0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 16/03/2023 14:23 (GMT+7)

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp phục hồi du lịch bền vững

Theo dõi KT&TD trên

Mở cửa du lịch trở lại, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau Covid-19.

Cơ cấu thị trường du lịch

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023 với chủ đề “Đẩy nhanh phục hồi - Tăng tốc phát triển” diễn ra ngày 15/3/2023, sau đúng 1 năm Việt Nam mở cửa du lịch trở lại (15/3/2022).

Mở cửa du lịch trở lại, Việt Nam được Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá là một trong những nước có chính sách mở cửa cởi mở trên thế giới. Đây là cơ hội lớn để thúc đẩy du lịch phục hồi sau Covid-19.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến, giải pháp đến từ các tập đoàn lớn như Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, BRG, Sun Group... đã được đưa ra.

Nhấn mạnh vai trò của thị trường khách quốc tế đối với du lịch Việt Nam, Chủ tịch Sun Group Đặng Minh Trường cho biết, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam là 18 triệu, bằng 21% khách nội địa nhưng doanh thu của nhóm này chiếm gần 2/3 do họ có thời gian lưu trú dài 8-12 ngày.

"Thậm chí là những thị trường trọng điểm, khách quốc tế có thể ở đến 15 ngày, chi tiêu khoảng 1.100-2.000 USD/chuyến đi. Trong khi đó, tại thị trường nội địa, khách chủ yếu đi vào cuối tuần, với thời gian lưu trú từ 1 đến 2 ngày, mức chi tiêu cũng không bằng", ông nói.

Do đó, theo Chủ tịch Sun Group, để cơ cấu thị trường du lịch cần rất nhiều yếu tố từ sản phẩm, dịch vụ marketing, quảng bá, hợp tác, liên kết giữa công - tư và các doanh nghiệp trong ngành.

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp phục hồi du lịch bền vững - Ảnh 1
Nhiều ý kiến, giải pháp đến từ các tập đoàn du lịch lớn đã được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023.

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga, hiện nay, thuế 10% VAT và 20% thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam đang ở mức cao vì các nước xung quanh chỉ từ 5%-7%.

Chính vì vậy, bà Nga đề xuất Chính phủ nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế này cho phù hợp nhằm thu hút khách du lịch nhiều hơn. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch sẽ mang lại hiệu quả cao.

Tăng hạn visa

Liên quan đến chính sách visa du lịch, ông Đặng Minh Trường cho rằng cần phải có những cải cách mạnh hơn nữa để có những đột phá hơn, có tính cạnh tranh trong tương lai và bền vững.

“Ví dụ, năm 2019 chúng ta đón 18 triệu lượt khách thì Thái Lan họ đón 40 triệu, 2023 chúng ta mục tiêu là 8 triệu thì họ đã đón 25 triệu và theo báo cáo của Bộ VHTTDL thì năm 2030 chúng ta đón 35 triệu, thì Thái Lan đến năm 2027 họ là 80 triệu khách. Như vậy nếu như chúng ta không có các giải pháp đột phá ngay bây giờ thì chúng ta sẽ về sau”, Chủ tịch Sun Group phân tích tại hội nghị.

Trên cơ sở đó, Chủ tịch Sun Group đề nghị các bộ, ngành sớm xem xét phân tích, đánh giá, trình Thủ tướng báo cáo Quốc hội để sửa đổi bổ sung các quy định của Luật Xuất nhập cảnh.

"Chúng tôi mong muốn là các quy trình được rút gọn chỉ trong một kỳ họp và có thể có hiệu lực ngay. Cụ thể, các nội dung tăng thời hạn thị thực đối với khách du lịch quốc tế 90-180 ngày, thời gian tạm trú 30-45 ngày và cho phép nhập cảnh nhiều lần; đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực nhập cảnh, tăng từ 15 ngày lên 30-45 ngày và cũng cho nhập cảnh nhiều lần", ông Trường đề xuất.

Bên cạnh đó, nghiên cứu đề xuất gia hạn hoặc mở rộng các đối tượng, các quốc gia có thể được miễn visa đơn phương, trong đó có những thị trường trọng điểm. Ví dụ như hiện nay, thị trường Australia chi tiêu 4 tỷ USD/1 năm để đi du lịch, hay như Canada trên 33 tỷ USD, hoặc các nước Bắc Âu như Hà Lan, Thụy Sỹ, Bỉ, họ đều chi từ 21 đến 26 tỷ USD, xếp trên cả Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạch, những nước hiện nay thuộc chính sách được miễn visa.

Tương tự, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, tập đoàn đang vận hành nhiều khách sạn và khu nghỉ dưỡng đẳng cấp quốc tế và được các tập đoàn quốc tế top đầu của thế giới quản lý.

"Vì vậy, đối tượng chính của chúng tôi hiện nay đang có mức chi trả của du lịch cấp cao, gấp 2-3 lần mức của khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam, khoảng 200-300 USD/ngày và thường ở 3-4 ngày", bà Nga thông tin.

Phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết sau hội nghị trong đó tháo gỡ về những điểm nghẽn trong chính sách miễn visa tạo thuận lợi hơn cho du khách quốc tế nhập cảnh Việt Nam.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển du lịch phải đặt trong tổng thể với phát triển kinh tế-xã hội với vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, cần ưu tiên các nguồn lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành và lĩnh vực khác, góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại với tư duy mới, cách làm sáng tạo, chuyển từ "cung cấp cái mình có" sang "cung cấp dịch vụ và sản phẩm mà khách hàng cần"; phát triển ngành du lịch nhanh, bền vững, từ du lịch "một mùa" sang hấp dẫn khách du lịch quay trở lại nhiều lần, cảm nhận được sự an toàn, lành mạnh, mến khách.

Phát triển du lịch Việt Nam phải đặt trong tổng thể phát triển du lịch của thế giới và khu vực, có tính liên kết cao, bổ trợ lẫn nhau, đồng thời chủ động trước những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Du lịch là một ngành kinh tế quan trọng, ngành "công nghiệp không khói", đóng góp ngày càng lớn vào nền kinh tế của nhiều quốc gia; là xu hướng phát triển của tương lai, phát triển xanh, bền vững, thân thiện môi trường.

"Trong giai đoạn mới, tôi tin tưởng rằng với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước; sự quyết tâm, nỗ lực cao của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chung tay, đồng lòng ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp du lịch và người dân, sự hỗ trợ và hợp tác của bạn bè, đối tác quốc tế, ngành du lịch Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ theo hướng "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện", thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Lan Anh

Bạn đang đọc bài viết Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp phục hồi du lịch bền vững. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Khám phá menu đồ uống của Katinat Saigon Kafe
Katinat Saigon Kafe - Thương hiệu cà phê nổi bật tại TP.HCM chinh phục khách hàng với menu đa dạng hơn 40 loại thức uống độc đáo. Từ cà phê đậm đà, trà trái cây tươi mát đến các món đá xay hấp dẫn, mỗi thức uống đều mang đến trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Sự đa dạng hóa của thị trường đồ uống Việt
Thị trường đồ uống Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng thầm lặng mà không phải ai cũng nhận ra. Cách đây vài thập kỷ, văn hóa thưởng thức đồ uống của người Việt chủ yếu gắn liền với những quán cóc ven đường hoặc các quán nước giải khát đơn giản.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra "điểm nghẽn" về phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM ​​​​​​​
Việc đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng được nhu cầu của người dân; các quỹ đất dành cho việc đầu tư NƠXH còn hạn hẹp, cơ chế để đầu tư còn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Giá vàng cao chót vót, nên mua hay bán?
Trong phiên giao dịch sáng nay (2/4), giá vàng miếng SJC đang được các thương hiệu niêm yết ở ngưỡng 99,4 - 102,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch ở ngưỡng 2,7 triệu đồng/lượng.