KĐT hỗ trợ KCN Sài Đồng B biến thành bãi gửi xe, sân bóng
Dự án Khu đô thị hỗ trợ KCN Sài Đồng B với diện tích 37ha. Tuy nhiên, sau nhiều năm dự án trở thành bãi giữ xe, sân bóng, tập kết kinh doanh cây cảnh…
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi trên toàn quốc. Theo các chuyên gia, trong Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi có rất nhiều nội dung cần góp ý để hoàn thiện. Trong đó, vấn đề xử lý các dự án chậm triển khai, dự án treo, dự án "ngâm đất" đang là điều khiến dư luận quan tâm nhất. Bởi lâu nay, các dự án treo đang khiến tài nguyên đất bị lãng phí một cách trầm trọng.
Thực tế cho thấy, tại TP.Hà Nội hiện nay có rất nhiều dự án "treo", "ngâm" đất nhiều năm gây lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng tới việc phát triển kinh tế. Thậm chí, nhiều dự án bị sử dụng sai mục đích, trục lợi cho một nhóm đối tượng.
Năm 2020 hoàn thành dự án
Ngày 3/7/2014, Sở Quy hoạch-Kiến trúc Hà Nội phối hợp với UBND quận Long Biên đã tổ chức công bố và bàn giao hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đô thị hỗ trợ - khu công nghiệp Sài Đồng B, địa điểm tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên.
Tổng diện tích khu vực nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 37,13ha với dân số khoảng 7.500 người, phía Đông Bắc giáp đường quy hoạch, phía Đông Nam giáp đường Thạch Bàn và phía Tây Bắc giáp đường Huỳnh Tấn Phát và Khu công nghiệp Sài Đồng B.
Mục tiêu của đồ án nhằm cụ thể hóa định hướng Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011; xây dựng khu chức năng đô thị đồng bộ về kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật và xã hội, làm cơ sở triển khai các hạng mục công trình phục vụ nhu cầu ăn ở, sinh hoạt của người lao động trong Khu công nghiệp Sài Đồng B, các khu công nghiệp lân cận và của dân cư khu vực; cải tạo hạ tầng kỹ thuật và xã hội và nâng cao đời sống cho nhân dân trong khu vực dự án…
Không gian quy hoạch kiến trúc được tổ chức trên nguyên tắc các công trình cao tầng bố trí dọc đường giao thông đô thị và tại các nút giao thông, tạo thành điểm nhấn đô thị.
Các công trình thấp tầng được bố trí giáp phía Tây Bắc khu vực dân cư phường Thạch Bàn, tạo sự chuyển tiếp giữa khu vực xây dựng mới với khu vực làng xóm và các di tích tôn giáo tín ngưỡng, kết hợp với khu vực vườn hoa, cây xanh, hồ nước Thạch Bàn hiện có, đảm bảo hài hòa giữa phát triển và bảo tồn; mở rộng diện tích xây dựng các công trình công cộng đơn vị ở phục vụ nhu cầu thiết yếu của dân cư khu vực.
Tổ chức các công trình cao tầng bố trí dọc trục đường Huỳnh Tấn Phát, đường Thạch Bàn và nút giao thông phía Nam khu vực lập quy hoạch, tạo các điểm nhấn cho không gian kiến trúc đô thị; chiều cao công trình giảm dần về phía khu vực dân cư hiện có tạo nhịp điệu ngôn ngữ kiến trúc phù hợp.
Sau khi quy hoạch này được công bố, Công ty Đầu tư Thạch Bàn - đơn vị chủ đầu tư tiến hành các thủ tiếp theo gồm lập thiết kế cơ sở, thỏa thuận kiến trúc, giải phóng mặt bằng… Theo kế hoạch, quý III năm 2015 bắt đầu thi công hạ tầng kỹ thuật và kết thúc toàn bộ dự án vào cuối tháng 12/2020,
Sử dụng đất sai mục đích
Tuy nhiên, theo quan sát của Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường, đến nay đã nhiều năm trôi qua dự án không được triển khai mà trở thành bãi giữ xe, sân bóng, tập kết kinh doanh cây cảnh. Điều đáng nói dự án đang sử dụng đất sai mục đích này nằm đối diện với trụ sở UBND phường Thạch Bàn.
Người dân khu vực xung quanh án bức xúc trước việc dự án bị “xẻ thịt” ảnh hưởng đến cuộc sống như gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, mất an ninh trật tự khu phố: “Vấn đề này chúng tôi đã nhiều lần phản ánh tới lãnh đạo phường Thạch Bàn nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết”, một người dân cho biết.
Trước thực tế nêu trên, dư luận địa phương cũng nêu lên trách nhiệm của các cơ quan chức năng, đặc biệt là UBND phường Thạch Bàn trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các dự án trên địa bàn đặc biệt là những dự án chậm triển khai, dự án treo.
Theo chỉ thị số 14-CT/TU ngày 2/3/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Hà Nội nêu rõ, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành, đặc biệt là UBND các quận, huyện, thị xã cần chấn chỉnh kỷ cương, thực hiện chế độ xử lý trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn. Tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá và đề xuất các giải pháp hiệu quả, phù hợp để ổn định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy của cơ quan, bộ phận chuyên môn làm công tác quản lý trật tự xây dựng của thành phố và các quận, huyện, thị xã. Tiếp tục rà soát, thống kê các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trong các giai đoạn trước để xử lý dứt điểm.
Thường xuyên phối hợp chặt chẽ trong công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý, đồng thời có chế tài gắn trực tiếp trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc xử lý tồn tại cũ và phát sinh mới đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, đặc biệt trong những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng công trình trái phép trên đất công, đất nông nghiệp, lâm nghiệp, vi phạm hành lang bảo vệ công trình hạ tầng giao thông, công trình an ninh, quốc phòng; tăng cường cơ chế tự quản, phát huy vai trò của nhân dân trong quản lý trật tự xây dựng.
Còn tiếp...!
Nhóm Phóng viên