Phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số tại Việt Nam
Để giải quyết bài toán nhân sự, trong đề án Nâng cao nhận thức, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số đến năm 2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu đào tạo 1.000 chuyên gia chuyển đổi số trong các ngành, lĩnh vực, địa bàn để làm lực lượng nòng cốt chuyển đổi số trên toàn quốc.
Theo số liệu Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số công bố hồi tháng 8, tỷ lệ nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trên tổng số lao động của Việt Nam ước đạt 1% trong tổng số 51 triệu lao động. Về kỹ năng, Việt Nam chưa có chuẩn kỹ năng số quốc gia mà chỉ có chuẩn kỹ năng sử dụng CNTT được ban hành từ 2014.
Chính phủ đang đặt ra mục tiêu đến năm 2030 kinh tế số sẽ chiếm 30% GDP của Việt Nam (tỷ lệ hiện nay là 10%). Song, theo các chuyên gia để đạt được mục tiêu này thì Việt Nam phải thực hiện nhiều giải pháp để thúc đẩy nguồn nhân lực số – một trong những mấu chốt quan trọng để phát triển kinh tế số.
Với nhân lực hiện tại, cần liên tục khuyến khích nâng cao kỹ năng số cho người lao động ở tất cả các ngành, lĩnh vực để họ làm chủ được các ứng dụng số phục vụ sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cần có những chương trình thu hút, khuyến khích các sáng kiến kỹ thuật, phát huy tính tự chủ và sáng tạo của người dân.
Trong thời kỳ mở cửa và hội nhập, cần có tư duy mở để tiếp nhận những nhân tài từ bên ngoài, đặc biệt là các kiều bào trên khắp thế giới trở về phục vụ phát triển trong nước. Hiện nay, rất nhiều kiều bào Việt Nam đã thành danh ở nước ngoài, họ sẵn sàng quay về nước nếu có cơ chế thu hút và đãi ngộ phù hợp. Bên cạnh đó, một lượng lớn du học sinh Việt Nam ở nước ngoài cần được khuyến khích và tạo môi trường thuận lợi để họ trở về nước làm việc.
Theo các chuyên gia, quá trình chuyển đổi số cần có sự tham gia của tất cả nhân sự trong tổ chức. Chuyển đổi số không phải là ngành nghề riêng và sẽ không có một chương trình riêng nào có thể đào tạo đủ các yêu cầu về nhân sự số. Do đó, cần có nhiều chương trình đào tạo được thiết kế phù hợp từ khi họ là học sinh - sinh viên tới khi đi làm.
Các chuyên gia cũng cho rằng đào tạo nhân lực chuyển đổi số không chỉ là việc dạy cách làm chủ công nghệ, máy móc mà còn phải giúp họ thay đổi cả tư duy, hiểu đúng về giá trị của con người trong từng khâu chuyển đổi số của tổ chức. Điều này quan trọng với cả những người lao động phổ thông đến cấp quản lý, lãnh đạo.
Bên cạnh đó, 100% các trường đại học số phải hoàn thiện được mô hình tổ chức số, quản trị số, hoạt động số, chuẩn hóa dữ liệu số, kho học liệu số mở và được đầu tư trang bị đồng bộ hạ tầng, nền tảng công nghệ, trang thiết bị học và thực hành, sẵn sàng tuyển sinh và đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số.
Như vậy, nguồn nhân lực số của Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn những kỹ năng cần thiết để hoàn toàn làm chủ các chương trình chuyển đổi số. Trong khi đó, kinh tế số đòi hỏi phải có nguồn nhân lực số tương thích để triển khai, tổ chức thực hiện và chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ.