Nghệ nhân Bùi Thanh Tùng & những “dị bản” gốm vuốt tay độc bản
Những sản phẩm gốm thủ công vuốt tay luôn đựng nhiều tâm tư tình cảm của nghệ nhân, vì thế phải có duyên, phải trân quý sự tinh tế mới có thể cảm nhận được từng độ nặng, đường nét, màu sắc mà đôi tay ấy mang lại…
“Bàn tay yêu đất lấm thân,Bàn tay mê đất chỉ cần thế thôi,Cho dù tay mỏi đã dời,Cho dù nứt nẻ một đời vẫn yêu”
Gốm vuốt tay là một phương thức sản xuất gốm sứ của làng nghề gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội). Phương thức này đã bỏ qua hoàn toàn sự hỗ trợ của các thiết bị máy móc, khuôn cốt, mà chỉ dựa vào đôi bàn tay tài hoa và khéo léo, dựa vào tài năng của người nghệ nhân làm gốm.
Làm gốm vuốt tay đòi hỏi người nghệ nhân phải thật sự đam mê, nhiệt huyết thậm chí là phải có một sức khỏe bền bỉ không ngừng nghỉ với nghề gốm, bỏ qua tất cả sự hào nhoáng và các cơ hội phát triển khác, không quan tâm đến giá trị thương mại của sản phẩm mà chỉ một lòng sáng tạo, tìm tòi ra những kiểu dáng, chất men mới.
Các sản phẩm gốm vuốt tay được thoát khỏi những sự ràng buộc về khuôn đúc, những yêu cầu về số lượng và kiểu dáng. Người nghệ nhân được thỏa sức sáng tạo, thỏa sức theo đuổi đam mê vuốt nặn theo những ý tưởng của bản thân - những ý tưởng mà có khi chỉ đến một cách rất tình cờ.
Người yêu gốm, chơi gốm, sưu tâm gốm khi về làng nghề Bát Tràng họ đều rỉ tai nhau về một nghệ nhân trẻ đam mê dòng gốm thủ công vuốt tay độc bản- Gốm Tùng. Gốm Tùng là nghệ danh của anh Bùi Thanh Tùng, nghệ nhân trẻ Bùi Tùng là một trong số ít những nghệ nhân trẻ ở Làng gốm cổ Bát Tràng vẫn chung thủy theo đuổi dòng gốm thủ công vuốt tay độc bản. Với anh, những sản phẩm gốm thủ công vuốt tay luôn chứa đựng nhiều tâm tư tình cảm của người nghệ nhân, vì thế phải có duyên, phải đủ sự tinh tế mới có thể cảm nhận nét đẹp trong từng sản phẩm.
Theo nghệ nhân Bùi Thanh Tùng, sản phẩm gốm vuốt tay độc bản được ví như "đứa con tinh thần" của người nghệ nhân. Có những sản phẩm sau mỗi chuyến lò dù khách có trả mức giá “trên trời” nhưng nhất quyết anh không “gả” đi. Đó là sự kết hợp của khối óc, sức sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa. Gốm vuốt tay, vì thế mà tinh tế và rất giàu chất nghệ. Đây cũng là yếu tố tạo nên giá trị cho sản phẩm, tạo nên chất riêng của thương hiệu "Gốm Tùng".
"Kỹ thuật làm gốm hiện đại phục vụ cho nhu cầu nhanh, rẻ của thị trường. Sản phẩm cần một bộ khuôn có thể làm bằng thạch cao hoặc gỗ. Tiếp đó người thợ làm gốm lấp đất in vào lòng khuôn sao cho bám chắc chân, đồng thời gạn bỏ những lớp đất thừa để tạo dáng cho sản phẩm. Các sản phẩm gốm hiện đại được sản xuất hàng loạt, đúc từ một khuôn nên không sai lệch về độ dày mỏng.
Trong khi đó, kỹ thuật làm gốm vuốt tay mang nhiều công sức và tình cảm hơn ở công đoạn tạo dáng. Cốt gốm được vuốt bằng tay trên bàn xoay để ra được nhiều hình dạng dài, tròn, vuông, bèo nhún; tạo bề mặt trơn láng hay sần sùi, gồ ghề… kết hợp với đôi tay nghệ nhân tạc những bông hoa, con thú đắp nổi lên sản phẩm. Mỗi loại sản phẩm đều có chút khác biệt nhẹ, không thể đo được bằng mắt", nghệ nhân Bùi Thanh Tùng phân tích.
Gốm vuốt tay bỏ qua tất cả sự hỗ trợ của khuôn cốt, của máy in, máy dập, chỉ giữ lại một điều tuyệt vời nhất là sự khéo léo và tài năng của người thợ gốm. Những con người sẵn sàng theo đuổi niềm đam mê mà lướt qua tất cả các cơ hội phát triển các nghề nghiệp khác để đến với gốm vuốt tay, một con đường không chỉ đòi hỏi sự sáng tạo, nhiệt huyết không ngừng nghỉ, mà còn là những giọt mồ hôi, những cảm xúc thất thường mỗi khi đón chờ những đứa con ra đời sau ngọn lửa.
Sản phẩm gốm vuốt tay thô nhưng mượt mà, uyển chuyển với từng đường vuốt, xoay cối. Vì được làm hoàn toàn bằng tay, nên mỗi cái đều có một vẻ đẹp riêng biệt, dẫu có cùng loại, cùng hình dáng thì người chơi vẫn dễ dàng tìm ra những điểm khác nhau mà chọn lựa. Đây được xem là giá trị cốt lõi của sản phẩm gốm vuốt tay Bát Tràng, cũng là “cái cớ” để những người yêu gốm tìm về với những giá trị và vẻ đẹp nghệ thuật đích thực.
Gốm vuốt tay ở Việt Nam trước đây chỉ có gốm ở làng Phù Lãng là được sản xuất nhiều, do đất sét ở đây không thể dùng khuôn được. Tuy nhiên men màu của loại gốm vuốt tay này không đa dạng, đây là điểm hạn chế vì vẻ đẹp của các bài men tự nhiên trên gốm sẽ nâng giá trị của sản phẩm lên rất nhiều. Ở miền Nam, người ta cũng làm gốm vuốt tay, nhưng chủ yếu vuốt các loại lu chậu khá to, mang tính ứng dụng nhiều hơn là để sưu tầm.
Thời thế thay đổi, nhiều xưởng sản xuất chuyển sang kinh doanh gốm sứ công nghiệp bằng việc sử dụng khuôn, máy… để tạo ra số lượng lớn sản phẩm trong thời gian ngắn với mức chi phí thấp.
Trăn trở với thực tại này, nghệ nhân Bùi Thanh Tùng là một trong số ít người đã quyết tâm theo đuổi con đường làm gốm vuốt tay thủ công với mong muốn gìn giữ kỹ thuật làm gốm truyền thống của cha ông.