0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 07/05/2023 08:48 (GMT+7)

Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội

Theo dõi KT&TD trên

Sáng 6/5, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.

Cuộc làm việc nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 04 tháng đầu năm 2023, kết quả giữa nhiệm kỳ Đại hội XVII của Đảng bộ thành phố Hà Nội; xử lý những kiến nghị và trao đổi tìm giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô.

Cùng chủ trì cuộc làm việc có các đồng chí: Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.

Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

Cùng tham dự cuộc làm việc có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và thành phố Hà Nội.

Cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội nằm trong chương trình làm việc của các thành viên Chính phủ với các địa phương nhằm nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị của các địa phương. Trước đó, ngày 16/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh.

Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là Thủ đô, trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa-xã hội của cả nước.

Với 30 đơn vị hành chính, tổng diện tích gần 3.400 km2, Hà Nội đứng thứ 2 về dân số và quy mô GRDP, xếp thứ 8 về GRDP bình quân đầu người. Hà Nội hiện là một trung tâm kinh tế lớn, đóng góp gần 13% GDP của cả nước, 43% GRDP, 43,8% thu ngân sách của vùng đồng bằng sông Hồng.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đạt kết quả tích cực, toàn diện trên nhiều lĩnh vực. GRDP quý I năm 2023 tăng 5,8%. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng trên địa bàn gần 178.000 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ.

Hà Nội đứng thứ 2 toàn quốc về thu hút FDI với trên 7.000 dự án còn hiệu lực và vốn đầu tư 61,7 tỷ USD. Về vốn thực hiện, các dự án đã triển khai thực hiện được 41,1 tỷ USD (chiếm 66,6%)-đây là tỉ lệ khá cao so với mức bình quân chung của cả nước. Trong 4 tháng đầu năm 2023, thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ).

Cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh; kỷ cương hành chính được củng cố; đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô. Hà Nội đã có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên xếp vị trí thứ 3/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chỉ số PAR Index 2022.

An sinh xã hội được đảm bảo; tổ chức tốt công tác chăm lo và các hoạt động Tết cổ truyền Quý Mão năm 2023; bảo đảm mọi người, mọi nhà đều vui Xuân, đón Tết. Thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với người có công, đối tượng chính sách, người nghèo. Giá trị văn hóa và con người Hà Nội được quan tâm, đầu tư, phát huy.

Về kết quả thực hiện giữa kỳ Đại hội XVII của Hà Nội, Thành phố đã đẩy mạnh tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển nhanh và bền vững. Năm 2022, GRDP tăng trưởng 8,89%.

Giai đoạn 2021-2022, tổng thu ngân sách nhà nước vượt gần 20% dự toán; giá trị nông nghiệp công nghệ cao đã chiếm tới 40% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh phát triển ngành dịch vụ; thúc đẩy chuyển đổi số; GRDP năm 2022 đạt bình quân gần 142 triệu đồng/người, tăng hơn 18 triệu đồng so với năm 2020, bình quân tăng 7,07%/năm...

Trong 4 tháng đầu năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là gần 178.000 tỷ đồng, đạt 50,4% dự toán, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Thu hút FDI tăng trưởng đột phá với kết quả đứng đầu toàn quốc, đạt 1,71 tỷ USD (tăng 260% so với cùng kỳ). GRDP quý I năm 2023 tăng 5,8%.

Kết luận cuộc làm việc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo và ý kiến tại cuộc làm việc, ghi nhận, biểu dương nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân TP. Hà Nội, đóng góp quan trọng và sự nghiệp đổi mới, hội nhập và phát triển của đất nước.

Cấp ủy, chính quyền và nhân dân Hà Nội đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; bám sát, nghiêm túc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố.

Tỉ lệ đóng góp của Hà Nội vào GDP, thu ngân sách của cả nước có chiều hướng tăng lên và Thủ đô luôn sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh, thành phố khác trong lúc khó khăn, thách thức, nhất là trong dịch bệnh COVID-19. Thủ tướng cũng bày tỏ ấn tượng với nỗ lực của Thành phố trong đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính.

Đặc biệt, Thành phố đã ban hành và triển khai Nghị quyết 09 về phát triển công nghiệp văn hóa theo tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Theo Thủ tướng, đây là vấn đề mới, khó, nhưng Hà Nội đã mạnh dạn triển khai.

Hà Nội cũng rất quyết liệt trong triển khai dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô, với sự chỉ đạo sâu sát của đồng chí Bí thư Thành ủy và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cùng cả nước đẩy mạnh đột phá chiến lược về hạ tầng.

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá: Những thành tựu, kết quả của Hà Nội đã góp phần cùng cả nước thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh; thúc đẩy hội nhập và đối ngoại; phát triển văn hóa; chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Bên cạnh những kết quả, thành tựu rất cơ bản, Thủ tướng chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức của Thủ đô. Tăng trưởng cần đẩy mạnh hơn, tập trung vào 3 động lực phát triển chính gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu.

Việc huy động nguồn lực ngoài xã hội cần hiệu quả hơn nữa theo tinh thần lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt mọi nguồn lực phát triển; giải ngân đầu tư công, triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia cần tích cực hơn nữa.

Công tác quy hoạch cần được đẩy mạnh hơn với tư duy đổi mới, tầm nhìn đột phá, chiến lược, dài hạn, chỉ ra và phát huy được tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, hóa giải được các mâu thuẫn, tồn tại, hạn chế.

Một số chỉ số cải cách hành chính như PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS cần nỗ lực cải thiện mạnh mẽ hơn. Kỷ luật, kỷ cương có lúc còn chưa nghiêm. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, các quy định phòng cháy, chữa cháy... cần tích cực hơn nữa.

Nhận định tình hình sắp tới vẫn có khó khăn, thách thức còn kéo dài và nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học công nghệ của cả nước. Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế-xã hội cả nước.

Nhấn mạnh một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục quán triệt, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, triển khai các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, Thủ đô Hà Nội; triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII. Bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Cùng với đó, Chính phủ và Hà Nội cần nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của Thành phố trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô.

Nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại hạn chế yếu kém trong quá trình phát triển của Thành phố, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.

Luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao.

Khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.

Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế Thành phố; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thứ hai, khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị thật tốt, vừa hiện đại và bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của Thành phố.

Thứ ba, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, phát triển thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí lệ, phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ… theo thẩm quyền và quy định.

Thứ tư, trong bối cảnh lạm phát trên cả nước vẫn được kiểm soát và giảm dần theo các tháng, cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tăng cả cung và cầu.

Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doan nghiệp.

Thứ sáu, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân. Chú trọng đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền.

Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác công-tư, huy động các nguồn lực xã hội với các mô hình lãnh đạo công-quản trị tư (như Nhà nước xây dựng chính sách, đấu nối hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bên trong khu công nghiệp và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp), đầu tư công-quản lý tư (ví dụ Nhà nước xây dựng công viên, giao tư nhân quản lý và khai thác); đầu tư tư-sử dụng công (ví dụ tư nhân xây dựng trụ sở, cơ quan nhà nước sử dụng)

Thứ tám, đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ chín, phát triển kinh tế-xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nghìn năm văn hiến và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.

Thứ mười, tăng cường bảo đảm quốc phòng-an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Cùng với đó, chú trọng công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là trong mùa nắng nóng sắp tới; phòng, chống thiên tai, hỏa hoạn…

Thủ tướng đề nghị Hà Nội chú trọng công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên. Tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, nhất là người đứng đầu, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Tại cuộc làm việc, Hà Nội đề xuất 31 kiến nghị cụ thể thuộc 4 lĩnh vực, trong đó 17 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 14 kiến nghị thuộc các bộ, ngành.

Lãnh đạo các bộ, ngành, các Phó Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trả lời, cho ý kiến về các kiến nghị liên quan tới việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô, các dự án đường sắt đô thị, về phát triển nhà ở, các vấn đề liên quan tới đất đai...

Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc giải quyết các kiến nghị này. Theo đó, thứ nhất, các Bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ. Thứ hai, những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các Bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất. Nguyên tắc thứ ba là bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời. Thủ tướng giao Hà Nội rà soát, thống kê các công việc đang vướng mắc, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/5.

Bạn đang đọc bài viết Thường trực Chính phủ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Đầu tư hơn 363 tỷ đồng vào 3 dự án trọng điểm
Tỉnh Nghệ An vừa thông qua Nghị quyết về việc bổ sung hơn 363 tỷ đồng vào kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn ngân sách Trung ương. Quyết định này nhằm triển khai ba dự án trọng điểm, bao gồm cả lĩnh vực y tế, hạ tầng cơ bản và phát triển du lịch.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến triển khai xây dựng vào năm 2027, hoàn thành vào năm 2035, với chiều dài 1.541km, tốc độ thiết kế 350km/h, dự kiến tổng vốn hơn 67 tỉ USD.
Khám phá lễ hội chè Việt Nam: Nét đẹp văn hóa từ những đồi xanh
Việt Nam không chỉ nổi tiếng với những đồi chè bát ngát mà còn thu hút du khách bởi các lễ hội chè mang đậm dấu ấn văn hóa địa phương. Những sự kiện này không chỉ tôn vinh người trồng chè mà còn góp phần quảng bá hình ảnh chè Việt trên thị trường quốc tế.

Tin mới

Kim Oanh Group lần thứ hai được vinh danh TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam
Ngày 19/11/2024, Kim Oanh Group tiếp tục được xướng tên trong TOP 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024. Đây là lần thứ 2 liên tiếp Kim Oanh Group được Anphabe – đơn vị tiên phong về giải pháp Thương hiệu Nhà tuyển dụng và Môi trường làm việc Hạnh phúc – trao tặng giải thưởng quan trọng này.
Những loại đồ uống giúp tăng cường miễn dịch khi giao mùa
Thời tiết giao mùa là thời điểm mà hệ miễn dịch của cơ thể thường suy giảm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như cảm cúm, viêm họng và mệt mỏi. Để bảo vệ sức khỏe trong giai đoạn này, việc bổ sung các loại đồ uống tăng cường miễn dịch là rất quan trọng.
Một số thông tin về điều hành xăng dầu ngày 21/11/2024
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ 14/11/2024 - 20/11/2024) chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: kế hoạch kích thích kinh tế của Trung Quốc không đạt kỳ vọng của nhà đầu tư, xung đột tại khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn, xung đột quân sự giữa Nga với Ucraina có dấu hiệu leo thang...
Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.