Thành phố Hồ Chí Minh: Triển khai đề án phát triển 3 mô hình kinh tế
UBND Thành phố Hồ Chí Minh vừa có kế hoạch triển khai Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030” năm 2024 - 2025.
Theo đó, để phát triển các mô hình kinh tế mới, Thành phố Hồ Chí Minh đổi mới tư duy và thống nhất nhận thức về các mô hình kinh tế mới như: Kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn và các loại hình kinh tế sáng tạo khác theo đà phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0; định hướng những giải pháp hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế mới; nâng cao trình độ và năng lực đổi mới sáng tạo nhằm phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển các mô hình kinh tế mới, ứng dụng triển khai các mô hình kinh doanh mới.
Để phát triển kinh tế số, Thành phố thúc đẩy phát triển kinh tế số với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số và dữ liệu số; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp công nghệ số và giải quyết vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế số.
Về phát triển kinh tế chia sẻ và thương mại điện tử, Thành phố nắm bắt xu hướng phát triển các loại hình kinh tế chia sẻ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử, góp phần phát triển nền kinh tế số; đề xuất chính sách cụ thể, đồng bộ nhằm thúc đẩy phát triển hiệu quả hoạt động kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống trên địa bàn, đảm bảo quyền lợi, trách nhiệm và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia hoạt động kinh tế chia sẻ, góp phần chuyển dịch kinh tế Thành phố theo hướng hiện đại và bền vững.
Đối với phát triển kinh tế tuần hoàn, Thành phố đẩy mạnh phát triển kinh tế tuần hoàn góp phần tái cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững; khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, năng lượng; khuyến khích phát triển và sử dụng nguyên vật liệu, năng lượng và sản phẩm thân thiện môi trường, có thể tái tạo, tái sử dụng và tái chế; hỗ trợ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn theo các cấp độ, khu công nghiệp, ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân. Tăng cường hợp tác quốc tế, trao đổi kinh nghiệm và huy động các nguồn lực hiệu quả nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn trên địa bàn.