Quảng Nam: Công ty Trường Lợi có tái phạm vi phạm về khai thác cát trên sông!?
Trước đó, công ty Trường Lợi có hành vi khai thác cát ngoài khung giờ quy định, không qua trạm cân đã bị UBND huyện Đại Lộc xử phạt 80 triệu.
Trước đó, ngày 4/7, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản số 4250/UBND-KTN về việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Theo nội dung văn bản số 4250, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) theo dõi, giám sát chặt chẽ vị trí, sản lượng khoáng sản khai thác, công suất khai thác, trữ lượng khoáng sản được phép khai thác của các đơn vị chủ mỏ khoáng sản sau khi được cấp giấy phép khai thác theo quy định; kịp thời thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Theo công văn chỉ đạo thì: UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Phòng TN&MT tổ chức kiểm tra, rà soát tổng thể hiện trạng việc chấp hành pháp luật về khoáng sản của tất cả các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản trên địa bàn quản lý (trong đó có vị trí, ranh giới khu vực khai thác; sản lượng, công suất khai thác, trữ lượng được phép khai thác; hóa đơn, chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm…); xử lý các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật;…
UBND các huyện, thị xã, thành phố và Công an tỉnh, Công an các huyện, thị xã, thành phố phải thường xuyên theo dõi, kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý kiên quyết, dứt điểm, không để tái diễn các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; đặc biệt là hoạt động khai thác vàng, cát, sỏi lòng sông, khai thác đất, đá trái phép trên địa bàn quản lý.
Trước đó một ngày, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành văn bản số 4244/UBND-KTN ngày 03/7/2023 về việc tăng cường giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác cát trên sông Vu Gia, đoạn đi qua huyện Đại Lộc.
Các cơ quan quản lý nhà nước đã có văn bản yêu cầu rõ ràng là vậy, nhưng hoạt động khai thác khoáng sản đặc biệt là khai thác cát sỏi trên sông Vu Gia đoạn đi qua huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam vẫn diễn ra hết sức phức tạp. Cũng trong thời gian qua, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường liên tục tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân về việc Công ty Cổ phần Trường Lợi (công ty Trường Lợi) đưa tàu sang bờ sông phía xã Đại Đồng khai thác cát ngoài phạm vi cấp phép gây sụt lún... (!?).
Sau nhiều ngày bám sát địa bàn, nhóm phóng viên đã phát hiện mỏ cát tại thôn Ngọc Kinh Đông (xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam - do Công ty cổ phần Trường Lợi làm chủ-PV) có dấu hiệu không chấp hành các quy định tại khoản 1, Điều 9, Nghị định 23/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông: “Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 h sáng đến 5 h chiều…”.
Cụ thể, vào lúc 5h30 sáng ngày 12/9 dù trời vẫn chưa hửng sáng, nhưng từng đoàn xe ben “hổ vồ” loại 4 chân đang nối đuôi nhau vào mỏ cát tại thôn Ngọc Kinh Đông của công ty Trường Lợi nhận hàng. Tiếng máy xúc, tiếng động cơ gây rúng động cả một vùng quê.
Thời điểm phóng viên có mặt, 5 trong số 7 chiếc máy xúc đang có mặt tại công trường đang hoạt động hết công suất. Chưa đầy 5 phút, thùng xe ben hổ vồ loại 15, 17 m3 được lấp đầy cát.
Theo quan sát của phóng viên, không chỉ lấp đầy thùng, toàn bộ xe ben đều được lái máy xúc lấp đầy có ngọn, lèn chặt trước khi xe lăn bánh di chuyển khỏi khu vực khai thác cát.
Đến 6h sáng sau khi số lượng cát tại công trường đã “vợi” bớt, 5 chiếc máy hút lần lượt nổ máy hút cái. Ngoài 4 chiếc máy hút cắm vòi khai thác cát bên bờ sông phía xã Đại Hồng thì chiếc máy hút còn lại cắm thẳng vòi sang bờ sông phía xã Đại Đồng khai thác cát.
Tiếp xúc với phóng viên, một người dân trên địa bàn xã Đại Đồng (xin được giấu tên) cho biết: “Mùa nay nước cạn nên hoạt động khai thác cát của họ (Công ty Trường Lợi - PV) chưa ảnh hưởng nhiều đến người dân bên phía này.
Nhưng mấy hôm nữa, khi bước vào mùa mưa thì việc họ khai thác cát kiểu này sẽ gây ảnh hưởng đến độ bền của các công trình nhà cửa. Căn nhà ngay trước cửa trường học đã bị nứt tường, tụt hết chân móng, sạt lở nghiêm trọng rồi đấy, cứ kiểu này đến mùa nước lên nếu họ cứ cắm vòi sang bên đây hút cát thì còn nhiều nhà bị ảnh hưởng”, vừa nói ông này vừa chỉ tay về phía căn nhà bị sạt lở nằm sát một bên bờ sông Vu Gia.
Ngày 12/9, Phóng viên Tạp chí Điện tử Kinh tế Môi trường đã phản ánh toàn bộ thông tin về việc công ty Trường Lợi khai thác cát ngoài khung giờ quy đinh, khai thác cát ngoài vị trí được cấp phép tới ông Võ Ngọc Tốt – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Lộc.
Ông Tốt chia sẻ, doanh nghiệp chỉ được phép khai thác cát từ 7h sáng đến 5h chiều, ngoài khung giờ trên doanh nghiệp không được phép khai thác cát. Đối với thông tin công ty Trường Lợi khai thác cát ngoài khung giờ quy định sẽ cử chuyên viên tiến hành kiểm tra.
Riêng với hành vi khai thác ngoài vị trí được cấp phép, theo ông Tốt thì nhìn hình ảnh cũng đã xác định được phần nào hành vi sai phạm của doanh nghiệp, tuy nhiên muốn xác định chính xác xem doanh nghiệp khai thác ngoài vị trí được cấp phép hay không thì cần phải tiến hành bắn tọa độ ngoài thực tế.
Theo ông Tốt, ngay sau khi UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản chỉ đạo, UBND huyện Đại Lộc đã thành lập đoàn liên ngành tiến hành xác minh, kiểm tra hoạt động khai thác cát của các đơn vị trên địa bàn trong đó có hoạt động khai thác cát của công ty Trường Lợi tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông.
Qua tiến hành kiểm tra, đoàn xác định công ty Trường Lợi có hành vi khai thác cát ngoài khung giờ quy định, không qua trạm cân. UBND huyện Đại Lộc đã tiến hành xử phạt công ty Trường Lợi 80 triệu.
Ông Tốt khẳng định, nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm thì sẽ tiến hành tạm dừng hoạt động khai thác cát của doanh nghiệp.
Thế nhưng vào lúc 6h sáng ngày 13/9, sau khi phản ánh thông tin về dấu hiệu khai thác cát ngoài giờ quy định, ngoài phạm vi mỏ tới cơ quan chức năng huyện Đại Lộc, thì hoạt động khai thác cát tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông của công Trường Lợi vẫn diễn ra với 2 dấu hiệu vi phạm đã được PV phản ánh tới cơ quan chức năng.
Thời điểm này, phía trong công trường khai thác cát có gần 30 xe ben các loại 2 chân, 4 chân đang vào lấy cát. Phía dưới lòng sông Vu Gia, hai chiếc máy hút đang hoạt động hết công suất, tiếng máy nổ inh tai nhức óc phá tan không khí bình yên buổi sáng sớm của cả một vùng quê.
Ngoài việc khai thác cát ngoài khung giờ quy định, theo ghi nhận của phóng viên trong buổi sáng các ngày 12, 13/9, toàn bộ số xe ben sau khi vào lấy cát tại mỏ Ngọc Kinh Đông đều không dừng cân tải trọng theo quy định.
Toàn bộ nội dung trên ngay lập tức được phóng viên thông tin cho ông Lê Văn Quang – Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc. Ông Quang cho biết sẽ chỉ đạo các ngành địa phương liên quan kiểm tra xử lý.
Trong khi đó, ông Tốt cho biết đang bận họp nên không thể xuống kiểm tra xử lý được, ông cho biết sẽ liên hệ với xã (UBND xã Đại Hồng – PV) xuống kiểm tra xử lý.
Tuy nhiên đến sáng 14/9, phóng viên liên hệ lại với ông Tốt thì vị Trưởng phòng TN&MT huyện Đại Lộc cho biết vẫn chưa có kết quả kiểm tra, xác minh.
Sự việc trên khiến dư luận không thể không đặt câu hỏi chính quyền đã thực sự làm hết trách nhiệm trong quá trình kiểm tra, xác minh hoạt động khai thác cát không đúng quy định của công ty Trường Lợi tại mỏ cát Ngọc Kinh Đông hay chưa.
Qua đây, Tòa soạn rất mong nhận được sự hợp tác chia sẻ của chính quyền địa phương cùng phối hợp để tuyên truyền cho các đơn vị kinh doanh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.
Bàn về tính khoa học của vấn đề khai thác cát trên các sông ở Việt Nam hiện nay, GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, nếu như hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép, không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ…
Hoạt động này gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng nguy cơ mất ổn định bờ sông; Sạt lở bờ, bãi ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt sản xuất hoa màu; Đe dọa đến an toàn đê điều, tính mạng, tài sản và an toàn của người dân; Suy giảm mực nước sông trong mùa cạn…
“Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.
Thậm chí có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Nhóm PV