MIG ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt gần 138 tỷ đồng trong quý 4/2023
Tổng CTCP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HoSE: MIG) vừa công bố báo cáo tài chính quý 4/2023 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 138 tỷ đồng, gấp 4,6 lần cùng kỳ, là mức lợi nhuận theo quý cao kỷ lục của công ty.
Theo đó, quý 4/2023, doanh thu thuần của Bảo hiểm Quân đội đạt 964 tỷ đồng, giảm 22%, trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 1.274 tỷ đồng, giảm 17% so với cùng kỳ năm trước (YoY). Tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm cũng giảm 27% xuống hơn 762 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, Bảo hiểm Quân đội ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.594 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% YoY. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 4.678 tỷ đồng giảm 10%. Doanh thu hoạt động tài chính tăng gấp rưỡi cùng kỳ, lên 293 tỷ đồng.
Nhờ mức tăng trưởng tốt của hoạt động tài chính, tính chung cả năm, Bảo hiểm Quân đội lãi trước thuế 352 tỷ đồng, tăng 76% so với năm trước.
Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ, cả năm 2023, Bảo hiểm Quân đội đặt mục tiêu đạt 6.100 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm gốc và 350 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 17% và 75% so với thực hiện năm 2022. Như vậy, hết năm 2023, công ty đã mới chỉ hoàn thành 76,7% kế hoạch doanh thu nhưng đã hoàn thành tốt kế hoạch lợi nhuận năm.
Xét về cơ cấu doanh thu, mảng bảo hiểm xe cơ giới chiếm phần lớn trong cơ cấu doanh thu của Bảo hiểm Quân đội (chiếm 39%), đạt 1.824 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ. Với mức tăng trưởng tốt, mảng bảo hiểm này đã vươn lên vị trí số một trong cơ cấu doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2023 của Bảo hiểm Quân đội.
Vị trí thứ hai là mảng bảo hiểm con người, với doanh thu đạt 1.395 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ, chiếm 30% tổng doanh thu. Chính sự sụt giảm kéo dài trong năm 2023 đã khiến mảng bảo hiểm này rơi xuống hạng 2 trong cơ cấu doanh thu của Bảo hiểm Quân đội.
Mảng bảo hiểm tài sản xếp thứ ba trong cơ cấu doanh thu của Bảo hiểm Quân đội với doanh thu đạt gần 666 tỷ đồng, giảm 6%, chiếm 14% tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc. Mảng bảo hiểm con người và mảng bảo hiểm tài sản là hai tác nhân chính khiến doanh thu phí bảo hiểm gốc năm 2023 giảm 10% năm 2022.
Về tình hình tài chính, tính đến ngày 31/12/2023, tổng tài sản của Bảo hiểm Quân đội tăng nhẹ 3% so với đầu kỳ, lên mức 8.819 tỷ đồng. Khoản tiền và tương đương tiền tăng 98% so với đầu kỳ lên gần 182 tỷ đồng, chủ yếu vẫn là khoản tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn, đạt gần 180 tỷ đồng, tăng 98%.
Khoản tài sản tái bảo hiểm đạt 2.145 tỷ đồng, tăng nhẹ 9 tỷ đồng, khoản tài sản ngắn hạn khác giảm 8% xuống còn 1.134 tỷ đồng, các khoản phải thu ngắn hạn giảm 15% xuống còn 862 tỷ đồng.
Riêng với mảng đầu tư tài chính, giá trị thuần các khoản đầu tư tài chính của Bảo hiểm Quân đội đã tăng 7% lên 3.872 tỷ đồng.
Khoản đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn đã giảm 42% xuống còn 169 tỷ đồng. Trong năm 2023, công ty phát sinh mới 170 tỷ đồng khoản chứng chỉ tiền gửi được chuyển từ đầu tư dài hạn sang ngắn hạn.
Đầu tư tài chính dài hạn giảm mạnh từ 979 tỷ đồng xuống còn 365 tỷ đồng. Trong đó, một phần do công ty đã không còn 200 tỷ đồng trái phiếu dài hạn và 170 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi đã chuyển từ đầu tư dài hạn sang ngắn hạn. Ngoài ra, khoản tiền gửi có kỳ hạn 2 năm đã giảm 40% từ 609 tỷ đồng xuống còn 365 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của MIC đã giảm nhẹ 1% từ 6.653 tỷ đồng xuống còn 6.738 tỷ đồng. Trong đó, khoản dự phòng nghiệp vụ đã tăng nhẹ 3 tỷ đồng lên hơn 4.042 tỷ đồng, doanh thu hoa hồng chưa được hưởng giảm 5% còn 1.128 tỷ đồng, khoản phải trả người bán ngắn hạn tăng 16% lên 531 tỷ đồng…
Được biết, Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội (Tiền thân là Công ty CP Bảo hiểm Quân đội) được thành lập theo Quyết định số 871/BQP ngày 22/2/2007 của Quân uỷ Trung ương và Giấy phép số 43GP/KDBH ngày 08/10/2007 của Bộ Tài chính.
Tổng Công ty Cổ phần Bảo hiểm Quân đội là một trong những Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam khởi nghiệp với số vốn khiêm tốn là 300 tỷ đồng, doanh thu năm đầu tiên chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng. Sau gần 13 năm hoạt động MIC đã mang lại những con số ấn tượng: doanh thu bảo hiểm gốc luôn tăng trưởng trên 40% trong các năm liên tiếp từ 2012 đến 2015, từ năm 2016 đến nay chuyển sang giai đoạn 2 với mục tiêu phát triển bền vững ngoài những bước tiến ngoạn mục về doanh thu đó là con số ấn tượng về lợi nhuận. Tính đến nay MIC nằm trong top công ty nghìn tỷ có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng và quy mô trên 1,600 nhân sự. MIC được đánh giá là 2/31 doanh nghiệp Bảo hiểm có hệ thống mạng lưới vững mạnh với 66 công ty thành viên, hơn 400 phòng kinh doanh và 3.500 đại lý bảo hiểm được ủy quyền trên toàn quốc.
Xuyên suốt chặng đường phát triển, Bảo hiểm Quân đội xác định rõ sứ mệnh tiên phong bảo vệ và trở thành “điểm tựa vững chắc” cho khách hàng bằng chính sản phẩm dịch vụ tốt nhất. MIC tự hào trở thành người bảo vệ cho hàng triệu khách hàng trong và ngoài nước, đồng thời và nhận được sự tin tưởng của các thương hiệu lớn như: VIETTEL, MB, YAMAHA, SAMSUNG, MSB, AB BANK, ACB, HDBANK, TECHCOMBANK, VIB, TPBANK, PVCOM BANK,…
Đến nay MIC đã có trên 160 sản phẩm đa dạng khác nhau từ những nhóm sản phẩm bảo hiểm đặc thù và phức tạp như bảo hiểm hàng không năng lượng, bảo hiểm điện gió ngoài khơi…đến những sản phẩm vô cùng gần gũi như: Bảo hiểm sức khỏe MIC Care, Bảo hiểm MIC Miracle, bảo hiểm xe ô tô, Bảo biểm An tâm vững bước,…
Trong chiến lược phát triển 2020 – 2025, MIC không ngừng nỗ lực hoàn thành mục tiêu Top 5 năm 2020 và Top 3 Doanh nghiệp Bảo hiểm phi nhân thọ hàng đầu Việt Nam trong năm 2025. Trong giai đoạn đầu năm 2020, trước những khó khăn của nền kinh tế MIC đã kịp thời nắm bắt và đưa ra những chiến lược thúc đẩy hoạt động kinh doanh trong đó tập trung phát triển sản phẩm và mở rộng kênh phân phối. Các sản phẩm thiết kế linh hoạt kết hợp chính sách chăm sóc chuyên nghiệp đáp ứng nhu cầu của nhiều khách hàng. Về kênh phân phối MIC tập trung đẩy mạnh kênh Bancas và bảo hiểm số.Với các sản phẩm bảo hiểm thân thiện, mô hình cấp đơn chỉ trong 30s cùng liên kết kênh giúp khách hàng có thể chạm tới MIC mọi lúc mọi nơi hướng tới trở thành Doanh nghiệp bảo hiểm bán lẻ hàng đầu tại Việt Nam.
Tiến Hoàng