Nhà băng nào trong “tứ trụ” ngân hàng đạt lợi nhuận cao nhất
Trong năm 2023, 4 “ông lớn” ngành ngân hàng Việt Nam là Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV đều ghi nhận lợi nhuận đạt mức hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong đó, Vietcombank đứng đầu với lãi trước thuế ước đạt trên 40 nghìn tỷ đồng.
Mới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024 diễn ra vào ngày 4/1, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) ước tính lợi nhuận trước thuế cả năm đạt khoảng 25,3 nghìn – 25,4 nghìn tỷ đồng, tăng từ 14,5 - 15% so với năm 2022 nhưng vẫn thấp hơn kì vọng đặt ra là 26,2 nghìn tỷ đồng.
Đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông".
Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Nợ xấu dưới 2%. Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra. Năm 2023, Agribank tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước.
Sau Agribank, những ngân hàng khác trong nhóm “Big 4” cũng lần lượt công bố kết quả kinh doanh sơ bộ của năm 2023.
Theo đó, trong năm 2023, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch năm đề ra, như huy động vốn đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022; Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với năm 2022; Chất lượng nợ được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu 0,97%, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 280%; Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%; tổng nộp ngân sách nhà nước đạt 11,2 nghìn tỷ đồng
Lợi nhuận trước thuế năm 2023 của Vietcombank hoàn thành kế hoạch được giao, đạt mức tăng 10,2% so với năm 2022. Với số lãi trước thuế ước tính năm 2023 khoảng 40,4 nghìn tỷ đồng.
Với kết quả trên, Vietcombank tiếp tục vượt qua chính mình để một lần nữa xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng, bỏ xa các đối thủ trong nhóm “Big 4”.
Năm 2024, Vietcombank đặt mục tiêu tổng tài sản tăng tối thiểu 8%; lợi nhuận trước thuế tăng tối thiểu 10%, tương đương 44 nghìn tỷ đồng.
Về phía Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh doanh năm 2024, nhà băng này cho biết, hết năm 2023, các chỉ tiêu kinh doanh đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, tổng tài sản năm 2023 của BIDV đạt 2,26 triệu tỷ đồng, tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam; Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%; Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao; tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới mức 1,1%.
Lợi nhuận trước thuế của khối công ty con và khối liên doanh lần lượt là 1,29 nghìn tỷ đồng và 945 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27,4 nghìn tỷ đồng. Với kết quả này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm “Big 4”, vượt qua kế hoạch lợi nhuận năm 2023 và tăng trưởng 19,5% so với thực hiện năm 2022.
Trong năm 2023, BIDV cũng đẩy mạnh trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu (Non-performing loan ratio - NPL) tại thời điểm cuối năm đạt 192%.
Khác với những ngân hàng nói trên, Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) chưa công bố kết quả lợi nhuận trước thuế năm nay. Song tại Hội nghị tổng kết công tác hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, lãnh đạo ngân hàng này cho biết, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ năm 2023 của VietinBank vượt mục tiêu kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao năm 2023 trên cơ sở đảm bảo các chỉ tiêu an toàn hoạt động.
Trước đó, tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2023, Vietinbank được phê duyệt kế hoạch lợi nhuận 2023 là 22,5 nghìn tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận riêng lẻ trước thuế của Vietinbank năm 2023 ở mức 22,5 nghìn tỷ đồng, tổng tài sản tăng trưởng từ 5%-10% và tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8%.
Hết năm 2023, tổng tài sản của VietinBank ước đạt hơn 2 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 12,5% so với cuối năm 2022. Dư nợ tín dụng ước gần 1,5 triệu tỷ đồng, tăng trưởng gần 16% so với cuối năm 2022. Nguồn vốn huy động ước hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 13,7%.
VietinBank tối ưu hoá chi phí, quản trị chi phí hiệu quả, từ đó tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) ở mức 28%, và là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất ngành.
Để nâng cao năng lực vốn tự có, ngày 01/12/2023, VietinBank đã thành công tăng vốn điều lệ lên hơn 53.000 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận năm 2020.
H.A