Nhà quản lý chứng khoán toàn cầu đang chuẩn bị đối mặt với sự suy giảm nghiêm trọng của Trung Quốc
Các nhà quản lý chứng khoán toàn cầu đang chuẩn bị tinh thần để đối mặt với “nỗi đau” khi sự suy giảm nghiêm trọng của Trung Quốc làm suy yếu triển vọng của các công ty vốn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Từng là vụ cá cược hứa hẹn nhất trong năm, các khoản đầu tư liên quan đến Trung Quốc đã trở thành một tai họa khi thị trường bất động sản của nước này suy thoái, có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng hệ thống. Cùng với đợt bán tháo tập trung vào cổ phiếu Trung Quốc, áp lực đang gia tăng đối với cổ phiếu ở châu Âu, Mỹ và các khu vực khác của châu Á, những nơi mà hoạt động kinh doanh của họ đang bị ảnh hưởng bởi nhu cầu ở Trung Quốc.
Caterpillar Inc. và Dupont de Nemours Inc. nằm trong danh sách dài các công ty đã gióng lên hồi chuông cảnh báo trong các bản báo cáo thu nhập mới nhất của họ. Với dự báo tăng trưởng của Trung Quốc bị cắt giảm, các nhà đầu tư đang tìm cách giảm thiểu rủi ro trong danh mục đầu tư. Chỉ số MSCI theo dõi các công ty toàn cầu có ảnh hưởng lớn nhất đến Trung Quốc đã giảm khoảng 10% trong tháng này, mức giảm gấp đôi trong thước đo rộng hơn của chứng khoán thế giới.
Hãng tin CNBC dẫn nguồn từ các chiến lược gia tại ngân hàng Mỹ Bank of America, chia sẻ: “Thành thật mà nói, cả thế giới gắn bó chặt chẽ với Trung Quốc. Đa phần các công ty lớn trên toàn cầu hoặc bán cho Trung Quốc hoặc lấy nguồn từ Trung Quốc”, các chuyên gia nhận định: “Các công ty này sẽ phải điều chỉnh giảm doanh thu từ Trung Quốc trong 12 tháng tới”.
Niềm tin của các nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng về triển vọng kinh tế của Trung Quốc đang giảm nhanh chóng sau một loạt các tin tức tiêu cực trong tuần này, từ dữ liệu kinh tế ảm đạm đến ngân hàng ngầm khổng lồ Zhongzhi Enterprise Group Co tạm dừng thanh toán cho hàng nghìn khách hàng, trong đó đáng chú ý là tập đoàn bất động sản Country Garden Holdings đang gặp khó khăn và bên bờ vực vỡ nợ.
Những lo lắng ngày càng tăng đã khiến các tiêu chuẩn vốn chủ sở hữu ở Hồng Kông và Trung Quốc xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11, Chỉ số Hang Seng đã lao dốc vào thứ Sáu.
Với vị thế thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu, những lo ngại cũng bắt đầu ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư ở châu Âu và Mỹ, khi cả hai thị trường chứng khoán đã trải qua đợt giảm giá lớn nhất kể từ tháng Ba.
Nhà quản lý danh mục đầu tư vĩ mô toàn cầu tại Gama Asset Management SA có trụ sở tại Geneva, ông Rajeev De Mello, cho biết “nhiều loại tài sản sẽ bị ảnh hưởng” trừ khi Bắc Kinh đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhanh và mạnh hơn, đồng thời ông cũng cho biết thêm rằng ông đã cắt giảm tiếp xúc với chứng khoán, hàng hóa, vàng và các loại tiền tệ mới nổi của châu Âu.
Dưới đây là một số lĩnh vực và công ty toàn cầu dễ bị tổn thương trước sự sụt giảm ở Trung Quốc:
Khai thác mỏ
Các công ty khai thác mỏ đã phải gánh chịu những rủi ro ngày càng tăng từ Trung Quốc vì quốc gia này là nước tiêu thụ quặng sắt lớn trên toàn cầu, một sản phẩm chính của các công ty khai thác lớn. Với mức giảm 19%, Chỉ số tài nguyên cơ bản Stoxx 600 là chỉ số hoạt động kém nhất ở châu Âu trong năm nay. Các công ty khai thác vốn hóa lớn Anglo American Plc, Glencore Plc và Rio Tinto Plc đã giảm từ 20% đến 40%.
Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, Rio Tinto và tập đoàn khổng lồ BHP Group của Úc có được 50% đến 60% doanh thu của họ từ Trung Quốc, trong khi Glencore và Anglo American có tỷ lệ tiếp xúc hơn 20%.
Nhà quản lý danh mục đầu tư của William Blair Investment ở Chigago, ông Vivian Lin Thurston, cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc suy yếu có thể dẫn đến nhu cầu thấp đối với một số sản phẩm và hàng hóa nhập khẩu. Chúng tôi hiện đang theo dõi sát đối với các biện pháp kích thích cụ thể và có ý nghĩa được thông qua ở Trung Quốc".
Hàng hóa xa xỉ
Theo dữ liệu từ Goldman, các công ty hàng xa xỉ như LVMH, nhà sản xuất túi Louis Vuitton, Kering SA và Hermes International, chủ sở hữu Gucci, đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự dao động nào về nhu cầu của Trung Quốc vì quốc gia này chiếm từ 17% đến 20% doanh thu hàng năm của họ.
Các cổ phiếu trong lĩnh vực này đã tăng vọt vào đầu năm nay vì khách hàng cao cấp của nó được cho là ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát cao. Nhưng nhóm LVMH, Kering, Hermes, Richemont, Swatch Group và Moncler SpA đã mất tổng cộng 86 tỷ USD vốn hóa thị trường trong tháng 8 tính đến ngày thứ Sáu khi rủi ro tăng trưởng của Trung Quốc gia tăng.
Chất bán dẫn
Theo dữ liệu được tổng hợp bởi Morgan Stanley, các nhà sản xuất chip của Mỹ như Nvidia Corp và Qualcomm Inc tạo ra một phần lớn doanh thu từ Trung Quốc. Lĩnh vực này đã bị ảnh hưởng từ sự leo thang trong cuộc chiến công nghệ Trung-Mỹ trong năm nay, và việc kiểm soát xuất khẩu cũng đang làm trầm trọng thêm những khó khăn trong chuỗi cung ứng do phần lớn các hệ thống linh kiện và điện tử của thế giới đều đến từ các nhà máy Trung Quốc.
Mặc dù cổ phiếu vẫn được hỗ trợ bởi sự điên cuồng của trí tuệ nhân tạo trong năm nay, nhưng sự lạc quan có thể bị lu mờ bởi sự sụt giảm trong các lô hàng điện thoại thông minh toàn cầu, bởi chi tiêu tiêu dùng yếu của Trung Quốc.
Máy móc, thiết bị công nghiệp
Các công ty máy móc và tự động hóa nhà máy của Nhật Bản đã có một mùa thu nhập kém, phần lớn là do chi tiêu vốn yếu ở Trung Quốc. Nhà sản xuất thiết bị tự động hóa nhà máy Fanuc Corp đã cắt giảm dự báo thu nhập hoạt động cả năm với lý do nhu cầu từ Trung Quốc yếu hơn dự kiến.
Các nhà phân tích của Morgan Stanley trong tuần này đã hạ cấp các lĩnh vực cổ phiếu của Nhật Bản khi lĩnh vực này chịu tác động nhiều nhất từ sự suy thoái của Trung Quốc.
Nhà quản lý quỹ tại Straits Investment Holdings ở Singapore, ông Manish Bhargava, cho biết: “Các nhà đầu tư có thể trở nên cảnh giác với việc phân bổ tiền vào Trung Quốc do lo ngại về suy thoái kinh tế và lợi nhuận tiềm năng giảm”.
“Các điều kiện giống như suy thoái kinh tế của Trung Quốc có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với chính sách tiền tệ, các đối tác thương mại và tâm lý của nhà đầu tư”, ông Bhargava nhấn mạnh
Thái Đạt