0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 19/07/2025 13:05 (GMT+7)

Siết chặt quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để bảo vệ cộng đồng

Theo dõi KT&TD trên

Tại dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đề xuất các yêu cầu đối với nội dung quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt.

Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo sửa đổi đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến đã thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, đặc biệt là những nội dung liên quan đến việc siết chặt quản lý quảng cáo sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường.

Luật Quảng cáo mới vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, được kỳ vọng sẽ tạo lập môi trường quảng cáo minh bạch, trung thực, hướng đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và sức khỏe cộng đồng.

Siết chặt quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để bảo vệ cộng đồng
Ảnh minh họa.

Một trong những điểm nổi bật của dự thảo Nghị định là việc xác định và liệt kê cụ thể 11 nhóm sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đặc biệt có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và môi trường, cần được kiểm soát nội dung quảng cáo nghiêm ngặt. Đây là những nhóm sản phẩm vốn có nguy cơ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng nếu thông tin quảng cáo không chính xác, chẳng hạn như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, sữa công thức, thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, phân bón, giống cây trồng, giống vật nuôi, đồ uống có cồn và dịch vụ khám chữa bệnh. Dự thảo cũng để ngỏ khả năng bổ sung thêm các nhóm sản phẩm khác tùy theo tình hình thực tế do Chính phủ quy định, cho thấy sự linh hoạt và cập nhật theo xu hướng thị trường và nguy cơ sức khỏe mới.

Không chỉ dừng lại ở việc xác định đối tượng cần kiểm soát, dự thảo còn quy định rõ các yêu cầu bắt buộc, cảnh báo cần thiết và những hành vi bị nghiêm cấm đối với từng nhóm sản phẩm. Ví dụ, với mỹ phẩm, quảng cáo phải nêu rõ tên sản phẩm, công dụng, tính năng và thông tin liên hệ của đơn vị chịu trách nhiệm. Đặc biệt, không được sử dụng hình ảnh, tên tuổi, trang phục của bác sĩ hay cơ sở y tế để tăng độ tin cậy, nhằm tránh tình trạng người tiêu dùng hiểu lầm mỹ phẩm là sản phẩm có tác dụng y khoa. Đây là bước siết chặt đáng kể so với các quy định trước đây, trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm ngày càng đa dạng và quảng cáo thường được thiết kế tinh vi, dễ gây ngộ nhận.

Tương tự, với nhóm thực phẩm chức năng và thực phẩm dành cho chế độ ăn đặc biệt, quảng cáo bắt buộc phải có cụm từ nhận diện như “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe” và khuyến cáo rõ ràng rằng đây không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Dù quảng cáo ở hình thức âm thanh dưới 15 giây, nội dung cảnh báo này vẫn phải được thể hiện rõ bằng chữ nếu không có lời đọc. Đây là quy định nhằm chống lại tình trạng “núp bóng” thuốc để tạo niềm tin sai lệch, vốn là vấn đề tồn tại lâu nay trên thị trường.

Đối với sữa và sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, dự thảo yêu cầu tất cả nội dung quảng cáo phải bắt đầu bằng thông điệp: “Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ”, đồng thời nhấn mạnh rằng sản phẩm chỉ mang tính bổ sung, dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi. Điều này nhằm bảo vệ quyền nuôi con bằng sữa mẹ và không để quảng cáo khiến người tiêu dùng hiểu lầm rằng các sản phẩm công nghiệp có thể thay thế hoàn toàn sữa mẹ, vốn là nguồn dinh dưỡng tối ưu cho trẻ sơ sinh.

Một điểm tiến bộ khác trong dự thảo là việc phân định rõ trách nhiệm kiểm soát nội dung quảng cáo giữa các bộ, ngành có liên quan. Việc phân quyền minh bạch này giúp tránh chồng chéo, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng trước các hành vi quảng cáo sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.

Việc sửa đổi và hoàn thiện các quy định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo lần này không chỉ đáp ứng yêu cầu kiểm soát thị trường quảng cáo đang phát triển nhanh, mà còn khẳng định vai trò quản lý nhà nước trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

T.An (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Siết chặt quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm chức năng để bảo vệ cộng đồng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đồ uống xanh: Tương lai bền vững của ngành F&B Việt
Đồ uống xanh đang định hình tương lai ngành F&B Việt, không chỉ nhờ tính thân thiện môi trường mà còn đáp ứng nhu cầu sống khỏe của thế hệ mới. Đây là xu hướng tất yếu để phát triển bền vững và chinh phục người tiêu dùng.
Giá vàng hôm nay (19/7): Giá vàng miếng SJC tăng mạnh
Giá vàng hôm nay (19/7): Giá vàng miếng trong nước bật tăng mạnh ở cả chiều mua và bán. Giá vàng thế giới cũng tiếp đà tăng trước bối cảnh đồng USD suy yếu và lợi suất trái phiếu Mỹ giảm nhẹ.

Tin mới

Bất động sản nghỉ dưỡng giảm giá để kích cầu, khách mua vẫn thận trọng
Mặc dù thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang có dấu hiệu khởi sắc về nguồn cung sau thời gian dài trầm lắng, nhưng thanh khoản vẫn ở mức thấp, phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Nhiều chủ đầu tư buộc phải giảm giá bán từ 5-7% để kích cầu, song hiệu quả vẫn chưa đạt kỳ vọng.
Giá vàng tiếp tục giảm, cổ phiếu tăng vọt
Giá vàng đang hướng tới tuần giảm giá do đồng USD mạnh hơn và các báo cáo kinh tế tích cực từ Mỹ. Cổ phiếu châu Á tăng theo đà của Phố Wall, nhờ dữ liệu kinh tế Mỹ mạnh mẽ và lợi nhuận doanh nghiệp tích cực bù đắp cho nỗi lo về thuế quan.
Hộ kinh doanh thích nghi nhanh với hoá đơn điện tử
Sau hơn một tháng triển khai hóa đơn điện tử từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP, ngành Thuế ghi nhận kết quả vượt kỳ vọng, cho thấy sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và hành vi tuân thủ của hộ kinh doanh, nhóm đối tượng vốn quen với mô hình kinh doanh truyền thống, không hóa đơn.