0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 17/05/2025 07:05 (GMT+7)

Khởi tố dược sĩ, kế toán cùng đồng phạm; thu giữ hơn 100 tấn hàng giả là TPCN, thiết bị y tế

Theo dõi KT&TD trên

Công an Hà Nội khởi tố, tạm giữ hình sự dược sĩ cùng đồng phạm sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế. Thu giữ tang vật là hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả.

Khởi tố vợ chồng dược sĩ cùng đồng phạm; thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả- Ảnh 1.

Các đối tượng bị bắt giữ. Ảnh Công an Hà Nội

Triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế giả

Tối 16/5, Công an thành phố Hà Nội cho biết, Phòng cảnh sát kinh tế Công an thành phố Hà Nội vừa triệt phá ổ nhóm sản xuất, buôn bán thực phẩm chức năng, trang thiết bị y tế giả do vợ chồng Phạm Ngọc Tiến và Đoàn Thị Nguyệt (cùng sinh năm 1988, trú tại: phường Phúc La, quận Hà Đông, TP Hà Nội) cầm đầu.

Theo điều tra, Tiến đã chỉ đạo kế toán công ty là Lương Thị Yến (SN 1990; trú tại: Nham Biền, Yên Dũng, Bắc Giang) thành lập 17 công ty có chức năng nhập khẩu, phân phối hàng hóa trong nước. 

Thời gian đầu, Tiến nhập các loại thực phẩm chức năng do nước ngoài sản xuất về phân phối trong nước. 

Khi thấy thị trường phản hồi tốt, bán được nhiều hàng nên Tiến đã nảy sinh ý định sản xuất, gia công hàng trong nước, lấy thương hiệu của nước ngoài để bán. 

Khởi tố vợ chồng dược sĩ cùng đồng phạm; thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả- Ảnh 2.

Đối tượng Phạm Ngọc Tiến

Bản thân là dược sĩ nên Tiến tự tạo ra công thức của các sản phẩm, sau đó mua vật liệu trong nước và giao cho nhân viên không có trình độ, bằng cấp tự phối trộn thành viên nang, đóng gói thành các sản phẩm có nguồn gốc nước ngoài là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế...

Các đối tượng mua nguyên vật liệu trong nước rồi chuyển về xưởng sản xuất hàng giả do Tiến thành lập tại thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên và thành lập Công ty in Âu Việt tại huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc để in màng nhôm phục vụ ép vỉ sản phẩm. 

Các loại vỏ lọ Nguyệt đặt mua trên mạng, các loại vỏ hộp Nguyệt chuyển bản thiết kế để đặt in tại các cơ sở in trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Khởi tố vợ chồng dược sĩ cùng đồng phạm; thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả- Ảnh 3.

Nhà máy sản xuất của các đối tượng

Thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả

Ngày 07/5/2025, Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội đã đồng loạt tổ chức khám xét khẩn cấp 15 điểm liên quan đến ổ nhóm này là nơi sản xuất, gia công, cất giấu, tiêu thụ hàng hóa ở nhiều tỉnh, thành trên toàn quốc. 

Tang vật thu giữ tại các địa điểm gồm: 30 khuôn bế dập gân vỏ hộp, 28.531 hộp thực phẩm chức năng; 34.822 lọ thực phẩm chức năng; 38.935 vỉ chứa các viên thực phẩm chức năng; 8.535 thùng chứa nhiều vỏ hộp các loại, gần 100 thùng tem nhãn, các loại máy móc, dây chuyền, công cụ, nguyên vật liệu… để sản xuất hàng giả, tương đương hơn 100 tấn hàng hóa là thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả (khoảng hơn 100 mã sản phẩm khác nhau). 

Tất cả các nhãn mác trên sản phẩm này đều được ghi bằng tiếng nước ngoài, thể hiện hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ nước ngoài. 

Ngoài ra còn nhiều điện thoại, máy tính, ổ cứng các loại… 

Mở rộng xác minh xác định, các công ty của Tiến và Nguyệt đã xuất bán hàng hóa cho hàng trăm đơn vị, tổ chức, cá nhân trên toàn quốc. 

Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an Thành phố Hà Nội đã tổ chức thu hồi tại nhiều tỉnh thành với nhiều loại mẫu mã sản phẩm khác nhau.

Khởi tố vợ chồng dược sĩ cùng đồng phạm; thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả- Ảnh 4.

Nhiều loại thực phẩm chức năng giả bị cơ quan Công an thu giữ

Khởi tố, tạm giữ hình sự 6 đối tượng

Tại cơ quan Công an, các đối tượng đã khai nhận hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả từ năm 2020 và bán cho các hiệu thuốc, bệnh viện rải rác trên toàn quốc. 

Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an Thành phố Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án và tạm giữ hình sự đối với Phạm Ngọc Tiến, Lương Thị Yến cùng 4 nhân viên là:

- Nguyễn Văn Đức (SN 1995; trú tại: Phú Lộc, Nho Quan, Ninh Bình);

- Nguyễn Thành Tâm (SN 2000; trú tại: Phú Long, Nho Quan, Ninh Bình);

- Nguyễn Hữu Tuấn (SN 1978; trú tại: Trường Thịnh, Ứng Hòa, Hà Nội);

- Nguyễn Thành Tâm (SN 1978; trú tại: La Khê, Hà Đông, Hà Nội).

Các đối tượng bị khởi tố, tạm giữ hình sự về hành vi sản xuất buôn bán hàng giả là lương thực thực phẩm.

Hiện Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội đang tập trung mở rộng điều tra, củng cố tài liệu chứng cứ để xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan theo quy định của pháp luật.

Khởi tố vợ chồng dược sĩ cùng đồng phạm; thu giữ hơn 100 tấn thực phẩm chức năng, thiết bị y tế giả- Ảnh 5.

Cơ quan chức năng kiểm đếm số hàng hóa thu giữ của Phạm Ngọc Tiến và đồng phạm

Thủ tướng chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, hàng giả

Trước đó, ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 65/CĐ-TTg chỉ đạo mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15 tháng 5 năm 2025 đến ngày 15 tháng 6 năm 2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá. 

Thành lập Tổ công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia làm Tổ trưởng, thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài chính, Công Thương, Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ, các cơ quan thuộc Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông Tấn xã Việt Nam, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia.

Các cơ quan thông tấn báo chí tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông về kết quả đợt cao điểm của các đơn vị, lực lượng chức năng trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; biểu dương những tấm gương tích cực, cách làm hay của các Bộ, ngành, địa phương và Nhân dân; phê phán những hành vi tiêu cực, thiếu tinh thần trách nhiệm.

Điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Công an toàn quốc phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng tập trung nhận diện các tổ chức, cá nhân nghi vấn có biểu hiện, dấu hiệu hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ và các hành vi liên quan, triển khai các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, xử lý hình sự các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhằm kịp thời răn đe, cảnh tỉnh.

Bộ Công an phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, cơ quan giám định để tổ chức hoạt động điều tra, xử lý triệt để các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ trong cao điểm, không để kéo dài.

Xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực 'không có vùng cấm, không có ngoại lệ'

Quá trình đấu tranh cần chú ý làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, cấp phép, kiểm định, kiểm soát xuất nhập khẩu, lưu thông... đối với nguyên liệu sản xuất, hàng hóa, xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật với phương châm "xử lý một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực", "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Từ kết quả công tác nắm tình hình, đấu tranh, xử lý các vụ án, vụ việc cần đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý của các bộ chức năng mà các đối tượng lợi dụng hoạt động phạm tội, vi phạm pháp luật để tham mưu cho Đảng, Nhà nước, Chính phủ, kiến nghị các bộ, ngành, địa phương giải pháp khắc phục; khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu tranh, xử lý hình sự để hoàn thiện pháp luật hình sự, nhất là Bộ luật Hình sự sửa đổi.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển phối hợp với lực lượng Công an và các lực lượng chức năng tuần tra, kiểm soát khu vực biên giới, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo duy trì trật tự an toàn khu vực biên giới và trên biển.

Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả

Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các vi phạm trên môi trường thương mại điện tử.

Từ kết quả rà soát, kiểm tra, xử lý, đánh giá, chỉ ra nguyên nhân, điều kiện vi phạm, các sơ hở, bất cập trong quy định pháp luật hoặc cơ chế quản lý mà các đối tượng lợi dụng vi phạm pháp luật để kiến nghị các giải pháp khắc phục; hoàn thiện thể chế về thương mại điện tử, nhất là Luật Thương mại điện tử.

Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng Hải quan làm tốt công tác nghiệp vụ, thu thập thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan để phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng buôn lậu, trốn thuế, vận chuyển hàng cấm, hàng giả mạo xuất xứ Việt Nam.

Bộ Y tế tăng cường, đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm việc buôn bán, kinh doanh thuốc giả, thuốc nhập lậu, dược phẩm giả, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ; yêu cầu các nhà khoa học, nhà quản lý của ngành y tế ký cam kết không quảng cáo, giới thiệu các thông tin sai lệch, thiếu cơ sở, căn cứ khoa học, phóng đại tính năng, công dụng của sản phẩm khi chưa xác minh kỹ tài liệu pháp lý liên quan đến sản phẩm; chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu có hành vi quảng cáo gian dối.

Bộ Nông nghiệp và Môi trường tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về lâm sản, thủy sản, sản xuất, buôn bán giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả.

Bộ Khoa học và Công nghệ khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về sở hữu trí tuệ để điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh, nhất là trên môi trường số, thương mại điện tử, hoàn thiện các quy định về chất lượng sản phẩm, hàng hóa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quy định của pháp luật; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về công bố, quảng cáo sai sự thật.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiên cứu, bổ sung chế tài xử lý những cơ quan đề nghị quảng cáo, cơ quan thực hiện việc quảng cáo, nhữngcá nhân, nghệ sĩ, người nổi tiếng lợi dụng uy tín của mình để có hành vi quảng cáo sai sự thật, nhất là trên mạng xã hội.

Khẩn trương thành lập tổ công tác địa phương phòng chống buôn lậu, hàng giả

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thành lập Tổ công tác tại địa phương do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương làm Tổ trưởng với thành phần tham gia phù hợp; đồng thời, quyết liệt chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường địa phương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, xâm phạm sở hữu trí tuệ trên địa bàn.

Các bộ, cơ quan liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện chế độ báo cáo nhanh kết quả phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp; báo cáo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổng kết thực hiện cao điểm.

Ban Chỉ đạo 389 quốc gia (Văn phòng Thường trực) theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện Công điện này, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện.

Thủ tướng Chính phủ đề nghị Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và các cấp chính quyền trong vận động đoàn viên, hội viên tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Đề nghị các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy trực thuộc Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy đảng và cả hệ thống chính trị tại địa phương tham gia công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả./.

Bạn đang đọc bài viết Khởi tố dược sĩ, kế toán cùng đồng phạm; thu giữ hơn 100 tấn hàng giả là TPCN, thiết bị y tế. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Kinh tế tư nhân trong làn sóng FDI: Cơ hội và thách thức song hành
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang tạo ra những tác động đa chiều, sâu rộng đến nền kinh tế, trong đó khu vực kinh tế tư nhân trong nước đứng trước những cơ hội phát triển chưa từng có, song cũng đối mặt với không ít thách thức cam go.
Tổng tiến công buôn lậu, hàng giả; xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực không vùng cấm, không ngoại lệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.
Báo chí & kinh tế tư nhân: Góc nhìn từ Nghị quyết 68
Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, vai trò của Báo chí không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn là động lực quan trọng định hướng dư luận, tạo niềm tin và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, góp phần đưa nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.