0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 03/01/2025 08:48 (GMT+7)

Những trường hợp bị từ chối kiểm định và quy định mới về chu kỳ kiểm định xe cơ giới

Theo dõi KT&TD trên

Bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các cơ sở đăng kiểm sẽ từ chối kiểm định đối với các trường hợp vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cùng với đó là việc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chính thức áp dụng chu kỳ kiểm định đối với xe cơ giới, xe mô tô, xe gắn máy.

Bị từ chối khi có sự sai giữa chứng nhận đăng ký xe với phương tiện đi kiểm định

Theo quy định mới tại Nghị định số 166/2024/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 47/2024/TT-BGTVT của Bộ trưởng Bộ GTVT, đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 quy định trình tự, thủ tục kiểm định.

Theo đó, các cơ sở đăng kiểm sẽ từ chối kiểm định đối với các trường hợp: vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; theo yêu cầu của các cơ quan tiến hành tố tụng; có bằng chứng về việc chủ xe làm giả tài liệu của phương tiện; có sự sai khác giữa chứng nhận đăng ký xe với phương tiện thực tế khi làm thủ tục kiểm định; chưa thực hiện cấp đổi chứng nhận đăng ký xe ở lần kiểm định tiếp theo sau khi phương tiện đã được cấp chứng nhận cải tạo.

Những trường hợp bị từ chối kiểm định và quy định mới về chu kỳ kiểm định xe cơ giới
Cơ sở đăng kiểm sẽ từ chối kiểm định khi phát hiện có sự sai khác giữa chứng nhận đăng ký xe với phương tiện thực tế khi làm thủ tục kiểm định.

Với quy định như trên, sẽ có hàng loạt phương tiện bị từ chối kiểm định, do chủ xe chưa thực hiện trách nhiệm giải quyết vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường bộ; xe đã cải tạo nhưng chủ xe chưa thực hiện thủ tục đổi chứng nhận đăng ký xe; xe đã chuyển sang loại hình kinh doanh vận tải (biển số màu vàng) nhưng chủ xe chưa thực hiện thủ tục đổi Chứng nhận đăng ký xe hoặc ngược lại”.

Thậm chí, nếu màu sơn của phương tiện trên thực tế không đúng với màu sơn trên chứng nhận đăng ký xe, hoặc chủ xe tự ý thay đổi, cải tạo xe dẫn đến thông số kỹ thuật của xe có sự sai khác với chứng nhận đăng ký xe cũng sẽ bị cơ sở đăng kiểm từ chối kiểm định.

Chu kỳ kiểm định mới của xe ô tô, xe mô tô, xe gắn máy

Kể từ ngày 1/1/2025, Thông tư 47/2024/TT-BGTVT quy định rõ chu kỳ kiểm định của từng loại xe cơ giới của Bộ GTVT có hiệu lực.

Tại Bảng chu kỳ kiểm định thể hiện, cùng với ô tô chở người đến 8 chỗ không kể chỗ của người lái xe (không kinh doanh vận tải và kinh doanh vận tải), xe ô tô chở người trên 8 chỗ không kể chỗ của người lái xe; ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc, Thông tư 47/2024/TT-BGTVT còn bổ sung chu kỳ kiểm định của một số loại xe cơ giới khác như: xe chở người chuyên dụng; xe máy chuyên dùng, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ, xe mô tô, xe gắn máy.

Cụ thể, ô tô chở người các loại đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) không kinh doanh vận tải: Chu kỳ đăng kiểm đầu tiên kéo dài 36 tháng. Sau chu kỳ này, ô tô có thời gian sản xuất đến 7 năm có chu kỳ đăng kiểm 24 tháng; thời gian sản xuất trên 7 năm đến 20 năm, chu kỳ đăng kiểm là 12 tháng; thời gian sản xuất trên 20 năm, chu kỳ kiểm định 6 tháng.

Ô tô chở người các loại đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) có kinh doanh vận tải: Chu kỳ đăng kiểm đầu tiên kéo dài 24 tháng. Sau chu kỳ này, ô tô có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ đăng kiểm là 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm, chu kỳ đăng kiểm là 6 tháng. Trường hợp xe có cải tạo, chu kỳ đăng kiểm đầu là 12 tháng, sau chu kỳ này, xe phải kiểm định với chu kỳ 6 tháng/lần.

Ô tô chở người các loại trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) và ô tô chở người chuyên dùng: Chu kỳ đầu tiên là 24 tháng. Sau chu kỳ này, ô tô có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định là 12 tháng; thời gian sản xuất trên 5 năm chu kỳ kiểm định là 6 tháng.

Trường hợp có cải tạo, chu kỳ đăng kiểm đầu là 12 tháng, sau chu kỳ này, xe có chu kỳ đăng kiểm 6 tháng/lần.

Nhóm ô tô chở người các loại trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đã sản xuất từ 15 năm trở lên (kể cả ô tô chở người trên 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe) đã cải tạo thành ô tô chở người đến 8 chỗ (không kể chỗ của người lái xe)): Chu kỳ đăng kiểm định kỳ 3 tháng/lần.

Nhóm ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc có chu kỳ đăng kiểm đầu tiên 24 tháng; sau chu kỳ này, với ô tô tải các loại, ô tô chuyên dùng, ô tô đầu kéo có thời gian sản xuất đến 7 năm, rơ - moóc, sơ - mi rơ - moóc có thời gian sản xuất đến 12 năm có chu kỳ kiểm định là 12 tháng…

Về chu kỳ kiểm định khí thải của xe mô tô, xe gắn máy, Thông tư cũng quy định chu kỳ kiểm định khí thải của xe mô tô, xe gắn máy. Trong đó, xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất đến 5 năm, chu kỳ kiểm định khí thải là 60 tháng tính từ ngày xuất xưởng xe mô tô, xe gắn máy. Đối với xe mô tô, xe gắn máy có thời gian sản xuất trên 5 năm đến 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 24 tháng; thời gian sản xuất trên 12 năm, chu kỳ kiểm định khí thải định kỳ là 12 tháng.

Khắc Hạnh

Bạn đang đọc bài viết Những trường hợp bị từ chối kiểm định và quy định mới về chu kỳ kiểm định xe cơ giới. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Trà sữa & câu chuyện làm thương hiệu
Từ một thức uống đường phố bình dân của Đài Loan những năm 1980, trà sữa trân châu đã trở thành hiện tượng toàn cầu với giá trị thị trường hàng tỷ đô la.
Làng quê khởi sắc từ những mô hình nông nghiệp sáng tạo
Trên khắp vùng nông thôn Việt Nam, một làn gió mới đang thổi qua những cánh đồng lúa và vườn cây ăn trái. Những mô hình nông nghiệp sáng tạo không chỉ thay đổi diện mạo sản xuất mà còn mang lại sự thịnh vượng cho các làng quê từng chìm trong nghèo khó.

Tin mới

Vì sao trạm dừng nghỉ cao tốc chậm tiến độ?
Chỉ còn 5 tháng nữa là đến hạn hoàn thành, nhưng nhiều trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam phía Đông vẫn đang chậm tiến độ. Nguyên nhân chính được xác định là do chậm bàn giao mặt bằng và những thay đổi liên quan đến cơ chế, chính sách.
Xu hướng số hóa quản lý tài sản ở các tập đoàn lớn
Tài sản trong doanh nghiệp vốn rất đa dạng, quản lý tài sản chính là để tối ưu giá trị sử dụng và tạo giá trị cho tài sản. Với sự hỗ trợ của các phần mềm quản lý tài sản ở các tập đoàn đa ngành đang dần được số hóa, giúp tối ưu vòng đời, tối ưu hiệu suất.