Thủy sản Vĩnh Hoàn (VHC) ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt 1.014 tỷ đồng trong tháng 10
Trong cơ cấu doanh thu, sản phẩm cá tra ghi nhận 601 tỷ đồng. Các sản phẩm phụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm hỗn hợp khác ghi nhận tăng trưởng lần lượt 49%, 117% và 734% so với tháng 10/2021.
CTCP Vĩnh Hoàn (Mã: VHC) vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 10 ghi nhận doanh thu xuất khẩu đạt 1.014 tỷ đồng, tăng 11% so với tháng trước.
Trong cơ cấu doanh thu, sản phẩm cá tra ghi nhận 601 tỷ đồng. Các sản phẩm phụ, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm hỗn hợp khác ghi nhận tăng trưởng lần lượt 49%, 117% và 734% so với tháng 10/2021.
Xét theo hoạt động kinh doanh tháng trước, doanh thu hoạt động trong tháng 10 đã có sự cải thiện nhưng vẫn ở mức thấp hơn với giai đoạn tháng 2 - tháng 8/2022. Doanh thu mảng cá tra tăng 11% so với tháng 9. Thị trường Mỹ và châu Âu cũng tăng trở lại với mức tăng lần lượt 29% và 22%, trong khi kim ngạch xuất khẩu qua Trung Quốc giảm 31%.
Liên quan đến nhóm ngành thủy sản, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP) mới đây đã có công văn gửi Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan báo cáo các khó khăn, vướng mắc tác động tới năng lực SX XK & sức cạnh tranh của DN thủy sản cuối năm 2022 & 2023.
Theo đó, từ giữa năm 2022 đến nay và đặc biệt trong thời điểm hiện tại, nhiều chi nhánh của các NHTM tại các địa phương đã cắt giảm mạnh tín dụng với các DN thủy sản mặc dù hạn mức tín dụng của nhiều DN mới chỉ giải ngân được 60-80% nhưng không được giải ngân, khiến nhiều DN lớn có nhu cầu vốn nhiều không đủ tiền để thu mua nguyên liệu thủy sản, vật tư cho sản xuất, DN phải hoạt động cầm chừng, ảnh hưởng đến tăng trưởng và xuất khẩu của ngành. Thậm chí có DN đang triển khai các dự án sản xuất thủy sản đã phải ngừng thi công.
Các doanh nghiệp vẫn nhận thức rằng trong hoàn cảnh hiện nay điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng là trên cân đối chung nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên với hoạt động sản xuất và xuất khẩu thủy sản trong năm 2022 có sự tăng trưởng mạnh một cách bất ngờ ở giai đoạn đầu năm nên Doanh nghiệp khó tự cân đối nguồn vốn tăng nếu không có sự điều chỉnh tăng nguồn tín dụng từ ngân hàng, giúp các Doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, duy trì tốc độ tăng trưởng trong hoạt động xuất khẩu.
VASEP kiến nghị Chính Phủ, Bộ Nông Nghiệp xem xét và có giải pháp nâng mức tín dụng cho ngành nói chung và xuất khẩu thủy sản nói riêng.
Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước có chỉ đạo với các NHTM tạo điều kiện cho các DN thủy sản tiếp tục được tiếp cận nguồn vốn vay bình thường trong giai đoạn mà XK thủy sản đang trên đà phục hồi và tăng trưởng như hiện nay và năm tới 2023
Chính Phủ có biện pháp hỗ trợ để bình ổn giá các loại vật tư đầu vào cho nuôi thủy sản, đặc biệt là giá thức ăn, con giống nuôi thủy sản, giá năng lượng cho khai thác; điều chỉnh tỷ giá đồng USD linh hoạt phù hợp, có lợi hơn đối với xuất khẩu; giảm chi phí logistic trong nước.
Ngoài ra, về quy chuẩn nước thải công nghiệp với ngành thuỷ sản cần có một Quy chuẩn nước thải riêng & phù hợp cho nuôi trồng thủy sản; ii) chỉnh sửa các quy định, đặc biệt là chỉ tiêu phosphor, tại QCVN đang dự thảo cho nước thải chế biến thủy sản phù hợp với điều kiện thực tế, khả năng công nghệ, yếu tố đặc thù ngành và thông lệ khu vực tại các nước tương đương về kinh tế xã hội.