NHNN đề xuất bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Minh Khái chiều tối ngày 20/3, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Nguồn cung hạn chế khiến chênh lệch vàng trong nước và quốc tế ở mức cao
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết giải pháp Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng là giải pháp quan trọng để kiểm soát chặt chẽ nguồn cung, nhưng từ năm 2014 đến nay, NHNN chưa tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung trên thị trường. Do vậy, sau gần 10 năm, nguồn cung vàng miếng SJC trên thị trường hạn chế có thể là một trong những nguyên nhân khiến chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC và quốc tế duy trì ở mức cao.
Tại cuộc họp, NHNN đề xuất thay đổi phương án sản xuất vàng miếng, bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Đồng thời, NHNN sẽ thực hiện cấp hạn mức sản xuất vàng miếng trong từng thời kỳ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ và sự ổn định của nền kinh tế vĩ mô. Việc xóa bỏ cơ chế Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng sẽ phù hợp với kinh nghiệm quốc tế, tăng cung vàng miếng trên thị trường, giải quyết được vấn đề chênh lệch giá.
Thượng tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, Bộ đã chỉ đạo công an các địa phương tăng cường đấu tranh với các hoạt động buôn lậu vàng, xử lý triệt để vi phạm.
Giá vàng SJC liên tục biến động cho thấy hoạt động này nhiều bất ổn, không đảm bảo mục đích ổn định thị trường vàng. Cần kịp thời sửa đổi, bổ sung chính sách mà Nghị định 24 là trọng tâm, xây dựng cơ chế can thiệp để ổn định thị trường, bổ sung quy định về biên độ chênh lệch; đánh giá lại công tác quản lý khuôn sản xuất vàng SJC và phương án quản lý khuôn vàng miếng này.
Thứ trưởng khẳng định Bộ Công an sẽ thực hiện nghiêm Công điện của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường biện pháp quản lý thị trường vàng vừa được ban hành trưa 20/3.
Đánh giá kỹ tác động việc mở rộng cấp phép sản xuất vàng miếng
Tại cuộc họp Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, nếu không có giải pháp kịp thời xử lý biến động thị trường vàng sẽ ảnh hưởng đến phục hồi và phát triển kinh tế, các cân đối lớn của nền kinh tế.
Phó Thủ tướng đánh giá NHNN có nhiều cố gắng nhưng chưa có báo cáo Chính phủ kịp thời. Trước mắt, NHNN đánh giá cung cầu thị trường, diễn biến giá vàng trong và ngoài nước, các đơn vị trong chuỗi cung ứng để có động thái kịp thời xử lý những nguyên nhân dẫn đến thị trường biến động.
Về lâu dài, NHNN đánh giá tổng thể các giải pháp quản lý hiện nay, nhất là quy định trong Nghị định 24, để có điều chỉnh kịp thời, phù hợp. Việc có mở rộng cấp phép sản xuất vàng miếng hay không phải phân tích, đánh giá rất kỹ các tác động đối với tỷ giá, ngoại hối, kinh tế vĩ mô, tâm lý người dân. Chính sách phải góp phần ổn định thị trường vàng trong nước, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường ngoại tệ.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đặc biệt lưu ý NHNN và các đơn vị liên quan thực hiện nghiêm túc nội dung Công điện 23 ban hành ngày 20/3.
Tại Công điện này, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu NHNN xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua. Không để tình trạng "vàng hóa" nền kinh tế, tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn tiền tệ quốc gia.
NHNN cũng được yêu cầu thanh tra, kiểm tra thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng. Các vi phạm, nhất là buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá cần được xử lý nghiêm.
Đồng thời, NHNN phải rà soát toàn diện pháp lý, cơ chế, chính sách quản lý thị trường vàng và hoạt động kinh doanh vàng miếng, trang sức. Các nội dung trên cần được báo cáo trong tháng 3.
Cũng tại cuộc họp, Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà cho biết, trong số những giải pháp đồng bộ quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012, giải pháp “Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng ” là quan trọng nhất để thay đổi cục diện thị trường vàng miếng sau 12 năm triển khai thực hiện.
Hiện nay không còn tình trạng bất ổn thị trường vàng như giai đoạn trước, tình trạng “vàng hóa” đã được hạn chế, biến động của giá vàng ít tác động đến tỷ giá chính thức, thị trường ngoại tệ và kinh tế vĩ mô trong nước.
Bộ Công an đánh giá đây là biện pháp để kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất vàng miếng, lượng cung vàng miếng trên thị trường và ngăn chặn tình trạng sản xuất vàng miếng từ vàng nguyên liệu nhập lậu.
Từ cuối năm 2023 đến nay, giá vàng vẫn trên đà tăng giá. Giá vàng SJC có thời điểm lên cao nhất lịch sử, vượt 82,5 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn trơn vượt 70 triệu đồng/lượng. Những ngày gần đây, vàng SJC được giao dịch trong vùng 79 - 81 triệu đồng/lượng, vàng nhẫn trơn trong vùng 68-69 triệu đồng/lượng.
Trung Anh (t/h)