô
Năm 2018, hiện thực hóa chủ trương lớn của Đảng, Quốc hội, tách bạch, phân định rõ chức năng chủ sở hữu vốn của Nhà nước với chức năng quản lý nhà nước đối với mọi hoạt động của doanh nghiệp, Chính phủ đã thành lập Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và giao thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty.
Sau gần 5 năm thành lập, Uỷ ban đã đạt được những thành quả nhất định, như hình thành được cơ quan chuyên trách thực hiện đại diện quyền sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp; triển khai thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty; làm đầu mối của Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, yếu kém của ngành công thương; chỉ đạo triển khai các dự án quan trọng của doanh nghiệp, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước trực thuộc Uỷ ban thực hiện được vai trò nòng cốt trong nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng của đất nước, góp phần bảo đảm các cân đối lớn, ổn định kinh tế vĩ mô, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, tạo tiền đề và động lực quan trọng cho phát triển các ngành, lĩnh vực và nền kinh tế, góp phần thực hiện an sinh - xã hội và quốc phòng - an ninh. Sau khi chuyển về Uỷ ban, vốn chủ sở hữu và tài sản được bảo toàn, hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty được duy trì, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động. Đồng thời tham gia tốt công tác an sinh - xã hội của đất nước.
Đến cuối năm 2022, 19 tập đoàn, tổng công ty nắm giữ khoảng 63% tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp nhà nước và nắm giữ khoảng 65% tổng tài sản của doanh nghiệp nhà nước trong cả nước. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước năm 2021 chiếm 24,6% so với tổng vốn đầu tư nhà nước và chiếm 10% tổng đầu tư toàn xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả rất quan trọng, cơ bản, đóng góp của các tập đoàn, tổng công ty chưa thực sự tương xứng, ngang tầm với nguồn lực nắm giữ và dư địa phát triển còn rất lớn. Trong giai đoạn 2016 - 2020, 19 tập đoàn, tổng công ty hầu như không có dự án, công trình khởi công mới. Thời gian qua, các cơ quan đã tích cực giải quyết các dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, đã báo cáo Bộ Chính trị, tìm được hướng xử lý với nhiều dự án, doanh nghiệp và đang tiếp tục tìm hướng xử lý với các dự án, doanh nghiệp khác…
Tham dự hội nghị, các đại biểu đã phân tích nguyên nhân chủ quan và khách quan của các tồn tại, hạn chế. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ ra 3 nguyên nhân chủ quan lớn, đó là: Vướng mắc lớn nhất là về pháp lý; sự phối hợp giữa các bộ, ngành để xử lý các khó khăn, vướng mắc nói chung là chưa thật sự chặt chẽ, có hiệu quả; cần sự nỗ lực, cố gắng, chủ động hơn nữa của Ủy ban và các doanh nghiệp. Trong khi đó, Ủy ban là mô hình mới, cần tiếp tục được nghiên cứu để hoàn thiện hơn.
Tách bạch quản lý nhà nước với sản xuất, kinh doanh
Hội nghị làm việc với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và 19 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước được tổ chức nhằm thực hiện kết luận của Bộ Chính trị để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty, phục vụ phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội, tiếp tục triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, năm bản lề có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã trăn trở nhiều năm, có nhiều chủ trương, quyết sách lớn về phát triển của doanh nghiệp nhà nước. Uỷ ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty là mô hình mới lần đầu tiên triển khai tại Việt Nam, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm trước đó và tham khảo kinh nghiệm thế giới, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô kinh tế khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu có hạn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong, bản thân nền kinh tế cũng có nhiều vấn đề nội tại cần giải quyết.
Trên cơ sở phân tích tình hình, thời cơ, những thuận lợi, khó khăn; Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành có liên quan, cụ thể là Chính phủ, các bộ, ngành, Ủy ban và các doanh nghiệp trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phát huy tinh thần yêu nước, đại đoàn kết, có trách nhiệm với nhau, chủ động, tích cực xử lý có hiệu quả các khó khăn, vướng mắc, bất cập của 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Các doanh nghiệp phải phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, phấn đấu vươn lên, vì lợi ích chung, lợi ích quốc gia dân tộc, hạnh phúc, ấm no của nhân dân, không trông chờ, ỷ lại, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và Chính phủ sẽ tích cực, khẩn trương xử lý các đề xuất, kiến nghị phù hợp.
Để phát huy hiệu quả nguồn lực đầu tư của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty, Thủ tướng đề nghị 19 Tập đoàn, Tổng công ty nâng cao nhận thức và trách nhiệm chính trị với tài sản, nguồn vốn của Nhà nước, đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư lớn, trọng điểm, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, và các chính sách khác; Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, các doanh nghiệp phải phát huy nguồn lực, truyền thống, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu), đa dạng hóa thị trường, sản phẩm chuỗi cung ứng. Đổi mới mô hình quản lý, nâng cao năng lực quản trị hiện đại trên cơ sở chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, thích ứng điều kiện mới và hoàn cảnh Việt Nam.
Hoàn thiện các chương trình, kế hoạch, chủ trương lớn trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt; xây dựng văn hóa doanh nghiệp đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở tôn trọng quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự can thiệp của nhà nước khi cần thiết; nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tập trung triển khai Kết luận của Bộ Chính trị để hoàn thiện mô hình Ủy ban, tách bạch quản lý Nhà nước với sản xuất, kinh doanh, quản lý vốn hiệu quả, giảm bớt can thiệp trực tiếp của cơ quan đại diện chủ sở hữu vào hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Tập trung xây dựng chiến lược, kế hoạch được Chính phủ giao; tích cực, chủ động xử lý xong dứt điểm việc cơ cấu lại đối với 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị cho chủ trương xử lý và Chính phủ đã có kế hoạch; khẩn trương xây dựng, trình phương án xử lý đối với 4/12 dự án, doanh nghiệp còn lại để trình Bộ Chính trị.
Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành để góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về pháp lý, thị trường, nâng cao năng lực quản trị kinh doanh hiện đại, thúc đẩy chuyển đổi số… cho doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch để tìm được người tài; nắm bắt tình hình để tham mưu, đề xuất với Chính phủ các vấn đề phát sinh, vượt quá thẩm quyền… để huy động nguồn lực cho phát triển.
Thủ tướng giao các bộ, ngành, cơ quan liên quan trong đó có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, phối hợp chặt chẽ, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc liên quan đến các quy định của pháp luật, thẩm quyền của cơ quan quản lý Nhà nước đối với các dự án đầu tư, cơ cấu lại, thoái vốn, sắp xếp lại nhà, đất... của doanh nghiệp; kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn là rào cản trong hoạt động đầu tư của doanh nghiệp hoặc chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết; đẩy mạnh xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp.