Tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giao dịch liên kết
Nghị định số 20/2025/NĐ-CP vừa ban hành ngày 10/02/2025 (Nghị định 20) đã sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến quản lý thuế đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giao dịch liên kết được quy định tại của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05/11/2020 (Nghị định 132).
Theo đó, Nghị định mới tập trung điều chỉnh vào các trường hợp được xác định là có mối quan hệ liên kết và trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước đối với các giao dịch liên kết.
Tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có giao dịch liên kết là mục tiêu xuyên suốt, nhất quán trong nội dung đã được sửa đổi, bổ sung
Bổ sung quy định các bên liên kết
Về các điều chỉnh liên quan đến các trường hợp có mối quan hệ liên kết, theo Nghị định số 132/2020/NĐ-CP, khi một doanh nghiệp (DN) bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào, nếu khoản vốn vay ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn, thì hai bên được cho là có quan hệ liên kết với nhau.
Phó Cục trưởng Cục TTKT TÔ KIM PHƯỢNG Tháo gỡ vướng mắc cho DN, tổ chức tín dụng có giao dịch liên kết “Nắm bắt được những vướng mắc, khó khăn của cộng đồng DN và các tổ chức tín dụng có giao dịch liên kết sau khi áp dụng Nghị định 132, Tổng cục Thuế đã đề xuất dự thảo Nghị định 20 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132 nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Tại Nghị định 20 đã sửa đổi một số điểm, xác định quan hệ liên kết giữa các tổ chức tín dụng trong trường hợp mà cho vay hoặc bảo lãnh cho DN nhưng không kiểm soát, điều hành, góp vốn vào DN hoặc giữa tổ chức tín dụng và DN không cùng chịu sự kiểm soát điều hành của bên thứ ba. Điều này đã tháo gỡ cho các DN vay vốn ngân hàng và không có giao dịch liên kết khác, không phải chịu quy định về khống chế chi phí lãi vay.” |
Còn theo quy định mới tại Nghị định 20 các bên sẽ được xác định là có giao dịch liên kết khi một DN bảo lãnh hoặc cho một DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào, trong đó tổng dư nợ các khoản vay của DN đi vay với DN cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu DN đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn.
Bên cạnh đó, quy định này không áp dụng với các trường hợp gồm: Bên bảo lãnh hoặc bên cho vay là các tổ chức kinh tế (hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng 2024) không tham gia điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư vào bên còn lại; bên bảo lãnh hoặc cho vay là các tổ chức kinh tế và doanh nghiệp đi vay được bảo lãnh không cùng chịu sự điều hành, kiểm soát, góp vốn, đầu tư của một bên khác.
Đồng thời, tại Nghị định mới này, đối với trường hợp DN, tổ chức tín dụng chỉ có liên hệ liên kết với ngân hàng mà không còn liên hệ liên kết khác thì các chi phí lãi vay chưa được trừ trước đây từ kỳ tính thuế năm 2020 đến kỳ tính thuế năm 2023 mà chưa được trừ vào chi phí khi xác định chi phí chịu thuế sẽ được phân bổ đều vào các kỳ tính thuế từ năm 2024 cho đến thời gian còn lại (theo Nghị định cũ).
Việc bổ sung, sửa đổi mới này đã giúp giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc trước đây đối với trường hợp DN chỉ có một giao dịch liên kết theo Nghị định 132. Và tại quy định sửa đổi của Nghị định 20 đã loại trừ DN, tổ chức tín dụng có vay vốn, có giao dịch nhưng không có quan hệ kiểm soát, điều hành, góp vốn hay không có bên thứ ba cùng kiểm soát, điều hành tổ chức tín dụng và DN thì chi phí lãi vay đó sẽ được phân bổ đều.
Đồng thời, Nghị định 20 cũng đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132 nhằm tháo gỡ được một số nội dung liên quan đến xác định quan hệ liên kết giữa tổ chức tín dụng và DN. Theo đó, tại điểm m khoản 2 Điều 5 quy định của Nghị định 20 nêu rõ: “Tổ chức tín dụng với Công ty con hoặc với Công ty kiểm soát hoặc với Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế (nếu có)”.
Một điểm đáng lưu ý trong Nghị định mới ban hành, đã sửa đổi điểm k khoản 2 Điều 5 của Nghị định 132. Theo đó, thay vì quy định chung chung về trường hợp doanh nghiệp liên kết, Nghị định 20 đã chỉ rõ “Các trường hợp khác trong đó doanh nghiệp (bao gồm cả chi nhánh hạch toán độc lập thực hiện kê khai, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp) chịu sự điều hành, kiểm soát, quyết định trên thực tế đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp kia”.
Tại điều bổ sung mới này đã xác định quan hệ liên kết giữa các tổ chức tín dụng trong trường hợp mà cho vay hoặc bảo lãnh cho DN nhưng không kiểm soát, điều hành, góp vốn vào DN hoặc giữa tổ chức tín dụng và DN không cùng chịu sự kiểm soát điều hành của bên thứ ba.
Trong trường hợp đó, DN chỉ có giao dịch với tổ chức tín dụng mà không có kiểm soát điều hành hoặc không chịu sự kiểm soát điều hành của bên thứ ba, không còn liên kết khác thì sẽ không chịu ảnh hưởng của quy định về khống chế chi phí lãi vay theo khoản 3 điều 16 của Nghị định 132. Đây là một bước tháo gỡ lớn cho các DN trong trường hợp chỉ đi vay vốn ngân hàng và không có giao dịch liên kết khác, sẽ không phải chịu quy định về khống chế chi phí lãi vay.
Các thông tin về “người có liên quan” do Ngân hàng Nhà nước cung cấp sẽ giúp cơ quan thuế quản lý và rà soát việc kê khai thông tin về các bên có quan hệ liên kết của người nộp thuế
Bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong cung cấp thông tin với cơ quan thuế
Thêm một chi tiết quan trọng mới được quy định trong Nghị định 20 này, đó là tại Khoản 2 Điều 21 Nghị định 132/2020/NĐ-CP quy định Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng DN cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do cơ quan thuế yêu cầu, bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Ngoài quy định trên, Nghị định số 20/2025/NĐ-CP bổ sung trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước phối hợp cung cấp thông tin được báo cáo theo quy định pháp luật về người có liên quan của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và chức danh tương đương theo quy định tại Điều lệ của tổ chức tín dụng; người có liên quan của cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng; Công ty liên kết của tổ chức tín dụng theo hệ thống thông tin dữ liệu quản lý của Ngân hàng Nhà nước khi cơ quan thuế đề nghị.
Theo bà Tô Kim Phượng - Phó Cục trưởng Cục Thanh tra Kiểm tra thuế (Tổng cục Thuế), các thông tin về “người có liên quan” do Ngân hàng Nhà nước cung cấp sẽ là một trong những nguồn thông tin quan trọng giúp cơ quan thuế quản lý và rà soát việc kê khai thông tin về các bên có quan hệ liên kết của người nộp thuế là tổ chức tín dụng và DN liên kết. Vì thế, việc phối hợp cung cấp thông tin nêu trên giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thuế là cần thiết trong việc quản lý thuế với DN có giao dịch liên kết, từ đó tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng cho cộng đồng DN, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý của ngành Thuế.
Nghị định 20 sẽ bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 27/3/2025 tới đây và áp dụng từ kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.
Vũ Nguyễn