0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 02/04/2025 14:38 (GMT+7)

Ngày 1/5, toàn bộ các tỉnh, thành gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ

Theo dõi KT&TD trên

Ngày 1/5 tới, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước phải hoàn thành và gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ.

Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được nhấn mạnh tại cuộc họp giao ban công tác tháng 3/2025 và triển khai nhiệm vụ quý II, tháng 4/2025 của Bộ Nội vụ.

Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Xuân Hân cho biết, trong tháng 3, Bộ đã xử lý khối lượng công việc lớn, đặc biệt là các nhiệm vụ chính trị quan trọng. Bộ đã tập trung tham mưu cho Ban Chỉ đạo Chính phủ trong việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, hoàn thiện các nội dung liên quan đến sắp xếp, tổ chức lại bộ máy các cấp, từ cơ quan ngang bộ đến chính quyền địa phương.

Bộ Nội vụ đã đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ nhằm thực hiện việc sắp xếp và tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, đồng thời xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Bộ cũng đã ban hành quy chế hoạt động và xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ tập trung tiếp thu ý kiến từ Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 11 để hoàn thiện tờ trình, đề án về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.

Ngày 1/5, toàn bộ các tỉnh, thành gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ - Ảnh 1
Ngày 1/5 tới, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trên cả nước phải hoàn thành và gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ.

Bộ dự kiến sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính và tiếp tục trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết về việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh rằng trong tháng 3, Bộ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, hoàn thành 106 trên tổng số 109 nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Bộ đã nhanh chóng tham mưu cho các cấp có thẩm quyền về việc sắp xếp cấp tỉnh, tổ chức lại cấp xã và triển khai mô hình chính quyền địa phương hai cấp.

Bộ Chính trị đã nhiều lần đưa ra ý kiến, xác định rõ chủ trương trong việc sắp xếp cấp tỉnh, định hướng tổ chức lại chính quyền cấp xã và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đây là cơ sở chính trị quan trọng để Bộ Nội vụ hoàn thiện đề án trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị lần thứ 11.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cũng cho biết, Bộ đã thực hiện quyết liệt và nhanh chóng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đúng với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng" mà Tổng Bí thư Tô Lâm và Thủ tướng đã nhấn mạnh.

Trong quý II và tháng 4/2025, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ là tập trung hoàn thiện các nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã, cũng như tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Các nội dung này sẽ được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội trước ngày 30/6. Theo kế hoạch, chính quyền cấp xã sẽ bắt đầu vận hành từ ngày 1/7, trong khi cấp tỉnh sẽ đi vào hoạt động từ ngày 30/8.

Bộ trưởng lưu ý rằng từ ngày 1/5, khối lượng công việc sẽ tăng cao khi 63 tỉnh, thành phố đồng loạt gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ. Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để điều chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo sự vận hành đồng bộ của chính quyền địa phương hai cấp sau khi bỏ cấp huyện.

Theo lộ trình, Đảng ủy Chính phủ sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 11 để thông qua đề án. Sau đó, Bộ Chính trị sẽ tổ chức hội nghị toàn quốc vào ngày 16/4 nhằm triển khai đồng bộ các nội dung liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Hội nghị cũng sẽ thảo luận về việc tái cơ cấu các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan tòa án và viện kiểm sát, đảm bảo hệ thống chính trị vận hành hiệu quả từ ngày 30/8.

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà kêu gọi sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị để hoàn thành tốt các nhiệm vụ tham mưu, đặc biệt là trong việc sắp xếp và vận hành chính quyền địa phương hai cấp khi không còn cấp huyện.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Ngày 1/5, toàn bộ các tỉnh, thành gửi đề án sắp xếp về Bộ Nội vụ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Quỹ Nhà ở Quốc gia “tiếp nguồn hy vọng” cho người thu nhập thấp
Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, rà soát để đề xuất giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Và đến nay, Bộ Xây dựng đã chủ động giao đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu từ các kinh nghiệm quốc tế, rà soát các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất giải pháp triển khai.

Tin mới

Xu hướng kinh doanh đồ uống: Đâu là mô hình tiềm năng nhất?
Thị trường đồ uống luôn là một lĩnh vực năng động với nhiều cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự biến đổi mạnh mẽ trong thói quen tiêu dùng, cùng với đó là sự xuất hiện của nhiều mô hình kinh doanh đồ uống mới, sáng tạo và đầy tiềm năng.
Giá căn hộ tăng cao: Khi nào người mua nhà mới "dễ thở"?
Thị trường bất động sản Việt Nam những năm gần đây đang trải qua giai đoạn biến động mạnh mẽ. Mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, giá căn hộ vẫn duy trì ở mức cao, khiến người mua nhà - đặc biệt là tầng lớp trẻ và người có thu nhập trung bình - vẫn phải đối mặt với áp lực tài chính nặng nề.
Gen Z và cơn sốt trà: Khi thế hệ trẻ biến thức uống cổ điển thành xu hướng mới!
Gen Z đang biến trà từ một thức uống truyền thống thành xu hướng sành điệu và sáng tạo. Từ trà sữa trân châu đến trà masala chai đậm đà, họ không ngừng thử nghiệm và đổi mới. Không chỉ là một sở thích, trà đã trở thành phong cách sống, gắn kết cộng đồng và thúc đẩy xu hướng tiêu dùng bền vững.