0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ tư, 30/08/2023 10:12 (GMT+7)

Tại sao ngân hàng Việt lại hấp dẫn các ‘đại gia ngoại’?

Theo dõi KT&TD trên

Thời gian vừa qua, liên tiếp các thương vụ tỷ USD đang được đàm phán, có thể thấy thị trường ngân hàng Việt Nam vô cùng hấp dẫn khối ngoại.

Ngân hàng Việt ngày càng hấp dẫn do quá trình số hóa

Theo các chuyên gia, ngân hàng Việt Nam có sự hấp dẫn khối ngoại một trong những nguyên nhân chính là quá trình số hóa đang diễn ra rất mạnh mẽ. Dịch vụ ngân hàng số ngày càng trở nên phổ biến với người tiêu dùng.

Theo Báo cáo SYNC Southeast Asia về người tiêu dùng số tại Đông Nam Á, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong khu vực áp dụng các giải pháp công nghệ tài chính, với 58% người tiêu dùng đã sử dụng ngân hàng trực tuyến và hệ sinh thái ngân hàng số. Đặc biệt, 68% dân số Việt Nam đã mở tài khoản ngân hàng, tăng đáng kể so với ước tính 31% năm 2017.

Sự chuyển động mạnh mẽ từ khách hàng khu vực nông thôn - chiếm 60% dân số Việt Nam - tham gia thị trường ngân hàng số càng khiến thị trường này thêm hấp dẫn.

Theo TS. Gregory Bournet, Phó tổng giám đốc, Lãnh đạo Mảng Tư vấn tài chính doanh nghiệp, PwC Malaysia và Việt Nam, vài năm gần đây, sự phát triển của các dịch vụ tài chính tiêu dùng, ứng dụng ngân hàng di động và các nền tảng thanh toán trực tuyến đã nâng cao vốn hiểu biết về tài chính và khả năng sử dụng các dịch vụ ngân hàng của dân cư nông thôn.

Tại sao ngân hàng Việt lại hấp dẫn các ‘đại gia ngoại’
KBank đang đàm phán để mua Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit với giá hơn 1 tỷ USD.

Có thể thấy, chuyển đổi số làm cho miếng bánh thị phần của các ngân hàng to lên và ngày một hấp dẫn hơn. Đây cũng là lý do khiến nhiều đại gia ngoại tìm cách đặt chân vào thị trường Việt Nam, chủ yếu bằng con đường mua bán, sáp nhập (M&A) bởi khả năng xin được giấy phép mới trong lĩnh vực này gần như không có.

Gần đây nhất, ngân hàng lớn nhất nhì Thái Lan - Kasikornbank (KBank) cho biết, muốn rót hơn 1 tỷ USD vào Việt Nam từ nay đến năm 2027, bao gồm cả khoản đầu tư vào ngân hàng và hai công ty con tại Việt Nam là Quỹ đầu tư KVision và Công ty công nghệ KBTG. KBank đang đàm phán để mua Công ty tài chính tiêu dùng Home Credit với giá hơn 1 tỷ USD. Nếu thành công, đây sẽ là thương vụ M&A lớn thứ nhì ngành tài chính tiêu dùng, sau thương vụ VPBank bán 49% vốn FE Credit cho SMBC, mang về 1,4 tỷ USD.

Trước đó, KBTG (công ty công nghệ của KBank) đã thành lập Trung tâm công nghệ thứ 3 tại châu Á đặt tại Việt Nam và thông báo sẽ thu hút hơn 500 nhân sự trong vòng 3 năm tới để đưa KBTG trở thành công ty hàng đầu ngành công nghệ tại khu vực.

KBank được biết đến là ngân hàng có kinh nghiệm hoạt động trong nhiều lĩnh vực như AI, blockchain, chuỗi cung ứng và phương pháp mã hóa. Với các bước đi bài bản tiến vào thị trường Việt Nam, KBank hứa hẹn trở thành đối thủ đáng gờm với bất kỳ ngân hàng nào trong mảng bán lẻ số.

Hệ sinh thái số, tiềm năng tài chính và công nghệ cộng với việc thành công thâu tóm Home Credit sẽ là bàn đạp để KBank tiến sâu, chiếm lĩnh thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam. Phân khúc mà KBank nhằm tới là nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), vốn chiếm 97% doanh nghiệp ở Việt Nam nhưng chỉ chiếm 20% thị phần trong cơ cấu thị trường vốn tín dụng.

Cách thức mà KBank thâm nhập thị trường ngân hàng Việt Nam không lạ. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, tiềm năng thị trường ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam vẫn rất lớn. M&A là cách nhanh nhất để nhà đầu tư nước ngoài đặt chân ở thị trường tài chính Việt Nam.

Sẽ giúp quá trình chuyển đổi số nhanh hơn

Ngoài những thương vụ tỷ USD thì hàng loạt đối tác ngoại cũng đang quan tâm tới thị trường ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) có kế hoạch phát hành riêng lẻ gần 95 triệu cổ phiếu để chào bán cho một nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là một quỹ đầu tư đến từ Na Uy, thu về tối thiểu 1.216 tỷ đồng.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đang thực hiện các bước chuẩn bị để chào bán 20% vốn cổ phần cho một đối tác chiến lược. Danh tính các bên liên quan chưa được tiết lộ, nhưng nhiều thông tin bên lề cho biết, một số nhà đầu tư tiềm năng từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã có những cuộc tiếp xúc với SHB. Thỏa thuận tiềm năng có thể định giá ngân hàng ở mức 2 - 2,2 tỷ USD và sẽ hoàn tất trong năm nay hoặc đầu năm 2024 sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Tại sao ngân hàng Việt lại hấp dẫn các ‘đại gia ngoại’
Việc những 'đại gia ngân hàng ngoại' đầu tư vào Việt Nam sẽ giúp ngành ngân hàng chuyển đổi số nhanh hơn, cải thiện hiệu quả hoạt động, bên cạnh câu chuyện tăng vốn.

Hai ngân hàng lớn trong nhóm Big 4 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng đang tích cực đàm phán với đối tác ngoại. Theo ông Phan Đức Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị BIDV, hiện ngân hàng này có một số nhà đầu tư tiềm năng, nhưng chưa thể công bố được và sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023.

Tại Vietcombank, theo Chủ tịch HĐQT Phạm Quang Dũng, thương vụ đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.

Trước đó, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank)… cũng cho biết, đang có kế hoạch tăng vốn thông qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.

Có thể thấy việc các ông lớn nước ngoài đầu tư vào ngân hàng trong nước, họ không chỉ rót khoản vốn quý giá mà còn giúp hệ thống nâng hàng nâng cao khả năng quản trị điều hành. Đồng thời giúp ngành ngân hàng chuyển đổi số nhanh hơn, cải thiện hiệu quả hoạt động, bên cạnh câu chuyện tăng vốn.

Quang Anh

Bạn đang đọc bài viết Tại sao ngân hàng Việt lại hấp dẫn các ‘đại gia ngoại’?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.