Thanh Hóa: Trang trại cá - lúa “biến” thành điểm kinh doanh dịch vụ
Được cho thuê đất nông nghiệp để thực hiện dự án trang trại kinh tế tổng hợp cá - lúa ở phường Quảng Thịnh, thành phố Thanh Hóa, nhưng chủ đầu tư đã “biến” dự án trên thành Làng ẩm thực xứ Thanh (còn được gọi là Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc) phục vụ cho hoạt động kinh doanh ẩm thực, vui chơi
Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ được đầu tư bài bản, với nguồn kinh phí lớn, có diện tích rộng, nhiều cây xanh, hồ nước… Sẽ không có gì đáng nói nếu như điểm kinh doanh dịch vụ này được đầu tư, hoạt động đúng mục đích sử dụng đất, có đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khu vui chơi này lại được núp dưới “vỏ bọc” dự án trang trại sản xuất cá – lúa, lấy danh nghĩa sản xuất nông nghiệp để đầu tư kinh doanh dịch vụ. Đáng ngạc nhiên hơn, mặc dù quá trình đầu tư, đi vào hoạt động diễn ra đã gần 10 năm, chính quyền từ thành phố đến địa phương đều biết và báo chí cũng nhiều lần phản ánh.
Tuy vậy, không rõ vì sao, điểm kinh doanh dịch vụ không những không bị dừng hoạt động, mà ngược lại ngày càng được đầu tư xây dựng quy mô, bề thế hơn trong sự “im lặng” của chính quyền và sự bất bình của dư luận, người dân địa phương.
Được biết, ngày 22/10/2014 UBND thành phố Thanh Hóa có Quyết định số 9698/QĐ-UBND về việc cho phép ông Nguyễn Xuân Hương thuê đất tại khu vực Trại Cá, thôn Thịnh Vạn, xã Quảng Thịnh để đầu tư thực hiện dự án trang trại kinh tế tổng hợp cá – lúa. Theo đó, ông Hương được thuê 70.363,5m2 đất, thời hạn 50 năm để sử dụng vào mục đích xây dựng trang trại kinh tế tổng hợp cá – lúa. Mặc dù quyết định cho thuê đất đã nêu rõ như vậy, nhưng trong suốt quá trình sử dụng, thay vì tổ chức sản xuất, nuôi trồng cá - lúa theo mục đích của dự án, chủ đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt hạng mục, tiểu cảnh nhằm phục vụ cho mục đích kinh doanh ẩm thực, vui chơi giải trí.
Để nắm bắt thực tế, mới đây phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có mặt tại điểm kinh doanh, dịch vụ nằm ngay bên mặt đường Quốc lộ 45 này. Án ngữ ngay lối vào là một chiếc cổng hoành tráng được ghép bằng những tảng đá lớn nguyên khối, cùng với những biển hiệu cũng không kém phần hoành tráng mang nội dung quảng bá cho dịch vụ ăn uống, vui chơi như “Làng ẩm thực xứ Thanh”, “Khu du lịch sinh thái Linh Kỳ Mộc”, hoàn toàn không dính dáng gì tới việc sản xuất cá – lúa. Sau khi mua vé tham quan 70.000 đồng, phóng viên được tự do vào bên trong để thoải mái “tham quan”.
Theo ghi nhận của phóng viên, chủ đầu tư cơ sở kinh doanh dịch vụ này là một người khéo tính toán, sắp đặt, có tiềm lực tài chính và rất thích sưu tầm các loại cây cổ thụ quý hiếm, đắt tiền để trang trí cho “trang trại” của mình. Minh chứng cho nhận xét này là hàng loạt cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ được trồng ven các hồ nước, lối đi, sân vườn. Trong đó “khủng” nhất là một cây nhội cổ thụ được gắn biển “Linh kỳ mộc, cây di sản Việt Nam”.
Cùng với hệ thống cây xanh là hàng loạt hồ nước trong xanh, bên trên có một số căn nhà chòi và đường dẫn được xây dựng khá chắc chắn, phục vụ cho thú vui ẩm thực. Xa xa có những chiếc thuyền đạp nước mang hình thiên nga, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu chèo thuyền, thư giãn của khách hàng. Nằm ở khu vực trung tâm là một ngôi nhà gỗ hai tầng, mái lợp ngói, treo tấm biển “Bộ sưu tập ấm”.
Sâu vào phía bên trong lại có những hạng mục phục vụ nhu cầu chụp ảnh check-in, ăn uống, nghỉ ngơi, tổ chức sự kiện, vui chơi thư giãn, phục hồi sức khỏe... cho khách hàng. Tất cả đều được xây dựng, sắp xếp, bài trí rất công phu, bắt mắt, thừa sức làm hài lòng những vị khách sành điệu và khó tính nhất. Ngoài những hạng mục đã hoàn thiện và đi vào hoạt động, hiện chủ đầu tư đang cho thi công thêm một số hạng mục mới bên trong khuôn viên của “trang trại”.
Thực tế diễn ra cho thấy, phần lớn diện tích của “trang trại cá – lúa” tại phường Quảng Thịnh đều đang được chủ đầu tư sử dụng sai mục đích, chủ yếu phục vụ cho việc kinh doanh, dịch vụ. Ngoài ra, việc sản xuất “cá –lúa” (nếu có) chỉ là một phần rất nhỏ tại đây.
Đáng quan tâm là, những vi phạm của chủ đầu tư đã được chính quyền địa phương biết, nhưng việc kiểm tra, xử lý để kéo dài quá lâu, có biểu hiện “né tránh, nương nhẹ”, để cho vi phạm kéo dài và có xu hướng ngày càng nặng nề hơn.
Có thể nói, sự ngang nhiên, coi thường các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, sử dụng đất của chủ đầu tư tại đây có một phần nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền cơ sở và các cơ quan có thẩm quyền. Sự việc này đã khiến dư luận không khỏi bức xúc, bất bình với câu hỏi đặt ra: Liệu đằng sau sự lộng hành, coi thường pháp luật của chủ đầu tư tại đây có được ai, thế lực nào “chống lưng” hay không?
Trao đổi với PV Báo điện tử Xây dựng, ông Lê Mai Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Thanh Hóa cho biết: “Về vụ việc này, sau khi có phản ánh của báo chí, Thường trực Thành ủy thành phố đã có văn bản chỉ đạo UBND thành phố tổ chức kiểm tra, làm rõ, báo cáo Thành ủy để có hướng xử lý phù hợp. Quan điểm của lãnh đạo thành phố là tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, sẽ xử lý nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật hiện hành”.