Hơn 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, nguy cơ ùn tắc trong kiểm định xe cơ giới
Các vụ án liên quan đến việc vi phạm quy định đăng kiểm đang được xem xét và xử lý đồng loạt, trong bối cảnh nguồn nhân lực của đội ngũ đăng kiểm viên đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng. Hiện đã có hơn 900 đăng kiểm viên bị khởi tố.
Theo báo cáo của Cục Đăng kiểm Việt Nam, hiện trên cả nước đang có 277/293 trung tâm đăng kiểm với 519/545 dây chuyền kiểm định đang hoạt động đủ đáp ứng nhu cầu kiểm định. Tuy nhiên, việc phân bổ mật độ các trung tâm đăng kiểm không đồng đều, gây ra tình trạng thiếu và thừa ở một số địa phương.
Bên cạnh đó, các vụ án liên quan đến việc vi phạm quy định đăng kiểm đang được xem xét và xử lý đồng loạt, trong bối cảnh nguồn nhân lực của đội ngũ đăng kiểm viên đang gặp phải tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Đến nay đã có hơn 900 đăng kiểm viên bị khởi tố, trong số này, nhiều đăng kiểm viên là đảng viên bị khởi tố phải bị kỷ luật khai trừ Đảng và buộc thôi việc, nhiều đăng kiểm viên đã xin nghỉ việc hoặc tự ý bỏ việc, chỉ còn số ít đăng kiểm viên bị khởi tố nhưng không là đảng viên đang được tại ngoại vẫn tiếp tục tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm. Đặc biệt, vẫn còn trung tâm đăng kiểm đang bị điều tra, xác minh, dự báo thời gian tới sẽ có thêm lãnh đạo và đăng kiểm viên bị khởi tố.
Theo Nghị định 30/2023/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới, các đăng kiểm viên bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật, sẽ bị thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên và không thể tiếp tục tham gia hỗ trợ hoạt động kiểm định.
Đối với trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ trong thời gian 12 tháng liên tục sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới trong thời gian 3 tháng.
Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, sẽ có 70 trung tâm đăng kiểm tại 24 tỉnh, thành phố buộc phải tạm dừng hoạt động, sẽ gây ùn tắc phương tiện đến kiểm định tại các địa phương này nếu không chủ động có phương án tháo gỡ.
Trong bối cảnh trên cùng với nhu cầu kiểm định lượng phương tiện gia tăng trong thời gian tới (từ tháng 4-7 và các tháng cuối năm 2024), cả nước sẽ có 31 địa phương ùn tắc phương tiện đến kiểm định, bao gồm Bắc Kạn, Bình thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hà Giang, Hà Nội, Kon Tum, Lâm Đồng, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Trà Vinh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, Gia Lai, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ngãi, Phú Yên, Quảng Nam, Sơn La, Thái Nguyên, Hải Dương, Đắc Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Hòa Bình và Tuyên Quang.
Trong đó, có những địa phương không còn trung tâm đăng kiểm để hoạt động như: Bắc Kạn, Hòa Bình và Thái Bình. Ngoài ra, các tỉnh/thành phố khác cũng có thể bị ảnh hưởng do phương tiện ở các địa phương bị ùn tắc di chuyển về để kiểm định.
Vừa qua, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải đề nghị UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào đặc điểm tình hình hoạt động kiểm định xe cơ giới, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, phân hóa các hành vi vi phạm pháp luật để tạo điều kiện cho đăng kiểm viên mắc sai phạm nhẹ có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, tiếp tục phục vụ hoạt động đăng kiểm nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng quá tải của các trung tâm đăng kiểm.
Còn Bộ Giao thông Vận tải đã kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2023/NĐ-CP theo hướng lùi thời hạn thực hiện thu hồi chứng chỉ đăng kiểm viên cũng như tạm dừng hoạt động các trung tâm đăng kiểm có từ 2 đăng kiểm viên trở lên bị thu hồi chứng chỉ.
Nội dung này thực hiện từ ngày 01/01/2026, cho phép các đăng kiểm viên hưởng án treo không bị nghiêm cấm hành nghề tiếp tục làm việc và các trung tâm đăng kiểm được tiếp tục hoạt động phục vụ người dân cho đến hết ngày 31/12/2025.
Thanh Phong