Tạo điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh taxi chuyển đổi sang xe điện
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 4093/VPCP-TH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh taxi chuyển đổi sang xe điện.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự cần thiết phải giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, việc chuyển đổi từ xe chạy bằng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện đang trở thành xu hướng không thể đảo ngược. Đối với các doanh nghiệp kinh doanh taxi, việc chuyển đổi này không chỉ giúp giảm khí thải, bảo vệ môi trường mà còn mang lại nhiều lợi ích về kinh tế và vận hành. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra thuận lợi, cần có sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ các chính sách của nhà nước và sự đồng hành của các bên liên quan.
Theo đó, ngày 13/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có văn bản giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vận tải sớm chuyển đổi phương tiện kinh doanh đường bộ sang sử dụng năng lượng sạch.
Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định các giải pháp hỗ trợ này, nhằm góp phần thực hiện cam kết giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường bền vững.
Theo đại diện các doanh nghiệp taxi, xe điện có chi phí bảo dưỡng thấp nên tổng chi phí vận hành ước tính giảm từ 20% tới 30% so với xe xăng. Do chính sách thuê pin cộng với chi phí tiết kiệm nên tài xế xe điện có lợi 3 - 4 triệu đồng/tháng so với xe xăng.
Ông Phan Thanh Uy, Tổng Thư ký Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, với một doanh nghiệp vận tải, để tối ưu cho hoạt động vận tải có rất nhiều yếu tố, phương tiện là một trong số đó.
Doanh nghiệp cần lựa chọn loại phương tiện phù hợp với đối tượng kinh doanh, có nơi đầu tư xe 4 chỗ mới hiệu quả nhưng có nơi phải đầu tư xe 7 chỗ.
Ngoài ra, chi phí đầu tư phương tiện cũng cần hợp lý, tính toán sao cho sau 5-7 năm có thể thu hồi vốn.
Chi phí tiêu thụ năng lượng trên mỗi kilomet cũng được cân nhắc, so với xe xăng, chi phí tiêu thụ năng lượng của xe điện chỉ chiếm từ 25-30%, đây cũng là tính ưu việt của ô tô điện. Để lựa chọn phương tiện, doanh nghiệp cũng cần cân nhắc đến chi phí bảo dưỡng phương tiện, hiện nay, chi phí xe điện thấp hơn xe xăng do xe điện không cần phải thay dầu động cơ, dầu máy.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe điện cũng cần lưu ý quan tâm đến nguồn phụ tùng thay thế cho phương tiện sao cho phổ biến với giá thành hợp lý mới có thể thu hút doanh nghiệp lựa chọn.
Song song với đó là chất lượng xe, khi vận hành phải bền bỉ với tuổi thọ càng dài càng tốt, càng hấp dẫn.
Báo cáo từ Mordor Intelligence cho biết, Xanh SM đang dẫn đầu về số lượng xe sở hữu và số chuyến xe mỗi ngày trong lĩnh vực taxi truyền thống so với các hãng khác.
Đến hết năm 2023, Xanh SM sở hữu 16.100 phương tiện, phục vụ hơn 160.000 chuyến/ngày. Con số hơn hẳn những đơn vị taxi truyền thống như Mai Linh (11.000 xe/khoảng 30.000 chuyến), Vinasun (3.140 xe/35.374 chuyến).
Ở lĩnh vực gọi xe công nghệ, Xanh SM cũng vượt qua Be Group để nắm vị trí thị phần thứ hai trên thị trường với tỷ lệ hơn 18%. Grab hiện đang dẫn đầu với 400.000 chuyến xe/ngày, Be đứng thứ ba với 56.000 chuyến/ngày.
Với thành công mở đầu của Xanh SM, ngày càng nhiều hãng taxi có kế hoạch chuyển đổi phương tiện sang xe điện. Chẳng hạn taxi MaiLove (Nghệ An), taxi Én Vàng (Hải Phòng), taxi Lado (Lâm Đồng), taxi Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh)... đã đầu tư từ vài trăm đến hàng nghìn xe ô tô điện mới với phương thức đầu tư đa dạng, từ mua, thuê hoặc thuê mua xe điện.
Trước những đánh giá tiềm năng này, Modor Intelligence ước tính phân khúc vận tải bằng xe điện tại thị trường Việt Nam đạt 51,67 triệu USD trong năm ngoái, và dự kiến đạt hơn 1 tỷ USD vào năm 2029 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm gần 45% trong giai đoạn 2024 - 2029.
Ngoài việc Chính phủ nghiên cứu chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vận tải chuyển đổi sang xe điện kể trên, trước đó cơ quan chức năng cũng đã ban hành nhiều quyết định để thúc đẩy thị trường xe điện trong nước nói chung.
Tiến Hoàng