Thanh Hóa: Gần 2.700 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trong 5 năm
Tính từ năm 2018 đến 2023, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện 2.696 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong năm 2023 phát sinh 137 vụ. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, từ năm 2018 đến hết năm 2023 trên địa bàn tỉnh đã phát hiện 2.696 vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, trong đó năm 2023 phát sinh 137 vụ. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng nhà ở, công trình, gây cản trở dòng chảy, xả rác thải, nước thải vào công trình thủy lợi. Số vụ vi phạm đã được xử lý năm 2023 là 93/137 vụ (đạt 67,9%). Trong đó số vụ kiến nghị UBND cấp xã, huyện xử lý là 21/39 vụ (đạt 53,8%). Tuy nhiên, hình thức xử lý vi phạm hiện mới chỉ dừng lại ở việc lập biên bản, nhắc nhở, vận động các tổ chức, cá nhân tự giác tháo dỡ, khôi phục hiện trạng, chưa xử phạt vi phạm hành chính.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi pháp luật trong quản lý, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đặc biệt trong mùa mưa lũ 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thuỷ lợi 3 và các công ty khai thác công trình thủy lợi tăng cường kiểm tra, đánh giá tình hình vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi về hình thức, số lượng và mức độ ảnh hưởng của các hành vi vi phạm… Tổng hợp, báo cáo tình hình vi phạm, xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 25/12 hàng năm.
Sở Xây dựng hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về thoát nước và xử lý nước thải đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung và khu công nghiệp trên địa bàn.
Các đơn vị khai thác công trình thủy lợi chủ trì, phối hợp với UBND cấp huyện, UBND cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa, bàn giao mốc giới cho UBND cấp xã nơi có công trình để quản lý. Rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định…
UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai các giải pháp, tổ chức thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt của các khu đô thị, khu dân cư nông thôn tập trung; nước thải từ các làng nghề, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trước khi xả vào công trình thủy lợi.