0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ năm, 20/07/2023 08:03 (GMT+7)

Ông Phan Đức Hiếu: Giảm chi phí thủ tục hành chính để tạo môi trường thu hút đầu tư

Theo dõi KT&TD trên

Theo ông Phan Đức Hiếu, các quốc gia hiện đang cạnh tranh gay gắt để thu hút đầu tư, quốc gia có môi trường đầu tư kinh doanh tốt phải có chi phí tuân thủ thấp. Vì vậy, cải cách thể chế phải đặt trong cả bối cảnh quốc tế.

Vì vậy, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất ba giải pháp nhằm cải cách thể chế.

Chưa cấp bách thì đừng ban hành quy định, mới làm gia tăng chi phí

Theo các chuyên gia và doanh nghiệp, bức tranh kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm kéo dài sự không thuận lợi từ cuối năm 2022. GDP 6 tháng đầu năm 2023 chỉ tăng 3,72%, đây là mức tăng thấp so với GDP cùng kỳ trong giai đoạn 10 năm qua (chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% cùng kỳ của năm 2020 – do ảnh hưởng mạnh của Covid-19 thời điểm đó).

Cũng 6 tháng đầu năm, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD nhưng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.

Dự báo, tình hình sản xuất kinh doanh trong thời gian tới tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài giúp doanh nghiệp “vượt bão”.

Phát biểu tại Diễn đàn Phát triển kinh doanh tháo gỡ khó khăn tạo không gian phát triển mới cho doanh nghiệp tổ chức mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cải cách thể chế có tầm quan trọng, thậm chí hơn cả chính sách tài khoá và tiền tệ trong ngắn hạn để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Ông Phan Đức Hiếu cho biết, điều tra của Tổng cục thống kê về doanh nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, doanh nghiệp đang gặp khó khăn rất nhiều về thị trường, tài chính, vốn, cạnh tranh. Song khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay là tài chính, chi phí để trang trải và duy trì sản xuất kinh doanh. Vì vậy, cải cách thể chế rất quan trọng.

Lấy hình ảnh minh hoạ, một doanh nghiệp gánh còng lưng các quy định của luật pháp, ông Hiếu chỉ rõ, luật pháp là cần thiết nhưng mặt trái của nó là tác động không mong muốn, không chỉ tạo ra thủ tục hành chính mà tạo cả gánh nặng tài chính và chi phí tuân thủ rất lớn.

Một quy định pháp luật có nguy cơ tạo ra 5 loại chi phí: chi phí thủ tục hành chính; phí – lệ phí; chi phí đầu tư; chi phí cơ hội; chi phí không chính thức.

Chính vì vậy, trong bối cảnh khó khăn hiện nay của doanh nghiệp, cải cách thể chế trở nên ngày càng quan trọng. Cải cách thể chế không chỉ nhằm cắt giảm, đơn giản hoá các thủ tục hành chính mà còn hướng tới cắt giảm chi phí tuân thủ phát sinh từ các quy định pháp luật cho doanh nghiệp”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Phan Đức Hiếu Giảm chi phí thủ tục hành chính để tạo môi trường thu hút đầu tư
Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Mặc dù vậy, cải cách thể chế, cắt giảm chi phí tuân thủ đối mặt với 4 thách thức lớn.

Thứ nhất, phải cắt giảm từ các quy định hiện hành.

Thứ hai, lo lắng những chi phí mới sẽ phát sinh từ các dự thảo và sẽ được ban hành như định mức phí tái chế Fs, mở rộng đối tượng nộp VAT...

Thứ ba, một loạt các chính sách toàn cầu làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp như thuế carbon của EU với hàng nhập khẩu.

Thứ tư, cải cách thể chế cũng cần đặt trong bối cảnh quốc tế. Các nước trong khu vực cạnh tranh gay gắt để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nếu quốc gia nào có môi trường đầu tư kinh doanh tốt thì chi phí tuân thủ thấp.

Cải cách thể chế ngày càng quan trọng, thậm chí không kém các biện pháp về tài khoá và chính sách tiền tệ trong ngắn hạn”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Ông Hiếu cho hay, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn về đủ lĩnh vực từ thị trường đến tài chính, vốn, cạnh tranh. Sự cạnh tranh diễn ra không chỉ giữa các doanh nghiệp trong nước mà còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp ở các nước trong khu vực. Các khó khăn này dẫn đều quy về một thứ đó là chi phí để trang trải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tăng lên.

Trong bối cảnh đó, việc gia tăng các luật pháp không chỉ tạo thủ tục hành chính, thể chế còn tạo ra gánh nặng về tài chính và chi phí tuân thủ lớn. Chẳng hạn, Dự thảo quyết định định mức tái chế vừa được bàn thảo, ngoài thủ tục hành chính, dự kiến những doanh nghiệp không tự tái chế phải nộp khoản tiền cho Quỹ bảo vệ môi trường hay dự kiến tăng mức thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gia tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Theo ông Phan Đức Hiếu, các quốc gia hiện đang cạnh tranh gay gắt để thu hút đầu tư, quốc gia có môi trường đầu tư kinh doanh tốt phải có chi phí tuân thủ thấp. Vì vậy, cải cách thể chế phải đặt trong cả bối cảnh quốc tế.

Ông Phan Đức Hiếu Giảm chi phí thủ tục hành chính để tạo môi trường thu hút đầu tư
Ông Phan Đức Hiếu: "Nếu chưa cấp bách, thì đừng ban hành quy định mới làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp"

Vì vậy, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất ba giải pháp nhằm cải cách thể chế.

Thứ nhất, cần tập trung kiểm soát quy định mới làm gia tăng chi phí. "Nếu thực sự chưa cấp bách thì đừng ban hành quy định mới", ông Hiếu nói.

Còn nếu phải ban hành quy định thì cần có lộ trình áp dụng phù hợp quy định để doanh nghiệp có thời gian ổn định sức khoẻ và chuẩn bị phương án tuân thủ đồng thời có hỗ trợ tài chính trực tiếp cho doanh nghiệp trong tuân thủ quy định như phòng cháy chữa cháy, kiểm đếm CO2… theo đúng địa điểm, đúng nhu cầu, đảm bảo tuân thủ pháp luật, ông Hiếu cho hay.

Thứ hai là, trong khó khăn, doanh nghiệp tại một số ngành nghề, lĩnh vực như bất động sản, tài chính… có nhu cầu cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, quy định hiện hành đôi khi cản trở hoạt động đó. Do đó, cần thiết nghiên cứu xem xét cơ chế nới lỏng có thời hạn, có địa chỉ để giúp doanh nghiệp thực hiện tái cơ cấu, vượt qua khó khăn. Đây là biện pháp cải cách thể chế có hiệu quả và đã được áp dụng trong thời kỳ COVID-19.

Thứ ba, về lâu dài nghiên cứu cơ chế bền vững thúc đẩy cải cách thể chế thường xuyên. Theo kinh nghiệm thế giới, cải cách thể chế nếu chỉ xuất phát đơn lẻ, bột phát từ chính các cơ quan ban hành thể chế sẽ không hiệu quả.

Để thực hiện hiệu quả, nhiều nước trên thế giới đều thành lập cơ quan độc lập có thẩm quyền thuộc Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ với chức năng giám sát và thúc đẩy cải cách thể chế, được trao thẩm quyền mạnh. Trong tình hình Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới, cần nghiên cứu đề xuất thành lập cơ quan tương ứng như vậy để cải cách thể chế bền vững, hiệu quả, thường xuyên.

Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết, nhiều chính sách về tài khóa và tín dụng đã được ban hành. Tuy nhiên, theo ông Long, vẫn còn hai vấn đề quan trọng cần được lưu ý là thứ nhất, bản thân các cơ chế chính sách đã phù hợp với thời điểm nhưng có thể chưa thực tế đối với một số ngành nghề, đối tượng. Thứ hai, nội tại của các doanh nghiệp được thụ hưởng tiếp cận thế nào và hấp thụ. Năm 2023 Chính phủ đã có nhiều cuộc làm việc với các doanh nghiệp tư nhân, FDI, nhà nước… Gần đây nhất, ngày 6/7, Thường trực Chính phủ đã có cuộc làm việc với Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tại cuộc họp này, Thủ tướng đã có 7 kiến nghị giao cho các Bộ, ngành xử lý.

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 58 ngày 21/4/2023 về một số chính sách giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025. Tại Nghị quyết này, Chính phủ đã quy định rất rõ chiến lược giải quyết các vấn đề cấp bách trong ngắn hạn trong năm 2023, cũng như chiến lược cho năm 2025.

Ông Phan Đức Hiếu Giảm chi phí thủ tục hành chính để tạo môi trường thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.

Theo đó, quan điểm của Chính phủ là tiếp tục đồng hành hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp, coi việc tháo gỡ các rào cản khó khăn cho doanh nghiệp là nhiệm vụ chính trị hàng đầu; đảm bảo bình ổn, nhất quán, rõ ràng, minh bạch, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hỗ trợ doanh nghiệp có trọng tâm trọng điểm.

Ông Long đã nêu ra một số điểm được chú trọng như trong ngắn hạn, trước hết phải khẩn trương tháo gỡ khó khăn về mặt pháp lý, khơi thông nguồn lực, và các thủ tục đầu tư, triển khai dự án đầu tư công. Hiện nay, các dự án đầu tư công qua 6 tháng đầu năm vẫn đang chậm hơn so với tiến độ.

Bên cạnh đó, một số quy định cũng đã được đưa ra trong Nghị quyết 58 đã chỉ rõ nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành như giao cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tạo cơ hội ổn định việc làm cho người lao động.

Ngoài ra ông Long cho rằng, có một số biện pháp khác đã được đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục đầu tư kinh doanh; hỗ trợ tái cơ cấu lao động và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Có thể thấy, Chính phủ đã đặt việc hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn lên trọng tâm hàng đầu, các chính sách ban hành ra phải thông thoáng, rõ ràng… Tuy nhiên, theo ông Long, để thực hiện được việc này phụ thuộc rất nhiều vào các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp. trong quá trình vận hành cơ chế chính sách, bản thân các doanh nghiệp cũng cần có các kiến nghị trực tiếp về các vấn đề cần tháo gỡ trong thực tế.

Ông Long nhấn mạnh: “Tất cả những cơ chế chính sách cần phải xuất phát từ tiếng nói của doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp. Tiếng nói từ hiệp hội doanh nghiệp là tiếng nói cụ thể nhất, thực tế nhất để Chính phủ lắng nghe và thực hiện đổi mới về cơ chế chính sách”.

"Chính phủ luôn coi nhiệm vụ hàng đầu là phục hồi cho các doanh nghiệp, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp", ông Long cho biết, đồng thời đề nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao tiếng nói về các cơ chế chính sách đối với doanh nghiệp của mình, tiếp tục kiến nghị về các vấn đề cần tháo gỡ và hoạt động đổi mới chính sách.

Đinh Hiệu

Bạn đang đọc bài viết Ông Phan Đức Hiếu: Giảm chi phí thủ tục hành chính để tạo môi trường thu hút đầu tư. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.