0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 18/08/2023 16:47 (GMT+7)

Mùa nắng nóng các năm tới tiếp tục thiếu điện trầm trọng

Theo dõi KT&TD trên

Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp, trong khi nhu cầu điện tăng trưởng 10%/năm. Dự báo trong 2 tháng hè (tháng 6,7) của năm 2024 và 2025 vẫn tiếp diễn tình trạng thiếu điện.

Tại hội nghị tiết kiệm điện mùa nắng nóng diễn ra ngày 18/8, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), ông Trần Viết Nguyên- Phó trưởng Ban Kinh doanh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, trong 5 tháng cuối năm 2023, cung ứng điện cơ bản đảm bảo. Dự kiến tăng trưởng phụ tải điện trong các tháng còn lại của năm nay trung bình tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính cả năm, phụ tải điện tăng trên 5,3% so với năm 2022.

“Cung ứng điện trong các tháng còn lại của năm sẽ cơ bản đảm bảo cho kinh tế và tiêu dùng”- ông Trần Viết Nguyên nói.

Tuy nhiên, dự báo mùa nắng nóng năm 2024-2025, phụ tải tiếp tục tăng cao, bình quân khoảng 9%/năm, tương ứng với mỗi năm chúng ta cần thêm 4.000-4.500 MW.

“Như vậy phải bổ sung liên tục các nguồn điện. Nhưng theo kế hoạch, năm 2024, dự kiến đưa vào vận hành thêm 1.950 MW và năm 2025 là 3.770 MW. Nghĩa là trong các tháng nắng nóng, hệ thống điện sẽ thiếu hụt khoảng 2.000 MW”- đại diện EVN thông tin.

Đáng chú ý, các nguồn điện được tăng thêm chủ yếu ở khu vực miền Trung và miền Nam, trong khi dự báo phụ tải tăng cao ở các tỉnh phía Bắc. Đây là thách thức trong cấp điện với các tỉnh, thành phố phía Bắc trong mùa nắng nóng 2 năm tới.

Ông Trần Viết Nguyên cho hay: “Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp nhưng nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm nên sẽ thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7-2024 (thiếu 420 MW – 1.770MW).

Trong 7 tháng đầu năm nay, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,58 tỷ kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 3 tháng đầu năm cung ứng điện đảm bảo (phụ tải thấp hơn so với cùng kỳ 2022).

Ngày 19-5-2023, phụ tải tăng cao đột biến, đạt kỷ lục mới 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất tiêu thụ cực đại cũng đạt 43.300MW, tăng 9,12% so với cùng kỳ).

Trong tháng 5 và tháng 6, thiếu hụt điện đã xảy ra tại các tỉnh, thành phố miền Bắc. Hệ thống điện miền Nam cũng xảy ra tình trạng thiếu hụt công suất đỉnh tại một số giờ cao điểm, hệ thống phải huy động các nguồn nhiệt điện chạy dầu để đáp ứng nhu cầu phụ tải đỉnh.

Mùa nắng nóng các năm tới tiếp tục thiếu điện trầm trọng
Tháng 6 vừa qua, ở nhà mất điện nên người dân đã kéo vào siêu thị để tránh nóng

Ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, diễn biến thiếu điện vẫn có thể xảy ra trong các năm tiếp theo do hiện tượng El Nino còn tiếp diễn, trong khi nền kinh tế phục hồi, nhu cầu phụ tải điện tăng cao. Do đó, cần phải “đi trước” bằng cách thực hiện tiết kiệm điện.

Để đảm bảo cấp điện cho mùa nắng nóng các năm tiếp theo, đại diện EVN khuyến nghị khách hàng sử dụng điện thực hiện tiết kiệm điện tối đa. Mục tiêu là trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ.

Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện xuống dưới 6% trong giai đoạn tới năm 2025; Giảm công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025; Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu…

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Tập đoàn EVN, PVN, TKV về việc đảm bảo cung ứng điện các tháng cuối năm 2023 và năm 2024. Theo đó, Thủ tướng lưu ý cần căn cứ vào tăng trưởng nền kinh tế để dự báo nhu cầu điện sát thực tế và cân đối cung - cầu điện, huy động nguồn lực của hệ thống (nguồn điện, lưới truyền tải, phân phối và nhập khẩu điện) để tối ưu giá sản xuất điện.

Bộ Công Thương chịu trách nhiệm chung về chỉ đạo thực hiện kế hoạch cung ứng, vận hành ổn định hệ thống và khắc phục nhanh các sự cố nguồn điện (nhất là nhiệt điện) trong nước. Các Tập đoàn EVN, PVN và TKV rà soát, cập nhật kế hoạch này, báo cáo Thủ tướng trong tháng 8.

Bộ Công Thương cũng được giao cùng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, xây dựng dự án đường dây truyền tải 500 kV từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên). Dự án này cần hoàn thành trong tháng 6/2024 để tăng năng lực truyền tải điện từ Nam ra Bắc./.

Dương Định (T/H)

Bạn đang đọc bài viết Mùa nắng nóng các năm tới tiếp tục thiếu điện trầm trọng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.