0922 281 189 [email protected]
Thứ hai, 06/05/2024 08:49 (GMT+7)

Thị trường Đài Loan có quy định mới về nhập khẩu ớt

Theo dõi KT&TD trên

Các nước xuất khẩu ớt vào thị trường Đài Loan (Trung Quốc) bị yêu cầu giới hạn định lượng thuốc nhuộm Sudan, một chất nhuộm màu trong công nghiệp.

Văn phòng SPS Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Văn phòng vừa nhận được thông báo số G/SPS/N/TPKM/625 của Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc) công bố áp dụng quy định cho hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC.

Cụ thể, hàng hóa dùng làm thực phẩm và được phân loại theo mã CCC 0904.22.00.00-1 (quả thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta, được nghiền nát hoặc xay) và 0904.21.90.00-3 (các loại quả khác thuộc chi ớt Capsicum hoặc thuộc chi Pimenta ở dạng khô, chưa nghiền nát hoặc chưa xay) phải cung cấp báo cáo thử nghiệm về thuốc nhuộm Sudan. Báo cáo thử nghiệm gồm Sudan I-IV kèm theo: Ghi chú phương pháp thử, giới hạn định lượng (LOQ), đơn vị thử nghiệm và một số thông tin liên quan.

Thị trường Đài Loan có quy định mới về nhập khẩu ớt - Ảnh 1

Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm, Bộ Y tế và Phúc lợi của Đài Loan (Trung Quốc), thuốc nhuộm Sudan được phát hiện trong nhiều lô bột ớt nhập khẩu tại khâu kiểm tra biên giới hoặc kiểm tra tại điểm bán hàng từ năm 2023 đến năm 2024 có nguồn gốc từ Trung Quốc, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam.

Sau khi nhận thông báo G/SPS/N/TPKM/625 từ Đài Loan, Văn phòng SPS Việt Nam đã có văn bản đề nghị Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương; Cục An toàn thực phẩm của Bộ Y tế; Hiệp hội Rau quả Việt Nam; Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam triển khai phổ biến, thực hiện yêu cầu của phía bạn, đảm bảo tuân thủ quy định của thị trường nhập khẩu.

Theo Tổng cục Hải quan, trong năm 2023, ớt Việt Nam xuất khẩu đạt 72 triệu USD, tăng 34,5% so với năm trước đó. Trong nhóm hàng rau củ xuất khẩu, ớt là mặt hàng quan trọng nhất, chiếm 25,9% về giá trị, vượt xa so với các mặt hàng cùng nhóm như khoai lang, súp lơ...

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, tính đến hết tháng 3/2024, Việt Nam xuất khẩu được 3.141 tấn ớt với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,1 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2023 lượng xuất khẩu tăng 17,6%, kim ngạch tăng 52,8%. Trung Quốc và Lào là 2 thị trường xuất khẩu chính đạt 2.753 tấn và 259 tấn, chiếm 95,9% tổng lượng xuất khẩu.

Ớt được trồng nhiều nhất tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng, Vĩnh Long và Trà Vinh. Với tổng diện tích trên 7.000ha, ớt cho sản lượng khoảng 100.000 tấn một năm. Ngoài ra, ớt còn được trồng tại Tây Nguyên với diện tích trồng từ 4.000 - 5.000ha, với sản lượng khoảng 60.000 tấn một năm.

Kể từ cuối tháng Hai đến nay, Đài Loan (Trung Quốc) đã ra các lệnh hạn chế dừng kiểm hóa thông quan nhập khẩu đối với mặt hàng ớt và sản phẩm từ ớt đối với 21 doanh nghiệp Trung Quốc, 1 doanh nghiệp xuất khẩu ớt Việt Nam vào Đài Loan, 1 doanh nghiệp Thái Lan và 1 doanh nghiệp Mexico.

Sudan là một chất nhuộm màu trong công nghiệp dùng để nhuộm đỏ cho plastic và các chất tổng hợp khác. Trên thế giới, thuốc nhuộm Sudan được xếp vào nhóm chất nhuộm màu gây độc, vì có khả năng gây ung thư thông qua việc làm tổn thương ADN của tế bào. Sudan có 4 loại, được đánh thứ tự từ I đến IV (màu đỏ tươi). Thuốc nhuộm Sudan thường được dùng để thực phẩm có màu đỏ hấp dẫn, cũng như giữ màu cho thực phẩm lâu hơn. Người ta thường tìm thấy chất này trong bột ớt và bột cà ri. Dựa trên cơ chế tác động của Sudan trên tế bào (tạo ra những chất gây đột biến, khiến tế bào tăng sinh không kiểm soát - ung thư), các nhà khoa học hầu hết đều thống nhất, rằng không có giới hạn an toàn cho Sudan. Một số quốc gia thậm chí cấm dùng chất này trong thực phẩm.

Bạn đang đọc bài viết Thị trường Đài Loan có quy định mới về nhập khẩu ớt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá vàng cao chót vót, nên mua hay bán?
Trong phiên giao dịch sáng nay (2/4), giá vàng miếng SJC đang được các thương hiệu niêm yết ở ngưỡng 99,4 - 102,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Chênh lệch ở ngưỡng 2,7 triệu đồng/lượng.

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.