Để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng
Doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng tập trung vốn cho vay. Đẩy mạnh các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trên 65% doanh nghiệp cả nước hiện nay là doanh nghiệp siêu nhỏ. Quy mô vốn, vốn chủ sở hữu, năng lực tài chính, trình độ quản trị của những doanh nghiệp này còn hạn chế. Đáng nói hơn cả, nhiều doanh nghiệp có số liệu tài chính thiếu minh bạch, chính xác, thiếu tài sản bảo đảm. Phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa không có báo cáo tài chính được kiểm toán, báo cáo thuế lại có sự khác biệt với báo cáo tài chính nội bộ, chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực theo quy định nên ngân hàng khó xem xét cấp tín dụng.
Đa số các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng là các doanh nghiệp mới thành lập, mới gia nhập các ngành, lĩnh vực kinh tế mới. Do đó, tổ chức tín dụng không có dữ liệu lịch sử hoạt động, không thể thực hiện xếp hạng tín nhiệm khi thẩm định, đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Các tổ chức tín dụng khó khăn trong việc quản lý dòng tiền do nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa có sự hợp tác chặt chẽ với ngân hàng.
Doanh nghiệp nhỏ và vừa trong thời gian qua đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả nợ hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn; mặc dù được các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo quy định thông thường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn do bị chuyển nhóm nợ, nên khó tiếp cận vốn vay để phục vụ sản xuất kinh doanh; hàng tồn kho chiếm tỷ trọng lớn trong kho không xuất được; bị khách hàng chiếm dụng vốn, công nợ cao.
Tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”. bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận trong thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên phát triển. Thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn".
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, bình quân giai đoạn 2018-2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 14,17%, cao hơn bình quân chung toàn nền kinh tế. Đến cuối năm 2022, dư nợ tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa đạt 2,18 triệu tỷ đồng tăng 8,28% so với cuối năm 2021, chiếm khoảng gần 19% tổng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế, phần lớn tập trung vào khu vực thương mại và dịch vụ (56,29%), công nghiệp và Xây dựng (40,85%).
Ông Nguyễn Quang Hùng - Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết đơn vị này là một trong những ngân hàng đầu tiên, chủ động đưa ra chương trình hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với mức lãi suất thấp hơn nhiều so với mức lãi suất cho vay thông thường.
Ngoài ra, Agribank còn chủ trương áp dụng cơ chế, điều kiện phù hợp để thu hút khách hàng mới tiềm năng, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn vay ngân hàng được dễ dàng, thuận tiện. Agribank cũng tích cực triển khai kết nối ngân hàng-doanh nghiệp. Đây là kênh tiếp cận vốn nhanh, hiệu quả góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất-kinh doanh.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng ban cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội cho biết các doanh nghiệp kinh doanh có uy tín thì việc vay vốn không có gì vướng mắc, tuy nhiên hiện nay lãi suất vay vốn lưu động còn cao, nhất là vay trung và dài hạn để đầu tư trong giai đoạn hiện nay là không khả thi vì lãi suất cao quá.
Bà Ngân thừa nhận thực tế nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa khi vay vốn ngân hàng thì không đủ chuẩn, thiếu minh bạch tài chính, phương án kinh doanh không khả thi. Đây là những hạn chế không thể sửa ngay, cần phải có thời gian bởi đa phần các doanh nghiệp này bắt nguồn từ hộ sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, kiến thức về nghiệp vụ tài chính còn hạn chế.
Bà Ngân kiến nghị để tạo thuận lợi cho tiếp cận nguồn vốn thì các ngân hàng có thể linh hoạt cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay những gói tín dụng nhỏ.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đề xuất Ngân hàng Nhà nước hạ các điều kiện cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nếu không có đột phá về thể chế, cả ngân hàng và doanh nghiệp đều gặp khó.
Cùng quan điểm, ông Hoàng Minh Nhật, Giám đốc Công ty cổ phần Hoàng Minh Nhật (chuyên về xuất khẩu gạo) cho rằng, để ngân hàng và doanh nghiệp gặp nhau, ngân hàng cần đưa ra chuẩn cho vay phù hợp, chẳng hạn với ngành nông sản thường mang tính chất thời vụ nên nhiều khi gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn.
Phó Tổng Giám đốc BIDV Trần Phương cho biết, BIDV có cách quản lý sáng tạo từ dư nợ lớn đến từng khoản vay nhỏ. BIDV áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn 5%/năm cho các đối tượng thuộc lĩnh vực ưu tiên. Thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục chủ động triển khai các gói tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với lãi suất hấp dẫn.
Tiến Hoàng