Thanh Hóa: Thu ngân sách nhà nước trong tháng 8 giảm mạnh
Với nhiều nguyên nhân khác nhau, dẫn tới thu ngân sách trong tháng 8 chỉ đạt hơn 2.300 tỷ đồng, giảm tới 50% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong tháng 8 tiếp tục giảm mạnh, cụ thể thu NSNN tháng 8 ước đạt 2.326 tỷ đồng, bằng 50% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó thu nội địa ước đạt 1.630 tỷ đồng, bằng 67% so với cùng kỳ, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 696 tỷ đồng, bằng 31% so với cùng kỳ. Nhất là số thu tiền sử dụng đất giảm 68,1%, thuế bảo vệ môi trường giảm 41,2%.
Lũy kế 8 tháng đầu năm, thu NSNN ước đạt 26.143 tỷ đồng, bằng 72% so với cùng kỳ và bằng 74% so với dự toán năm 2023 (trong đó: thu nội địa ước đạt 15.323 tỷ đồng, bằng 70% dự toán và bằng 68% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 10.820 tỷ đồng, bằng 80% dự toán và bằng 79% cùng kỳ). Chi ngân sách tháng 8 ước đạt 3.060 tỷ đồng, bằng 99% so với cùng kỳ; lũy kế 8 tháng đầu năm ước đạt 26.416 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và 110% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, một số lĩnh vực kinh tế của Thanh Hóa tăng trưởng nhẹ như nông nghiệp, sản lượng thủy sản tăng 6,2% so với cùng kỳ; Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 2,23%, có 14/24 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng tăng so với cùng kỳ.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 3,4%. Tổng thu du lịch trong tháng 8 của Thanh Hóa cũng tăng 6,6% so với cùng kỳ, vận chuyển hành khách tăng 15,5%, doanh thu vận tải tăng 17,1%; thành lập mới doanh nghiệp tăng 73,3% so với cùng kỳ.
Đối với việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong tháng 8, Thanh Hóa có thêm 13 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 9 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Lũy kế toàn tỉnh Thanh Hóa đến nay có 12 đơn vị cấp huyện, 359 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 354 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Trong lĩnh vực đối ngoại và xúc tiến đầu tư, trong tháng 8 tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước và 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 195 tỷ đồng và 45,8 triệu USD.
Lũy kế 8 tháng năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 59 dự án đầu tư trực tiếp, gồm 31 dự án đầu tư trong nước, 16 dự án có sử dụng đất lựa chọn nhà đầu tư và 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đăng ký khoảng hơn 25.677 tỷ đồng và gần triệu USD.
Kết quả thu hút đầu tư còn nhiều hạn chế; tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 các dự án chưa đảm bảo theo chỉ đạo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 09/02/2023, nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các dự án chưa được tháo gỡ, giải quyết kịp thời; tiến độ thi công nhiều dự án trọng điểm còn chậm…
Riêng lĩnh vực đối ngoại và xúc tiến đầu tư, trong tháng 8 tỉnh này đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 1 dự án đầu tư trực tiếp trong nước và 2 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 195 tỷ đồng và 45,8 triệu USD.
Nguyên nhân dẫn tới những hạn chế là do tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều bất ổn, sức tiêu thụ hàng hóa ở một số thị trường truyền thống bị thu hẹp, tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Hụt thu NSNN cũng là tình trạng chung của toàn tỉnh, trong số những khoản thu sụt giảm sâu, đáng lo ngại nhất là các khoản thu từ đất. 8 tháng qua, thị trường bất động sản nhìn chung chưa thoát khỏi tình trạng "đóng băng” nên tạo áp lực lớn lên nhiệm vụ thu NSNN đối với các khoản thu từ đất, trong khi đây là nguồn thu trọng tâm, chiếm tỷ trọng cao trong tổng thu NSNN của tỉnh.
Tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các ngành, các địa phương tập trung đánh giá, phân tích các yếu tố tác động đến số thu, tiến độ thu ngân sách Nhà nước tại từng địa bàn, từng khu vực, từng sắc thuế; đẩy nhanh việc tính tiền sử dụng đất các dự án có sử dụng đất; đôn đốc các khoản nợ kéo dài, quá hạn, phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước năm 2023.
Hoài Thanh