Sáu điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội
Luật BHXH sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua có nhiều điểm mới, bổ sung thêm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, người tham gia BHXH từ năm sau không được rút BHXH một lần.
Ngày 29-6, tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được thông qua với 454/465 đại biểu tán thành, chiếm 93,42% tổng số đại biểu Quốc hội. So với Luật Bảo hiểm xã hội (Luật BHXH) năm 2014, Luật BHXH sửa đổi của có nhiều thay đổi quan trọng nhằm mở rộng đối tượng tham gia, gia tăng quyền lợi và lợi ích cho người thụ hưởng, sửa đổi các vướng mắc và bất cập từ thực tế triển khai Luật BHXH 2014, cũng như tăng cường chế tài xử lý hành vi chậm đóng hoặc trốn đóng BHXH. Những thay đổi này nhằm gia tăng quyền lợi và thu hút người lao động tham gia BHXH, đồng thời bảo đảm an sinh xã hội lâu dài cho người dân.
1. Mở rộng đối tượng tham gia
Một trong những yêu cầu cải cách trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định “Mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác” và “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Luật BHXH (sửa đổi) lần này đã thể chế hóa cơ bản Nghị quyết số 28/NQ-TW, quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với:
- Chủ hộ kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.
- Người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ theo quy định của Luật Doanh nghiệp; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã không hưởng tiền lương.
- Người lao động làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp nhất.
- Trường hợp người lao động và người sử dụng lao động thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên...
Bên cạnh đó, luật quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.
“Việc bổ sung quy định trên đảm bảo phù hợp với những quy định của Bộ luật Lao động 2019, đồng thời đảm bảo gia tăng quyền lợi khi các nhóm đối tượng tham gia góp phần gia tăng diện bao phủ của BHXH…” - Bộ LĐ-TB&XH cho hay.
2. Luật BHXH sửa đổi bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội
Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2022, Việt Nam có khoảng 14,4 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chỉ hơn 5,1 triệu người, chiếm khoảng 35% tổng số người sau độ tuổi nghỉ hưu, được hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, hoặc trợ cấp hưu trí xã hội.
Do đó, Luật BHXH sửa đổi lần này đã xây dựng chính sách BHXH đa tầng. Cụ thể, tầng thấp nhất là trợ cấp hưu trí xã hội; tiếp theo là BHXH cơ bản, bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện; cuối cùng là bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Trợ cấp hưu trí xã hội hướng đến những người có thời gian tham gia BHXH chưa đủ 15 năm nhưng không rút BHXH một lần. Mức trợ cấp phụ thuộc vào thời gian tham gia và mức đóng BHXH của từng đối tượng, nhưng thấp nhất là 500.000 đồng. Trong thời gian nhận trợ cấp hằng tháng, người hưởng được Nhà nước đóng BHYT.
3. Giảm năm đóng BHXH tối thiểu hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm
Luật BHXH sửa đổi lần này quy định rằng người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu và có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên sẽ được hưởng lương hưu hằng tháng. Quy định này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn hoặc tham gia không liên tục có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH (thay vì 20 năm như quy định hiện hành) để được hưởng lương hưu hằng tháng, thay vì phải nhận BHXH một lần. Quy định về số năm đóng tối thiểu này không áp dụng đối với người hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động.
Luật BHXH sửa đổi cũng quy định rằng lao động nam cần đóng 35 năm và nữ cần đóng 30 năm để đạt tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75%.
Theo cơ quan soạn thảo, với mức lương hưu hằng tháng ổn định, định kỳ được Nhà nước điều chỉnh và trong thời gian hưởng lương hưu, người hưởng được quỹ BHXH mua thẻ BHYT, sẽ góp phần đảm bảo cuộc sống của người lao động tốt hơn. Nhờ đó, nhiều người sẽ được đảm bảo lương hưu và được hưởng BHYT khi về già.
4. Sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần
Luật BHXH sửa đổi quy định rằng người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành (từ ngày 1-7-2025), sau khi không tham gia BHXH bắt buộc hoặc tự nguyện trong ít nhất 12 tháng và thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, sẽ được rút BHXH một lần. Sau khi Luật này có hiệu lực thi hành, người lao động bắt đầu tham gia BHXH không thể nhận BHXH một lần theo điều kiện này.
Luật BHXH sửa đổi chỉ cho phép hưởng BHXH một lần trong các trường hợp sau: người đủ tuổi hưởng lương hưu nhưng chưa đủ số năm đóng BHXH để được hưởng lương hưu; người ra nước ngoài để định cư; người mắc các bệnh như ung thư, bại liệt, xơ gan giai đoạn cuối, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định: “Ưu điểm của quy định này đã thể hiện lộ trình từng bước khắc phục tình trạng hưởng BHXH một lần trong quá khứ; tiến tới tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế, giúp người lao động được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, góp phần ổn định cuộc sống khi về già.”
5. Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện
Luật BHXH sửa đổi lần này quy định rằng người lao động tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con, nếu đáp ứng đủ điều kiện (đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con), sẽ được hưởng trợ cấp 2 triệu đồng cho mỗi con được sinh ra. Trợ cấp này cũng áp dụng cho mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung hoặc thai chết trong khi chuyển dạ.
Kinh phí thực hiện trợ cấp này do Ngân sách nhà nước bảo đảm, và Chính phủ sẽ quyết định điều chỉnh mức trợ cấp thai sản phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ.
6. Bổ sung quy định xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH
Luật BHXH sửa đổi đã bổ sung quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan trong việc xác định và quản lý đối tượng tham gia BHXH. Đồng thời, Luật đã sửa đổi và bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài đối với các trường hợp chậm đóng và trốn đóng BHXH như sau:
Quy định cụ thể về biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng và trốn đóng BHXH, bao gồm:
- Bắt buộc đóng đủ số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng.
- Nộp phạt tương ứng là 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng.
- Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
- Không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
- Riêng đối với hành vi trốn đóng, còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Luật BHXH (sửa đổi) đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu họ không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền lợi hợp pháp của người lao động.
Các quy định này nhằm mục đích bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người lao động, đồng thời góp phần giảm tình trạng chậm đóng và trốn đóng BHXH.