Thái Nguyên: Công khai thông tin người nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng
Đó là một trong những chỉ đạo quyết liệt của Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Trịnh Việt Hùng nhằm thực hiện có hiệu quả nội dung Công văn số 5258 BTC-TCT ngày 22 5 2024 của Bộ Tài chính
Về việc phối hợp chỉ đạo trong công tác quản lý thuế cũng như duy trì mục tiêu thu ngân sách của tỉnh đạt kết quả cao nhất, phấn đấu vượt dự toán được giao.
Năm 2024, Thái Nguyên được Chính phủ giao dự toán thu ngân sách Nhà nước là 16.120 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa 13.620 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.500 tỷ đồng. HĐND tỉnh giao thu 19.515 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa 17.000 tỷ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 2.500 tỷ đồng; các khoản huy động, đóng góp 15 tỷ đồng.
Để đạt được kế hoạch đề ra, ngay từ đầu năm, Thái Nguyên đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp cụ thể. Nhờ đó mà chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh ước thu ngân sách đạt 9.228 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2023, bằng 57,2% so với dự toán Chính phủ giao và 47,3% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 8.000 tỷ đồng, bằng 58,7% so với dự toán Chính phủ giao và 47,1% dự toán HĐND tỉnh giao; thu xuất nhập khẩu ước đạt 1.200 tỷ đồng, bằng 48% so với dự toán Chính phủ và HĐND tỉnh giao; các khoản ủng hộ, đóng góp đạt 28 tỷ đồng.
Để tiếp tục hoàn thành các mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm, tăng cường chống thất thu, thực hiện xử lý, thu hồi nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên tiếp tục chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đơn vị thuộc tỉnh; UBND các huyện, thành phố, rà soát chỉ tiêu thu chi ngân sách được giao năm 2024, tập trung giải pháp thực hiện thu ngân sách đạt kết quả cao nhất, phấn đấu vượt dự toán được giao.
Đặc biệt trong công tác quản lý nợ và thu hồi nợ thuế, Chủ tịch UBND tỉnh giao Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị, địa phương liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trên địa bàn tỉnh, đồng thời xây dựng kế hoạch, chương trình hoạt động chi tiết để triển khai thực hiện. Ban chỉ đạo rà soát danh sách người nộp thuế có nợ thuế lớn trên địa bàn, xác định biện pháp thu hồi cụ thể đối với từng người nộp thuế, báo cáo UBND tỉnh và tổ chức làm việc để đôn đốc thu hồi nợ thuế. Định kỳ hàng tháng, Ban chỉ đạo báo cáo kết quả hoạt động với UBND tỉnh và Bộ Tài chính (qua Tổng cục Thuế) để theo dõi và chỉ đạo kịp thời.
Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh công khai thông tin người nộp thuế chây ỳ nợ thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật; tiếp tục phối hợp với chính quyền các cấp và các cơ quan liên quan trên địa bàn tích cực thu hồi nợ thuế, nhất là xử lý thu hồi các khoản nợ đọng liên quan đến đất đai, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tổ chức theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ tiến độ thực hiện các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế để bảo đảm việc thực hiện các chỉ tiêu thu nợ và hạn chế phát sinh thêm nợ mới; đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh bỏ trốn, tẩu tán tài sản, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. Đẩy mạnh thực hiện việc áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các cá nhân; cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt là các trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh: Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, tuyên truyền, động viên, yêu cầu các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc diện triển khai áp dụng hoá đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền, đặc biệt là tập trung vào các lĩnh vực bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…