0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 02/06/2023 12:25 (GMT+7)

Ô tô không được giảm thuế VAT 2% vì không là hàng thiết yếu

Theo dõi KT&TD trên

Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, ô tô chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43, nên không đưa ô tô vào diện giảm thuế VAT 2%.

Trong 2 ngày thảo luận tại Hội trường về tình hình kinh tế- xã hội và ngân sách, phần lớn các ý kiến liên quan đến chính sách giảm thuế VAT 2% đều có chung đề xuất kéo dài thời gian áp dụng từ 6 tháng, lên 1 năm, thậm chí có ý kiến kéo dài ít nhất đến hết năm 2024.

Trong buổi làm việc chiều 1/6, với phần nội dung thảo luận về việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022, các đại biểu tiếp tục đề nghị kéo dài chính sách này.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng phương án 6 tháng mà Chính phủ trình Quốc hội, đã được thường vụ Quốc hội cho ý kiến là phù hợp.

“Có 3 lý do. Một là, phù hợp với hiệu lực của Nghị quyết 43, đến hết năm nay, tức là 6 tháng nữa. Hai là, phù hợp với cân đối ngân sách. Ba là, kích cầu tiêu dùng và giải quyết khó khăn một cách tức thời, tức là trong giai đoạn hiện nay”, Bộ trưởng Bộ Tài chính bảo vệ quan điểm chỉ áp dung chính sách giảm thuế VAT 2% đến hết năm 2023, tính từ 1/7 nếu được thông qua vào kỳ họp này.

Cũng liên quan đến chính sách giảm thuế VAT 2%, đề nghị bổ sung thêm ô tô, Bộ trưởng cho biết, ô tô chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, không thuộc phạm vi của Nghị quyết 43, nên không đưa ô tô vào diện giảm thuế VAT 2%.

Ô tô không được giảm thuế VAT 2% vì không là hàng thiết yếu - Ảnh 1
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình trước Quốc hội, chiều 1/6

Ông cũng cho biết, liên quan đến ô tô, Bộ Tài chính đã trình với Chính phủ và Chính phủ đồng thuận với kiến nghị là giảm 5% thuế trước bạ sản xuất ô tô trong nước.

“Bây giờ phải làm mọi cách để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tăng cường năng lực của doanh nghiệp, tăng năng lực của nền kinh tế và doanh nghiệp sản xuất. kinh doanh có hiệu quả bằng việc tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, tạo ra một thị trường tốt hơn là vấn đề giảm thuế. Giảm thuế nhưng không có phát sinh thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục khó khăn.

Trước đó, cùng trong phiên làm việc chiều 1/6, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, đoànHải Dương đề nghị rà soát và cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng, áp dụng mức thuế suất 8% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe dưới 24 chỗ. Mục tiêu là để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất và kinh doanh ô tô trong nước, từ đó đảm bảo duy trì nguồn thu ngân sách của nhà nước từ lĩnh vực này.

Lý giải về đề xuất này, bà Nga viện dẫn phản ánh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực ô tô, về tình trạng tồn kho lớn, phát sinh nhiều chi phí bảo dưỡng sản phẩm, doanh thu sụt giảm, kéo theo là dòng tiền bị tê liệt dẫn tới mất cân đối thu, chi, hoạt động kinh doanh không hiệu quả...

“Rất cần có chính sách mới được ban hành để hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ tình trạng này, trong đó có thể áp dụng chính sách giảm thuế VAT 2% đối với mặt hàng ô tô, bao gồm cả dòng xe ô tô dưới 24 chỗ”, bà Nga đề xuất.

Bà cũng tính rằng, một chiếc xe ô tô tầm trung nếu giảm 2% thuế VAT với mỗi xe bán ra thì Nhà nước sẽ giảm thu thuế từ 10 đến 15 triệu đồng, tuy nhiên với một chiếc xe này được bán ra thì doanh nghiệp đã đóng góp cho ngân sách nhà nước từ 200 triệu đến 300 triệu đồng, vì ô tô là mặt hàng chịu thuế cao, cùng với nhiều loại phí như thuế VAT, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ và các loại thuế, phí khác...

Hoàng Anh

Bạn đang đọc bài viết Ô tô không được giảm thuế VAT 2% vì không là hàng thiết yếu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giá vàng trong nước giảm, nhiều người tranh thủ mua vào
Ngày 16/5, thị trường vàng trong nước ghi nhận những biến động mạnh với giá liên tục đảo chiều. Mỗi đợt điều chỉnh đều ghi nhận mức tăng, giảm lên tới cả triệu đồng mỗi lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra.

Tin mới

Tổng tiến công buôn lậu, hàng giả; xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực không vùng cấm, không ngoại lệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.
Báo chí & kinh tế tư nhân: Góc nhìn từ Nghị quyết 68
Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, vai trò của Báo chí không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn là động lực quan trọng định hướng dư luận, tạo niềm tin và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, góp phần đưa nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.