Sắp trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội một Nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng.
Thị trường đang phục hồi trở lại
Thị trường bất động sản từ cuối năm 2024, đặc biệt là đầu năm 2025 đã có sự phục hồi và phát triển tương đối tích cực, nhờ vào các chính sách tháo gỡ khó khăn được Quốc hội và Chính phủ ban hành. Trong đó, Nghị quyết 171 của Quốc hội và các nghị định hướng dẫn của Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo động lực cho thị trường.

Bên cạnh đó, Chính phủ cùng các Bộ, ngành cũng rất tích cực trong việc tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản. Các tổ công tác của Chính phủ thường xuyên đôn đốc, làm việc trực tiếp tại các địa phương, đặc biệt là ở những khu vực trọng điểm như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần giúp thị trường bất động sản phục hồi và tăng trưởng.
Tuy nhiên, có thể thấy nguồn cung nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người lao động và người trẻ vẫn còn rất hạn chế. Đây là vấn đề được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, nhằm thúc đẩy phát triển và đáp ứng nhu cầu thực tế của nhóm đối tượng này.
Theo ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, gần đây, Chính phủ tổ chức hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp và người trẻ. Tại hội nghị, Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ hiệu quả hơn cho việc phát triển nhà ở xã hội, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu trong Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội. Việc phát triển nhà ở xã hội cũng đã được giao chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương. Đây là cơ sở quan trọng để thúc đẩy phát triển phân khúc này.
Để đẩy mạnh nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ, bên cạnh các chính sách ưu đãi, rất cần có nguồn vốn hỗ trợ ổn định. Hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng đang được triển khai. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở, hướng đến việc phát triển nhà ở giá rẻ một cách bền vững.
Nỗ lực phát triển phân khúc nhà ở xã hội
Ông Dũng cho biết, Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu và chuẩn bị trình Chính phủ, để tiếp tục trình Quốc hội một Nghị quyết thí điểm về chính sách nhà ở xã hội, trong đó có nhiều ưu đãi hơn về thủ tục đầu tư, lãi suất vay cũng như mở rộng đối tượng thụ hưởng. Đặc biệt, các quy trình liên quan sẽ được rút ngắn nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án.

Để khuyến khích và thúc đẩy sự phát triển của các dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam, thực hiện hiệu quả đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cũng đã đề xuất một loạt cải cách quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển của các dự án nhà ở xã hội tại Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý nhất là việc đề xuất nâng mức lợi nhuận tối đa cho chủ đầu tư lên 13%, thay vì mức 10% như hiện nay, nhằm thu hút đầu tư và đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp. Đề xuất này được kỳ vọng sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, một đề xuất quan trọng được đưa ra là việc thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội quốc gia, nguồn tài chính ngoài ngân sách Nhà nước. Quỹ này sẽ giúp hỗ trợ các doanh nghiệp và chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, cung cấp lãi suất vay ưu đãi mà không yêu cầu thế chấp. Các địa phương cũng sẽ có trách nhiệm bố trí ngân sách cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nhằm đảm bảo các dự án nhà ở xã hội được triển khai đồng bộ với các hạ tầng kỹ thuật.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đề xuất giảm bớt thủ tục hành chính cho các dự án nhà ở xã hội, điều này sẽ giúp tăng tốc quá trình thực hiện dự án và giảm chi phí cho các chủ đầu tư.
Chính phủ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ cho người trẻ. Theo ông Dũng, thời gian qua và sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều đoàn công tác nhằm đôn đốc việc triển khai các dự án tại địa phương.
Riêng đối với nhóm lao động trẻ tại các đô thị, đây là đối tượng cần được ưu tiên. Họ thường gặp khó khăn do tay nghề còn hạn chế, thu nhập thấp và thời gian tích lũy chưa nhiều, khiến việc mua nhà theo cơ chế thị trường gặp nhiều trở ngại. Tuy nhiên, lao động trẻ cũng có lợi thế về khả năng phát triển nghề nghiệp và gia tăng thu nhập trong tương lai. Do đó, việc hỗ trợ nhóm này không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn góp phần giải quyết bài toán nhà ở một cách lâu dài và bền vững.