0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 20/10/2024 16:21 (GMT+7)

Tập đoàn Hà Đô bị phạt gần 4,5 tỷ đồng vì vi phạm thuế

Theo dõi KT&TD trên

Tổng cục Thuế vừa ra quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Tập đoàn Hà Đô (gọi tắt là Tập đoàn Hà Đô) với số tiền 4,49 tỷ đồng vì các hành vi khai sai thuế, sử dụng hóa đơn không đúng quy định, có tình tiết tăng nặng.

Tập đoàn Hà Đô bị phạt gần 4,5 tỷ đồng vì vi phạm thuế
Dự án Hado Park View của Tập đoàn Hà Đô.

Theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Tổng cục Thuế, đối tượng bị xử phạt là Tập đoàn Hà Đô, địa chỉ tại số 8 Láng Hạ, phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội.

Trong tổng số tiền phạt 4,49 tỷ đồng, có gần 4,12 tỷ đồng tiền phạt cho hành vi khai sai thuế dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp (4,05 tỷ đồng năm 2022 và hơn 60,8 triệu đồng năm 2023); 373,6 triệu đồng tiền phạt vì lập hóa đơn không đúng thời điểm nhưng không dẫn đến chậm thực hiện nghĩa vụ thuế, có áp dụng tình tiết tăng nặng (vi phạm hành chính nhiều lần); 1,083 triệu đồng tiền phạt vì sử dụng hóa đơn không đúng quy định (liên quan đến bên lập hóa đơn bỏ địa chỉ kinh doanh theo kết luận của TAND tỉnh Phú Thọ).

Về biện pháp khắc phục hậu quả, Tổng cục Thuế yêu cầu Tập đoàn Hà Đô phải nộp đủ 1,051 tỷ đồng tiền thuế thiếu vào ngân sách Nhà nước. Trong đó, có gần 984 triệu tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và hơn 67,6 triệu đồng tiền thuế giá trị gia tăng trong hai năm 2022 và 2023.

Cùng với đó là 2,109 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế, gồm 2,097 tỷ đồng tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (2,083 tỷ đồng năm 2022 và 14,723 triệu đồng năm 2023) và gần 11,9 triệu đồng tiền chậm nộp thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 và 2023).

Số tiền chậm nộp thuế này được tính đến hết ngày 25/9/2024. Tập đoàn Hà Đô có trách nhiệm tự tính và nộp số tiền chậm nộp tiền thuế kể từ sau ngày 25/9 đến thời điểm thực nộp số truy thu và tiền phạt vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt, Tập đoàn Hà Đô phải hoàn thành việc nộp tiền phạt. Quá hạn sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính theo quy định.

Tập đoàn Hà Đô bị phạt gần 4,5 tỷ đồng vì vi phạm thuế
Lô đất CC3 Khu đô thị mới Dịch Vọng dự kiến xây dựng công trình thương mại dịch vụ của Tập đoàn Hà Đô vẫn đang bỏ hoang.

Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, Tập đoàn Hà Đô là doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng, đầu tư năng lượng và hoạt động tài chính. Báo cáo tài chính của Tập đoàn Hà Đô cho thấy, tổng thể bức tranh tài chính kém tươi sáng của doanh nghiệp này. So với cùng kỳ năm 2023 cũng như thời điểm cuối năm 2023, các khoản nợ đều tăng, chỉ có lợi nhuận là suy giảm.

Theo báo cáo, quý II/2024, mảng bán hàng và cung cấp dịch vụ mang về cho Tập đoàn Hà Đô trên 158 tỷ đồng. Trong đó, giá vốn bán hàng chiếm 87,7 tỷ đồng, còn lại 70,4 tỷ đồng là khoản lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ. Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của Tập đoàn Hà Đô cũng đạt trên 90 tỷ đồng. Sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp, lợi nhuận của Tập đoàn Hà Đô còn 82,8 tỷ đồng. Trong khi đó, con số này cùng kỳ 2023 là trên 147,3 tỷ đồng.

Cộng dồn 2 quý đầu năm 2024, Tập đoàn Hà Đô đạt lợi nhuận hơn 175,3 tỷ đồng. Nhìn lại năm 2023, Tập đoàn Hà Đô đạt lợi nhuận gần 247 tỷ đồng sau khi trừ thuế thu nhập doanh nghiệp. Như vậy, dòng lợi nhuận 2 quý đầu năm 2024 của Tập đoàn Hà Đô đã bị sụt giảm 72 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Điều đáng nói, mặc dù lợi nhuận sụt giảm như vậy, nhưng các khoản nợ của Tập đoàn Hà Đô lại có xu hướng gia tăng.

Cụ thể, tại thời điểm ngày 1/1/2024, nợ phải trả của Tập đoàn này ở mức hơn 2,8 nghìn tỷ đồng. Và trong 6 tháng (hết ngày 30/6/2024), con số này đã vượt mức 3 nghìn tỷ đồng.

Ngày 3/10, Tập đoàn Hà Đô (mã HDG) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, nhất trí miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với ông Nguyễn Trọng Thông theo nguyện vọng cá nhân; bầu ông Lê Xuân Long, Thành viên HĐQT làm Chủ tịch HĐQT; bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Minh giữ chức vụ Tổng Giám đốc.

Bạn đang đọc bài viết Tập đoàn Hà Đô bị phạt gần 4,5 tỷ đồng vì vi phạm thuế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.