Những trường hợp nào Nhà nước có thể thu hồi đất đai để phát triển kinh tế - xã hội?
Điều 79 trong Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua quy định, Nhà nước có thể thu hồi đất trong 32 trường hợp cần thiết để thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.
Cụ thể, Nhà nước có thể thu hồi đất để xây dựng công trình giao thông; thủy lợi; cấp nước; xử lý chất thải; năng lượng, chiếu sáng công cộng; dầu khí; hạ tầng bưu chính, viễn thông; chợ dân sinh, chợ đầu mối; tín ngưỡng, tôn giáo; khu vui chơi, giải trí công cộng, sinh hoạt cộng đồng; trụ sở cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; trụ sở hoặc văn phòng đại diện của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội.
Ngoài ra, Nhà nước cũng có thể thu hồi đất trong trường hợp để xây dựng cơ sở văn hóa, di tích lịch sử; cơ sở y tế, dịch vụ xã hội; giáo dục, đào tạo; cơ sở thể dục, thể thao; khoa học và công nghệ; ngoại giao; xử lý môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, khí tượng, thủy văn, đăng kiểm, kiểm dịch động vật, thực vật; dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân; dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu công nghệ cao; khu sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tập trung; hoạt động lấn biển; khai thác khoáng sản; dự án vùng phụ cận các điểm kết nối giao thông.
Các trường hợp còn lại mà Nhà nước có thể thu hồi đất là dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp; nghĩa trang, nhà tang lễ, cơ sở hỏa táng; công trình trên mặt đất phục vụ cho việc vận hành, khai thác, sử dụng công trình ngầm; dự án đã được Quốc hội, Thủ tướng chấp thuận, quyết định chủ trương đầu tư.
Trường hợp thu hồi đất để thực hiện dự án, công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng chưa được quy định, Quốc hội sẽ sửa đổi, bổ sung Điều này theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Với 32 trường hợp cụ thể Nhà nước có thể thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng đã cơ bản bao quát.
Việc này nhằm phát huy nguồn lực đất đai, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, thực hiện chính sách an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và bảo tồn di sản văn hóa.
Bên cạnh đó, luật cũng quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công đồng với nhiều điểm mới, bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Việc này cũng nhằm vì lợi ích chung của cộng đồng và vì sự phát triển bền vững, văn minh và hiện đại của cộng đồng, của địa phương; qua tâm đến đối tượng chính sách xã hội, đối tượng trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
Cùng với đó là những bước thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất đảm bảo nguyên tắc có sự tham gia của người dân ở các giai đoạn, đảm bảo nguyên tắc người có đất thu hồi được bồi thường, tái định cư trước khi thu hồi…
Sáng ngày 18/1, tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) với 432/477 đại biểu có mặt (chiếm 87,63% tổng số đại biểu Quốc hội) tán thành.
Luật mới về đất đai sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025, trừ một số quy định cụ thể. Trong đó, tiếp thu ý kiến đại biểu, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo luật quy định hiệu lực sớm đối với điều 190 và điều 248 từ ngày 1/4/2024.
H.A