Lĩnh vực bất động sản của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội hoạt động như thế nào?
Được mệnh danh là “ông trùm xe buýt tại Hà Nội”, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) vốn chỉ tập trung trong lĩnh vực vận tải, việc lấn sân sang mảng bất động sản của doanh nghiệp này đã dấy lên nhiều nghi vấn.
Tìm hiểu được biết, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tiền thân là Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội, được thành lập theo Quyết định số 45/2001/QĐ-UB ngày 29/6/2001 của UBND Thành phố Hà Nội trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng 4 công ty: Công ty Xe buýt Hà Nội; Công ty Vận tải hành khách Nam Hà Nội; Công ty Xe du lịch Hà Nội; Công ty Xe điện Hà Nội. Là doanh nghiệp Nhà nước quản lý hệ thống xe buýt toàn Thành phố Hà Nội nên được giao quỹ đất vàng khổng lồ rộng khắp thành phố.
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, khá nhiều khu đất vàng đã được Transerco “chuyển” cho doanh nghiệp tư nhân thông qua hình thức liên doanh, liên kết. Nghĩa là Transerco và doanh nghiệp cùng góp vốn lập liên doanh, liên doanh sẽ khai thác đất vàng của Transerco.
Đơn cử phải kể đến, lô đất 122 - 124 đường Xuân Thủy với diện tích 39.662m2 ban đầu do Xí nghiệp Trung đại tu ôtô và Trung tâm Tân Đạt - các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc của Transerco khai thác.
Năm 2011, UBND Thành phố Hà Nội đã có Công văn số 7909/UBND-KHĐT chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất cho các nhà đầu tư lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở. Dự án gồm 2 tháp căn hộ (tháp S và tháp A) cao 35 tầng (1 tầng đế, 34 tầng căn hộ) và 3 tầng hầm có tổng 976 căn hộ. Nếu tạm tính 3 người trong một căn hộ, dân số tại dự án này là khoảng 3.000 người.
Rồi hàng loạt đất vàng nằm ở những vị trí đắc địa của Transerco cũng mọc lên nhiều cao ốc như khu đất ở Ngọc Khánh, Nguyễn Tuân và Thuỵ Khuê. Các liên doanh được lập nên để khai thác đất vàng của Transerco là Công ty TNHH Phát triển Giảng Võ, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hồ Tây.
Khu đất vàng ở Nguyễn Tuân vốn là nơi Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội (đơn vị trực thuộc Transerco) khai thác. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, nơi này lại trở thành dự án 900 căn nhà liền kề và chung cư cao tầng do Công ty Cổ phần Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) làm chủ đầu tư.
Hiện tuyến đường Nguyễn Tuân đang trong tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra vì những tổ hợp chung cư cao tầng ồ ạt mọc lên với hàng nghìn cư dân vào sinh sống.
Ngoài ra, với dự án trên đất vàng Thuỵ Khuê, Transerco đầu tư vào liên doanh Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hồ Tây, đơn vị phát triển tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại.
Mới đây, Thành phố Hà Nội có chủ trương di dời các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp ra ngoại thành, ưu tiên cho việc xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công viên… và hạn chế xây dựng chung cư. Tuy nhiên, những trường hợp đã di dời hầu hết đều được các doanh nghiệp bất động sản thâu tóm để “nhồi” cao ốc, khu đô thị và có thể thấy Transerco đang là một điển hình.
Nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng đất giao thông nay lại không dành cho giao thông, trở thành những tổ hợp chung cư, nhà ở đã và đang khiến hạ tầng đô thị Hà Nội ngày càng quá tải kéo theo đó là hàng loạt những hệ lụy về ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu không gian công cộng.
Kết hợp với báo cáo thường niên của Transerco cho thấy, việc bắt tay “chuyển giao” cho doanh nghiệp tư nhân để xây cao ốc tại các khu đất vàng không đóng góp được quá nhiều cho Transerco khi Tổng công ty liên tục lao dốc về lợi nhuận trong vài năm gần đây. Năm 2021, doanh thu doanh nghiệp giảm 340 tỷ đồng, tương đương 14,9% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế giảm 14 tỷ đồng, tương đương 91% so với năm 2020 xuống chỉ còn 1,4 tỷ đồng.
Với trách nhiệm là một doanh nghiệp vận tải, liệu Transerco đã làm đúng và đủ tốt nhiệm vụ chính của mình? Hay việc cố “gồng” thêm phân khúc bất động sản lại khiến cho phía Transerco gây nhiều áp lực cho chính doanh nghiệp và hạ tầng hiện nay.
Thảo Phương (ảnh: Tiến Hào)