Siết chặt quản lý bán hàng đa cấp: Tăng ký quỹ, minh bạch hóa hoạt động
Bộ Công Thương đang xây dựng một Nghị định mới nhằm thay thế các quy định hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp, với mục tiêu hoàn thiện hành lang pháp lý, tăng cường bảo vệ người tiêu dùng và ngăn chặn các hình thức lừa đảo tinh vi núp bóng mô hình này.
Việc ban hành Nghị định mới là cần thiết trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ và yêu cầu cấp bách về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 và các chính sách phân cấp, phân quyền mới ban hành. Ngoài ra, hiện có tới ba nghị định khác nhau đang điều chỉnh hoạt động đa cấp, việc hợp nhất sẽ giúp tránh chồng chéo, tăng hiệu quả quản lý nhà nước.
Dự thảo Nghị định mới đề xuất nhiều nội dung sửa đổi quan trọng. Một trong những điểm đáng chú ý là làm rõ khái niệm kinh doanh đa cấp, xác định theo hệ thống người tham gia hoặc theo hệ thống tuyến dưới, giúp phân biệt với các mô hình kinh doanh thông thường. Dự thảo cũng đề xuất thay đổi hình thức hợp đồng bán hàng đa cấp, đơn giản hóa thủ tục để thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đáng chú ý, mức ký quỹ tối thiểu mà doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải nộp được đề xuất tăng từ 10 tỷ đồng lên 20 hoặc 50 tỷ đồng. Đây là biện pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính của doanh nghiệp và có nguồn để xử lý khi xảy ra tranh chấp hoặc thiệt hại cho người tham gia, đặc biệt trong các vụ việc nghiêm trọng đã từng xảy ra trước đây.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng bổ sung nhiều quy định nhằm tăng tính minh bạch và trách nhiệm. Bao gồm: quy định điều kiện hoạt động tại địa phương, trách nhiệm đào tạo người tham gia, yêu cầu rõ ràng trong việc mua lại giấy phép để ngăn chặn hiện tượng mua bán giấy phép trá hình. Đồng thời, tăng trách nhiệm của người tham gia cấp cao để định hướng hành vi đúng đắn trong toàn bộ hệ thống.
Về cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Nghị định đề xuất cắt giảm các thủ tục không cần thiết như thông báo thay đổi danh mục hàng hóa, thay thế kiểm tra cấp xác nhận kiến thức pháp luật bằng cơ chế kiểm tra trực tuyến, và rút ngắn thời gian xử lý thủ tục hành chính đến 50%. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ sẽ được phân cấp cho cấp tỉnh thực hiện như kiểm tra, công nhận kiến thức pháp luật, giám sát hoạt động đào tạo và thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều mô hình kinh doanh đa cấp trá hình vẫn đang diễn ra phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng thủ đoạn tinh vi như thổi phồng vốn, tạo ra hình ảnh đầu tư hấp dẫn, hứa hẹn lợi nhuận cao để dụ dỗ người tham gia. Đặc biệt, trong lĩnh vực tiền ảo và các ứng dụng trực tuyến không được cấp phép, hoạt động đa cấp biến tướng đã gây thiệt hại cho hàng nghìn người. Sau khi chiếm đoạt được số tiền lớn, các đối tượng thường xóa dấu vết, đánh sập hệ thống và biến mất.
Ngoài ra, nhiều tổ chức núp bóng hội thảo, chương trình đào tạo để tiếp cận người tiêu dùng, biến các hoạt động này thành nơi chiêu dụ, tiếp thị sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không được phép kinh doanh đa cấp. Mô hình tháp ảo với người đứng đầu hưởng lợi, còn phần lớn thành viên ở dưới gánh chịu rủi ro, vẫn tồn tại và gây thiệt hại nghiêm trọng cho xã hội.
Việc đưa ra quy định tăng tiền ký quỹ, kiểm soát chặt chẽ nội dung hội thảo, xác định rõ ràng các hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp như thuốc, thiết bị y tế, sản phẩm kỹ thuật số... là những giải pháp cần thiết để bảo vệ người tiêu dùng. Bên cạnh đó, cần phân biệt rõ mô hình đa cấp với mô hình bán hàng 1 cấp nhằm loại bỏ tình trạng hoạt động không phép, núp bóng đa cấp để lách luật.
Trong bối cảnh chỉ còn chưa đến 20 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động bán hàng đa cấp, việc siết chặt tiêu chuẩn, nâng cao yêu cầu tài chính và minh bạch hóa quy trình là hướng đi đúng đắn để lọc sạch thị trường. Hoạt động kinh doanh đa cấp, nếu được kiểm soát chặt chẽ và tuân thủ pháp luật, có thể trở thành một phương thức tiếp thị hiệu quả, tạo ra việc làm và thu nhập chính đáng cho người dân.
Ngược lại, nếu để tình trạng biến tướng tiếp diễn, không chỉ gây thiệt hại về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự xã hội và làm mất lòng tin vào môi trường đầu tư. Do đó, việc ban hành một Nghị định mới mang tính tổng thể, bao quát và thực tiễn sẽ là công cụ quan trọng để chấn chỉnh hoạt động bán hàng đa cấp và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thời đại số hóa ngày càng sâu rộng.
T.An