Tái định vị doanh nghiệp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thành công
Sự tồn tại của doanh nghiệp đang là câu chuyện lớn, rất khó khăn. Doanh nghiệp cần định vị lại các giá trị cốt lõi như năng lực cạnh tranh, năng lực công nghệ, cung cách quản trị của đơn vị mình.
Năm 2022, dù Việt Nam đã chứng kiến những khó khăn không nhỏ, đặc biệt trong quý IV/2022. Xuất, nhập khẩu cũng có xu hướng chững lại. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cả năm 2022 lên tới 143.200, tăng 19,5% so với năm 2021 và gấp 1,6 lần mức bình quân các năm 2017-2021 . Việc các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tỷ trọng 30% thực hiện thắt chặt chi tiêu, hoàn toàn ảnh hưởng đến xuất khẩu.
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá, Có thể nói, thế giới cũng như Việt Nam đã trải qua những thay đổi “ghê gớm” trong giai đoạn vừa qua, đặc biệt từ khi xuất hiện đại dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy, ách tắc, đình trệ trong sản xuất kinh doanh và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu. Tiếp đó là những bất ổn xoay quanh xung đột vũ trang từ cuộc chiến Nga - Ukraine tác động rất nhiều đến các hoạt động kinh tế. Và từ đó, chính sách của các quốc gia có nhiều thay đổi.
Gần đây, những biến động trên thị trường tài chính ngân hàng thế giới, những “thành trì” tưởng như rất kiên cường, những yếu tố mà doanh nghiệp có thể dựa vào ổn định, vững chắc như hệ thống ngân hàng của Thụy Sĩ (ngân hàng lớn thứ hai Thuỵ Sĩ) cũng đã sụp đổ. Điều này khiến các nhà doanh nghiệp phải đặt ra câu hỏi phải định vị lại doanh nghiệp của mình như thế nào để tồn tại và phát triển?
Theo Chủ tịch VCCI, bối cảnh mới đã tạo ra những thách thức rất lớn với các nhà lãnh đạo, nhà quản lý doanh nghiệp và với cả cơ quan quản lý Nhà nước. Bởi sự tồn tại của doanh nghiệp gắn liền với sức mạnh kinh tế quốc gia, gắn liền với nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Chủ tịch VCCI cho biết, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập cao, vì thế yêu cầu đặt ra, vị thế trong giai đoạn mới cũng cao hơn nhiều.
“Chúng ta cần xác định các thách thức, cơ hội để bàn các giải pháp giúp doanh nghiệp phát triển bền vững thành công, để những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong hơn 35 năm đổi mới tiếp tục được phát huy, trở thành quốc gia phát triển nhanh, xanh, bền vững.”
Cũng tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Long - Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp, cho biết tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp.
Đề cập đến vai trò của doanh nghiệp Nhà nước với cốt lõi là 19 tập đoàn, tổng công ty, ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, tuy các doanh nghiệp Nhà nước này chiếm tỷ lệ nhỏ trong các doanh nghiệp Nhà nước nhưng lại đang sở hữu nguồn vốn lớn. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhà nước có vai trò dẫn dắt, thực hiện các phần việc các thành phần kinh tế khác không làm.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa khu vực kinh tế công và kinh tế tư nhân. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 về hỗ trợ doanh nghiệp nhưng việc thực thi chưa đạt kết quả như mong muốn. Một số địa phương thiếu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, việc bảo lãnh tín dụng chưa thực hiện được, thậm chí điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận còn khó hơn vay ngân hàng. Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Hồng Long cho rằng, trong điều kiện hiện nay, nhiều doanh nghiệp ở các ngành nghề đang gặp nhiều khó khăn nhưng đến nay chưa có báo cáo đầy đủ, đánh giá cụ thể và tổng thể về những khó khăn, thách thức của tất cả các ngành, các lĩnh vực trong nền kinh tế. Từ đó, đề xuất kiến nghị Chính phủ có chính sách, cơ chế tháo gỡ khó khăn.
Theo đề xuất của ông Long: "Để “cứu” doanh nghiệp một cách kịp thời, hiệu quả, chính xác không ai bằng chính các doanh nghiệp, Chính phủ sẽ tạo cơ chế hỗ trợ để doanh nghiệp phát triển bền vững. Vì vậy, Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp mong muốn VCCI tiếp tục tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhiều hơn nữa".
Để góp phần giúp doanh nghiệp phát triển thời gian tới, ông Mạc Quốc Anh - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội - kiến nghị, cơ quan chức năng nên đa dạng kênh kênh tiếp cận vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn từ nhiều nguồn khác nhau, nhưng tiếp cận vốn từ tổ chức tín dụng vẫn là kênh chính và quan trọng.
“Để tháo gỡ khó khăn, Chính phủ cần tăng cường hỗ trợ việc cung cấp thông tin, tình hình hoạt động và khả năng chi trả của doanh nghiệp. Từ đó, khuyến khích tổ chức tín dụng liên kết, tạo nên một hệ thống dữ liệu về doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời, minh bạch tiêu chí cần thiết về tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Quốc Anh kiến nghị.
Tiến Hoàng