Ông chủ Hoa Sen, Tập đoàn vừa bị thanh tra tài chính kiểm tra là ai?
Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen (HSG) nhận được Quyết định số 28/QD-TTr ngày 23/2 của Thanh tra Bộ Tài chính về việc thu vào tài khoản tạm giữ các khoản tiền phát hiện qua thanh tra tài chính.
Khoản tiền sẽ được trích nộp vào ngân sách nhà nước
Theo đó, Hoa Sen nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Bộ Tài chính số tiền là 2,08 tỷ đồng phát hiện qua thanh tra tài chính. Theo quyết định của Thanh tra Bộ Tài chính, sau 10 ngày làm việc kể từ thời điểm kết thúc thời gian khiếu nại theo quy định, số tiền 2,08 tỷ đồng sẽ được trích nộp vào ngân sách nhà nước.
Hoa Sen cho biết vừa báo cáo cơ quan thuế là Cục Thuế tỉnh Bình Dương để xử lý vi phạm hành chính thuế với tổng số tiền là 2,08 tỷ đồng. Trong đó, thuế thu nhập doanh nghiệp là 1,46 tỷ đồng và thuế giá trị gia tăng là 0,62 tỷ đồng.
Theo kết quả kinh doanh hợp nhất quý I niên độ tài chính 2022-2023, tương đương với quý IV/2022 theo niên độ tài chính một năm của Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) đã ghi nhận tổng doanh thu thuần hơn 7.900 tỷ đồng, giảm hơn nửa so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp giảm từ 12,54% kỳ trước về còn hơn 2% quý này khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt 159 tỷ đồng, kém xa con số 2.123 tỷ đồng của quý I niên độ 2021-2022.
Trong kỳ, các chi phí hoạt động đã được Hoa Sen cắt giảm đáng kể. Trong đó, chi phí tài chính giảm 33% so với cùng kỳ về còn 113 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 46%, còn 668 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 26%, còn gần 100 tỷ đồng.
Kết quả, sau khi khấu trừ các chi phí phát sinh trong kỳ, Hoa Sen báo lỗ 680 tỷ đồng sau thuế, trong khi cùng kỳ niên độ trước vẫn lãi dương 638 tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số này vẫn khả quan hơn nhiều so với kết quả kinh doanh quý liền trước đó. Ở quý IV niên độ 2021-2022, nhà sản xuất tôn thép này đã lỗ tới 887 tỷ đồng do kinh doanh dưới giá vốn.
Ông chủ Hoa Sen là ai?
Ông Lê Phước Vũ sinh năm 1963 tại Bình Định. Ông từng theo học tại trường Trung cấp giao thông. Ông Vũ là người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen.
Ông Vũ bắt đầu sự nghiệp kinh doanh từ một cơ sở bán lẻ tôn vào năm 1994. Giai đoạn năm 2001, với số vốn tích góp trong suốt 7 năm lăn lộn, ông thành lập Công ty Cổ phần Tôn Hoa Sen với vốn điều lệ 30 tỷ đồng và 22 nhân viên. Trải qua suốt 20 năm xây dựng và phát triển, Tập đoàn Hoa Sen hiện nay có 10 công ty thành viên, trải dài từ Bắc vào Nam.
Về triển vọng năm nay, ban lãnh đạo Hoa Sen nhận định xuất khẩu thép 2023 vẫn tiềm ẩn nhiều bất ổn, khó lường trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại.
Bên cạnh đó, cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang có thể ảnh hưởng tiêu cực tới nhu cầu và hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trong ngành.
Tại tài liệu ĐHĐCĐ thường niên, Hoa Sen lên kế hoạch kinh doanh cho niên độ mới theo 2 phương án.
Kịch bản đầu tiên của Hoa Sen dựa trên sản lượng tiêu thụ 1,52 triệu tấn, gồm 1,4 triệu tấn thành phẩm và 152.000 tấn phụ phẩm, tương đương 84% kết quả thực hiện niên độ trước. Doanh thu niên độ này dự kiến đạt 34.000 tỷ đồng, bằng 68% niên độ vừa qua. Lợi nhuận sau thuế trong phương án này phấn đấu đạt 100 tỷ đồng, thấp hơn cả mức 251 tỉ của năm tài chính 2021-2022.
Với kịch bản khả quan hơn là tiêu thụ được 1,63 triệu tấn, bao gồm 1,5 triệu tấn thành phẩm và 130.000 tấn phụ phẩm. Ở phương án này, tập đoàn của Chủ tịch Lê Phước Vũ dự kiến thu 36.000 tỷ đồng doanh thu và lãi sau thuế 300 tỷ đồng.
Có thể thấy kế hoạch lợi nhuận trong cả hai kịch bản trên đều kém xa mức Hoa Sen đặt ra cho những niên độ trước. Trong 10 năm qua, kế hoạch thấp nhất công ty từng đưa ra là 400 tỷ đồng và cao nhất 1.650 tỷ đồng.
Lý giải về mục tiêu lãi vỏn vẹn 100 tỷ đồng, ban lãnh đạo Hoa Sen cho biết xuất khẩu thép năm nay tiềm ẩn nhiều bất ổn trong bối cảnh ngày càng nhiều thách thức về cạnh tranh và rào cản thương mại. Bên cạnh đó, các chính sách thắt chặt tiền tệ, tăng lãi suất, tỷ giá leo thang cũng được đánh giá sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất của công ty.
Khó khăn càng rõ ràng hơn khi tại quý 1 niên độ 2022-2023, Hoa Sen ghi nhận doanh thu chỉ đạt 7.917 tỷ đồng, giảm 53% so với cùng kỳ. Do gánh nặng chi phí, doanh nghiệp này báo lỗ hơn 680 tỷ đồng, trái ngược với khoản lãi 638 tỷ đồng của cùng kỳ niên độ trước.
Tuy nhiên, xét ở góc độ nội tại, Hoa Sen vẫn đang duy trì sự ổn định về tình hình tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới, Hoa Sen sẽ ưu tiên phát triển thị trường nội địa trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có nhiều bất ổn, tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua việc phát triển và duy trì hệ thống bán lẻ hiện tại, xây dựng và áp dụng các chính sách bán hàng, khuyến mãi...
Đối với hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục tìm kiếm, mở rộng các thị trường mới giàu tiềm năng và phát triển, đa dạng hoá các sản phẩm xuất khẩu.
Đối với mảng sản xuất kinh doanh nhựa, Hoa Sen cho biết sẽ tiếp tục củng cố hiệu quả sản xuất kinh doanh của CTCP Nhựa Hoa Sen, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc IPO vào một thời gian phù hợp, dự kiến thời gian sẽ là từ năm 2024 đến năm 2026 nếu tình hình kinh tế thuận lợi.
Tương tự, đối với mảng kinh doanh phân phối vật liệu xây dựng và nội thất, Hoa Sen tiếp tục mở rộng, củng cố hiệu quả kinh doanh của hệ thống Hoa Sen Home. Đồng thời, nghiên cứu, chuẩn bị nguồn lực, điều kiện cần thiết để thành lập CTCP Phân phối Vật liệu xây dựng - nội thất Hoa Sen (CTCP Hoa Sen Home).
Tại đại hội đồng cổ đông tới, Hoa Sen dự kiến trình cổ đông kế hoạch cổ tức 3% bằng cổ phiếu cho niên độ 2021-2022.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/2, cổ phiếu HSG tăng 150 đồng lên 14.550 đồng/cổ phiếu.
Hà Lan