0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ ba, 25/07/2023 14:08 (GMT+7)

Khó khăn đang bủa vây, doanh nghiệp còn bị ‘hành’

Theo dõi KT&TD trên

Không chỉ khó khăn về tiếp cận nguồn vốn do tiêu chí cho vay còn khắt khe, tình trạng gây khó dễ tại ngân hàng vẫn tồn tại, thậm chí doanh nghiệp bị “hành” trong chính sách hoàn thuế VAT khiến doanh nghiệp đã khó khăn thành khó khăn gấp .

Khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp còn bị ‘hành’
Đến nay, các DN xuất khẩu cao su vẫn mòn mỏi chờ hoàn thuế VAT. Ảnh: báo Đầu tư

Giữa bộn bề khó khăn…

Tại Hội thảo “Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp” được tổ chức sáng 25/7, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, cho rằng tính chung 6 tháng đầu năm 2023, cả nước có 113,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Bình quân một tháng có 19 nghìn doanh nghiệp gia nhập thị trường, giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 6 tháng qua là 100 nghìn doanh nghiệp (bình quân một tháng có 16,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước).

Nhìn vào các con số trên có thể thấy, mặc dù số lượng doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động nhiều hơn không đáng kể so với số lượng doanh nghiệp rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, xu hướng phát triển của doanh nghiệp (tính theo số lượng) đang đảo chiều so với cùng kỳ năm ngoái là khá lớn.

Khảo sát của Tổng cục Thống kê hồi cuối tháng 6, cho thấy chỉ có khoảng từ 18,5-28,9% doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu, sản xuất, chế biến chế tạo đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn quý I; 36,2-43,2% đánh giá tình hình ổn định và 27,4-36,2% đánh giá tình hình sụt giảm.

“Điều đó cũng thể hiện rõ những khó khăn vốn đang “bủa vây” các doanh nghiệp, nhất là DNNVV do tiêu thụ trong nước và đơn hàng xuất khẩu đều giảm mạnh”, ông Thân nhấn mạnh.

Ngoài khó khăn nêu trên, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho rằng có tới 25% hội viên của Hiệp hội đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay tín dụng do tiêu chí cho vay còn khắt khe và tình trạng gây khó dễ của các cán bộ ngân hàng vẫn còn tồn tại.

Để tăng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, theo ông Thân, chính sách giảm lãi suất chỉ là một trong các giải pháp cần được tiếp tục triển khai. Trước mắt, doanh nghiệp mong muốn được tháo gỡ khó khăn ngắn hạn thông qua giải pháp tăng cường bảo lãnh tín chấp, nâng cao năng lực doanh nghiệp. Chính sách tài khoá cần phải có quy định rất rõ ràng, mạch lạc.

“Việc thanh tra, kiểm tra theo yêu cầu của hoạt động “hậu kiểm” vẫn có thiên hướng nhằm phát hiện vi phạm để xử lý hơn là hỗ trợ. Để doanh nghiệp tiếp cận được các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước một cách thuận lợi hơn thì chính sách thuế, chính sách ưu đãi phải rõ ràng, nhất quán”, ông Thân nhấn mạnh.

…vẫn bị “hành” thủ tục hoàn thuế

Mới đây, chia sẻ với báo Tiền Phong, bà T.N - đại diện công ty có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu tại quận 1, TPHCM, cho biết, những yêu cầu xác minh hóa đơn, nguồn gốc nguyên liệu liên tục thay đổi làm doanh nghiệp khó có thể đáp ứng.

Cụ thể, cơ quan thuế yêu cầu doanh nghiệp này xác minh từng hóa đơn về các nguyên liệu trong nước. Khi doanh nghiệp đã xác minh ở Việt Nam xong, lúc nộp hồ sơ vẫn không được hoàn mà buộc phải xác minh tiếp tục khách hàng nước ngoài. Tuy nhiên, thay vì chờ cơ quan thuế xác minh định danh người mua hàng ở nước ngoài như trước đây thì công ty được yêu cầu khi nào xuất hàng sẽ có nhân viên thuế kiểm tra, xác minh thực tế. Cái khó là lúc này thị trường sụt giảm, công ty đã thu hẹp hoạt động, không đủ đơn hàng để sản xuất. Trong tháng 7 này, công ty có đơn hàng xuất khẩu nên đề nghị nhân viên thuế đến xác minh thực tế. Sau khi đặt lịch hẹn thì họ nói không cần kiểm tra nữa. Họ bảo từ giờ phải kiểm tra tiếp hồ sơ xác minh hóa đơn đầu vào, còn không thì chỉ hoàn những hóa đơn đã xác minh.

Bà N bức xúc nói: “Cơ quan thuế hiện nay đã xác minh hóa đơn đầu vào hơn 60% mà hồ sơ vẫn không được hoàn cũng chỉ vì yêu cầu xác minh nguồn gốc gỗ. Doanh nghiệp chủ yếu mua nguyên vật liệu từ các công ty, trong đó phần lớn là công ty nhà nước mà việc xác minh vẫn còn kéo dài. Việc xác minh hãng tàu hay cảng là việc của cơ quan thuế, doanh nghiệp sao có thể làm được?”.

Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Leglor (TP HCM) cũng thông tin, hai năm qua, số tiền công ty bị chậm hoàn thuế VAT lên tới 30 tỷ đồng. Hiện, công ty mới được giải quyết 10,5 tỷ đồng, số tiền còn lại không biết bao giờ được hoàn tiếp.

Báo Tiền Phong dẫn lời ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TPHCM thông tin, nhiều doanh nghiệp trong hội đang mỏi mòn chờ được hoàn thuế. “Với các doanh nghiệp sản xuất, việc chậm hoàn 10-15 tỷ đồng đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng vốn. Nhiều doanh nghiệp phải đi vay tiền để duy trì sản xuất, trong bối cảnh lãi suất quá cao” - ông Tống nói.

Cùng quan điểm với ông Tống, ông Nguyễn Quốc Anh, Chủ tịch Hội Cao su - nhựa TPHCM, cho rằng trong giai đoạn khó khăn này, nhà nước nên có động thái hoàn thuế nhanh hơn vì tiền hoàn thuế là vốn lưu động của doanh nghiệp.

Theo tổng hợp từ Hiệp hội Cao su VN từ tháng 11/2022 đến nay, 10 DN cao su ở TPHCM có số thuế đề nghị hoàn lên 171 tỷ đồng chưa được giải quyết, có DN hồ sơ đề nghị hoàn thuế thực hiện từ tháng 1/2021. Cụ thể Công ty TNHH Hoàng Dũng gần 23 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Huy và Anh em hơn 2,5 tỷ đồng; Công ty CP Khang Ngọc Hưng gần 2 tỷ đồng; Công ty TNHH TM Hòa Thuận hơn 49,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Hóa nhựa Đông Dương 15,7 tỷ đồng…

Thái Đạt

Bạn đang đọc bài viết Khó khăn đang bủa vây, doanh nghiệp còn bị ‘hành’. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.