Phát triển kinh tế xanh: Hiện đại hóa nền kinh tế đi đôi với bền vững môi trường
Kinh tế xanh được định nghĩa là “nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái.
Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội”. Ý nghĩa cốt lõi của kinh tế xanh là tăng trưởng kinh tế đảm bảo đồng thời hai mục tiêu là bảo vệ môi trường sống trong sạch và bền vững.
Ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1658/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 cũng đặt ra mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Như vậy, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh là một nội dung quan trọng trong đường hướng phát triển ở Việt Nam hiện nay.
Theo đó, để phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững môi trường một cách toàn diện, vừa đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế vừa bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái cho tương lai, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:
Nhận thức về bảo vệ môi trường cần được nâng cao trong xã hội trên cơ sở đổi mới tư duy, cách làm, hành vi ứng xử, ý thức trách nhiệm với thiên nhiên, môi trường. Tuyên truyền, giáo dục về môi trường là việc làm trọng yếu, từ đó có những hành động thiết thực trong công tác phục hồi hệ sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, phòng chống biến đổi khí hậu.
Hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển kinh tế xanh để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của doanh nghiệp vào nền kinh tế xanh và hưởng lợi từ mô hình này. Xây dựng chiến lược tổng thể về phát triển kinh tế xanh theo từng giai đoạn phát triển của đất nước theo hướng phát triển bền vững, giảm sử dụng nguyên liệu hóa thạch, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo. Xây dựng cơ cấu kinh tế xanh với ba trụ cột: nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ thích ứng với xu thế biến đổi khí hậu.
Chính phủ cần đầu tư nguồn lực nhiều hơn nữa vào phát triển và ứng dụng công nghệ cao, phát triển năng lượng, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế; đảm bảo cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam không vi phạm các quy định về ô nhiễm môi trường, khí hậu. Tăng cường tổ chức các hội thảo, diễn đàn khoa học để trao đổi kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế xanh.
Môi trường đầu tư cần được cải thiện, tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế, trong đó tập trung huy động nguồn vốn nước ngoài. Việc thu hút nguồn vốn nước ngoài không chỉ góp phần phát triển kinh tế xanh mà còn giúp doanh nghiệp trong nước học hỏi được kinh nghiệm từ phía doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, cần xây dựng tiêu chí chặt chẽ để lựa chọn những dự án đầu tư thực sự có hiệu quả trong phát triển kinh tế xanh, đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường.
Cùng với đó, các cơ quan báo chí cần đẩy mạnh nâng cao chất lượng tuyên truyền về kinh tế xanh trong tình hình mới, kịp thời phổ biến quá trình thể chế hoá nghị quyết, trong đó tập trung đăng tải, giải thích, hướng dẫn việc thực hiện các văn bản pháp luật của Quốc hội, các chính sách của Chính phủ, chương trình hành động của các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế xanh; đi sâu tham gia tổng kết thực tiễn quá trình thực hiện nghị quyết về phát triển kinh tế xanh của từng cấp, từng ngành, từng địa phương, từng lĩnh vực, từng đoàn thể. Đẩy mạnh sự phối hợp giữa cơ quan báo chí với các cơ quan chức năng, địa phương để có thể có những kiến nghị với Đảng bổ sung, hoàn thiện các chủ trương, chính sách hoặc xây dựng các chính sách mới về phát triển kinh tế xanh cho phù hợp với điều kiện mới.
Thanh Phong – Lê Hải/ VP ĐBSCL