Thị trường bảo hiểm cần nỗ lực hơn để lấy lại tốc độ tăng trưởng
Sau 31 năm phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ (BHNT) lần đầu ghi nhận tăng trưởng âm trong năm 2023 và tiếp tục kéo dài sang quý đầu năm 2024.
Theo nhiều chuyên gia, đây là vận động tất yếu vì thị trường chưa thể hồi phục nhanh trong bối cảnh kinh tế còn không ít khó khăn, cộng thêm nhiều doanh nghiệp BHNT đang tái cơ cấu và hoàn thiện để chuẩn bị bước sang trang mới.
Theo số liệu từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), tính tới hết tháng 5/2024, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ước đạt 948.408 tỷ đồng, tăng +8,83% so với cùng kỳ năm trước, trong đó DNBH phi nhân thọ đạt 136.030 tỷ đồng và DNBH nhân thọ đạt 812.378 tỷ đồng.
Các DNBH đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 787.514 tỷ đồng, tăng +8,69% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, DNBH phi nhân thọ ước đạt 73.440 tỷ đồng và các DNBH nhân thọ ước đạt 714.101 tỷ đồng. Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 635.125 tỷ đồng, tăng +7,8% so với cùng kỳ. Đồng thời, tổng nguồn vốn chủ sở hữu cũng tăng +10,2%, ước đạt 201.946 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 87.844 tỷ đồng, giảm -4,08% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm lĩnh vực phi nhân thọ ước đạt 31.963 tỷ đồng, tăng +11%; song lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ ước đạt 55.881 tỷ đồng, giảm -11% so với cùng kỳ. Cùng với đó, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 34.435 tỷ đồng, tăng 22,01% so với cùng kỳ, trong đó DNBH phi nhân thọ là 8.630 tỷ đồng, còn các DNBH nhân thọ là 25.805 tỷ đồng.
Qua số liệu cho thấy, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang dần tăng trưởng tích cực hơn, mặc dù tốc độ còn chậm, nhất là ở chỉ tiêu tổng doanh thu phí bảo hiểm. Doanh thu phí bảo hiểm đã “bớt âm” so với quý đầu năm (quý I/2024: -5,17%), nhưng chủ yếu là do sự bù đắp của mảng phi nhân nhân thọ, còn lại mảng nhân thọ vẫn hồi phục chậm.
Theo kết quả khảo sát người tiêu dùng bảo hiểm được Vietnam Report tiến hành trong tháng 5 và 6, 94,8% người tiêu dùng bảo hiểm có sử dụng ứng dụng bảo hiểm trên điện thoại. Trong đó, 47% người tiêu dùng mua các sản phẩm bảo hiểm thông qua các sàn thương mại điện tử, ứng dụng mobile banking của ngân hàng, ví điện tử và 54,7% người tiêu dùng thực hiện các giao dịch cơ bản trên ứng dụng mobile banking thay vì gọi điện hoặc đến đại lý bảo hiểm như trước đây. Xu hướng này cho thấy sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy và cách tiếp cận với sản phẩm bảo hiểm của người tiêu dùng.
Theo thông tin từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, ngành bảo hiểm Việt Nam đang hướng tới một năm đầy triển vọng với những mục tiêu tài chính đáng chú ý. Cụ thể, tổng tài sản của ngành ước đạt 1.004.421 tỷ đồng, phản ánh sự tăng trưởng ấn tượng 9,97% so với năm 2023.
Dự kiến năm 2024, ngành bảo hiểm cũng đóng góp tích cực cho nền kinh tế thông qua số vốn đầu tư ước đạt 850.264 tỷ đồng, tăng 11,51% so với năm trước. Tổng doanh thu phí bảo hiểm dự kiến đạt 243.472 tỷ đồng, trong đó bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 79.687 tỷ đồng (tăng 12%) và bảo hiểm nhân thọ ước đạt 163.785 tỷ đồng (tăng 5%).
Mục tiêu trên là hết sức khả quan khi chỉ trong 4 tháng đầu năm 2024, tổng tài sản ước đạt 942,7 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 781,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% Sự tăng trưởng này là minh chứng cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành sau những khó khăn của năm 2023.
Thực tế cho thấy tiềm năng tăng trưởng của thị trường BHNT về dài hạn còn rất lớn. Hiện tại, mới có khoảng 11% dân số Việt Nam tham gia bảo hiểm nhân thọ, thấp hơn đáng kể so với các nước trong khu vực dù tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động cao. Con số này được kỳ vọng tăng lên 15% vào năm 2025 và 18% vào năm 2030 theo chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm.
Ý nghĩa và tiềm năng phát triển của BHNT là không thể phủ nhận. Giới chuyên gia cho rằng có 2 chất xúc tác chủ đạo giúp thị trường BHNT khôi phục niềm tin của khách hàng, từ đó bước vào chu kỳ tăng trưởng mới theo hướng ổn định và bền vững hơn.
Yếu tố thứ nhất là định hướng của Nhà nước về phát triển bảo hiểm nhân thọ thành công, cụ thể góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và bổ trợ cho các chính sách an sinh xã hội. Điều này đã được thể hiện qua việc ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm và Thông tư 67 hướng dẫn thi hành luật, từ đó mang đến những tiêu chuẩn tốt hơn về quy trình và chính sách kinh doanh cho doanh nghiệp.
Yếu tố thứ hai là sự chủ động chuyển mình của chính các doanh nghiệp bảo hiểm sau những biến động trong năm 2023. Không ít doanh nghiệp đã và đang chủ động đổi mới quy trình nghiệp vụ, tập trung kiểm soát chất lượng, thiết lập nhiều quy chuẩn mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.
Hiện các DNBH đều đang có những thay đổi, điều chỉnh, nhằm khẳng định lại giá trị đúng của bảo hiểm nhân thọ. Dù giải pháp cụ thể có khác nhau, nhưng nhìn chung thì các DNBH đều đang tập trung cải tiến sản phẩm để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, tối ưu hóa quy trình nghiệp vụ, cũng như phát triển đội ngũ chất lượng.
Tiến Hoàng