Quốc hội thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi)
Sáng 27/11, với 85,63% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua dự án luật Nhà ở sửa đổi (gồm 13 chương, 198 điều). Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.
Tăng cường quản lý đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo tóm tắt giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH).
Theo đó, về yêu cầu chung về phát triển và quản lý, sử dụng nhà ở (Điều 5), trên cơ sở tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để bảo đảm tính thống nhất với khoản 1 Điều 32 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), UBTVQH đã chỉ đạo chỉnh lý khoản 5 Điều 5 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng: Thu hẹp phạm vi khu vực chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải xây dựng nhà ở để bán, cho thuê mua, cho thuê, tăng cường phân cấp cho UBND cấp tỉnh quyết định.
Về đối tượng được thuê nhà ở công vụ (Điều 45), UBTVQH đề nghị: Trong giai đoạn hiện nay chỉ mở rộng một bước hợp lý các đối tượng được thuê nhà ở công vụ phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn cung nhà ở công vụ. Sau này, khi điều kiện cho phép sẽ xem xét, tiếp tục mở rộng thêm nữa.
Theo đó, việc tiếp thu, chỉnh lý điểm d khoản 1 Điều 45 như dự thảo Luật là phù hợp. Đồng thời, để bảo đảm bao quát, linh hoạt giải quyết các trường hợp đặc thù có thể phát sinh trong thực tiễn, UBTVQH tiếp thu, chỉnh lý điểm g khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật như sau: “g) Căn cứ điều kiện thực tế, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối tượng không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và e khoản này được bố trí nhà ở công vụ theo đề nghị của Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng hợp đề xuất của các Bộ, cơ quan, tổ chức ở trung ương, UBND cấp tỉnh”.
Về phát triển nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân để bán, cho thuê mua, cho thuê (Điều 57), UBTVQH nhận thấy việc tiếp thu, chỉnh lý Điều 57 như thể hiện tại dự thảo Luật là nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong phát triển, quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này thời gian qua, đồng thời bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý và nhu cầu phát triển, đáp ứng nguồn cung nhà ở cho một bộ phận người dân ở đô thị.
Trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, tiếp thu ý kiến ĐBQH, UBTVQH xin chỉnh lý Điều 57 theo hướng quy định phù hợp hơn một số yêu cầu như: Không quy định yêu cầu riêng mà dẫn chiếu điều kiện quản lý loại hình nhà ở này đến các yêu cầu về xây dựng nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành, yêu cầu của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Phân cấp cho UBND cấp tỉnh quy định về đường giao thông để phương tiện chữa cháy thực hiện nhiệm vụ chữa cháy tại nơi có nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ của cá nhân; Bổ sung quy định điều chỉnh đối với nhà ở nhiều tầng nhiều căn hộ có mục đích hỗn hợp cả bán, cho thuê mua, cho thuê để đáp ứng yêu cầu thực tiễn; đồng thời, giao Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê
Về quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (khoản 4 Điều 80), UBTVQH xin tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê để bổ sung nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trong việc chăm lo, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là quyền có chỗ ở, nâng cao chất lượng cuộc sống và thu hút công nhân, người lao động tham gia tổ chức Công đoàn.
Phương án này đã có sự đồng thuận cao giữa UBTVQH, Chính phủ, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và đa số ý kiến ĐBQH; đã được chỉnh lý trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH sau kỳ họp thứ 5, bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, hiệu lực thi hành cao, tháo gỡ được các vướng mắc trong thực tiễn thí điểm trước đây theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ do chưa được Luật quy định.
Không quy định xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân, UBTVQH nhận thấy, quy định về xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp là cần thiết nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến ĐBQH, để bảo đảm chặt chẽ, UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung vào các điều 94, 95 của dự thảo Luật quy định về quy hoạch, bố trí quỹ đất, yêu cầu đối với dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp và giao Chính phủ quy định điều kiện bảo đảm an toàn về môi trường, quy mô, tỷ lệ diện tích đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; sửa đổi khoản 1 Điều 19 của Luật Đầu tư để cho phép xây dựng các hạ tầng xã hội của khu công nghiệp trong hàng rào khu công nghiệp.
Do Luật Đầu tư chỉ điều chỉnh các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trong khi Luật Nhà ở đã bổ sung dự án nhà lưu trú công nhân, để tránh cách hiểu, áp dụng pháp luật khác nhau, bảo đảm đồng bộ, chặt chẽ, UBTVQH xin bổ sung khoản 3 Điều 95 của dự thảo Luật về việc “3. Dự án đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp phải được Ban quản lý khu công nghiệp chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư theo quy định áp dụng đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật về đầu tư…”.
Về xây dựng nhà lưu trú công nhân ngoài khu công nghiệp, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ tại Báo cáo số 642/BC-CP ngày 16/11/2023, UBTVQH đề nghị không bổ sung nội dung này vào dự thảo Luật vì các lý do sau đây: Tránh sơ hở trong quản lý quy hoạch, đầu tư, xây dựng; Tránh gây xung đột với Luật Đầu tư, Luật Xây dựng, pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản liên quan đến giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chấp thuận chủ trương đầu tư, điều kiện làm chủ đầu tư.
Việc tập trung đầu tư, tạo thuận lợi phát triển các dự án nhà ở xã hội cho công nhân ngoài khu công nghiệp, đồng thời đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp như quy định của dự thảo Luật và ý kiến của đa số ĐBQH là phù hợp để thể chế hóa Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị.
Nội dung về nhà ở xã hội có hiệu lực chung theo quy định của Luật Nhà ở sủa đổi
Về một số vấn đề liên quan đến tính thống nhất với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), UBTVQH nhận định: Các dự án xây dựng nhà ở xã hội luôn gắn liền với đất, nên nội dung về nhà ở xã hội cần có hiệu lực chung theo quy định của Luật Nhà ở và Luật Đất đai để bảo đảm tính khả thi, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp này không quy định hiệu lực sớm hơn đối với đất xây dựng nhà ở xã hội; đồng thời đang được tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến ĐBQH để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp sau.
Do đó, UBTVQH đề nghị thống nhất ngày có hiệu lực của Luật Nhà ở (sửa đổi) là từ ngày 01/01/2025 để bảo đảm đồng bộ với Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua sau, đồng thời bảo đảm chất lượng ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật.
Bên cạnh đó, các nội dung tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải bảo đảm tính thống nhất với các nội dung chính sách của Luật Nhà ở (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này. Cụ thể là các vấn đề về: Các trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở; Giao đất, cho thuê đất để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam làm cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; Miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án phát triển một số loại hình nhà ở thuộc diện Nhà nước ưu đãi, khuyến khích; Thế chấp nhà ở.
Đồng thời, Luật Đất đai cần có các quy định chuyển tiếp về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở phù hợp với các chính sách mới về đất đai.
Về một số chính sách khác của Luật Đất đai liên quan đến Luật Nhà ở đang được tiếp tục thảo luận để thống nhất phương án chỉnh lý, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho tiếp thu theo hướng: Luật Nhà ở không quy định cụ thể mà dẫn chiếu thực hiện theo Luật Đất đai để bảo đảm thận trọng, chặt chẽ, cụ thể là các điều 8, 10, 11, 20, 21, 161 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã dẫn chiếu thực hiện theo quy định của Luật Đất đai về quyền sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất của người Việt Nam định cư ở nước ngoài (bao gồm người còn giữ quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam không có quốc tịch Việt Nam).
Ngoài các vấn đề nêu trên, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều nội dung cụ thể khác như đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý bản đầy đủ.