Hãng vàng từ chối mua, dân ôm vàng 'đứt ruột' giữa cơn bão giá
Giữa lúc giá vàng tăng nóng, nhiều hãng vàng từ chối mua vàng miếng và vàng nhẫn SJC do thương hiệu khác bán ra khiến người dân rơi vào cảnh khó mua, khó bán.
Giá vàng nhẫn ngang vàng miếng
Bắt đầu phiên giao dịch tuần mới, giá vàng tại thị trường trong nước không có nhiều biến động. Tại SJC, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 82 triệu đồng/lượng chiều mua vào và 83,4 triệu đồng/lượng chiều bán ra.
Tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng nhẫn được niêm yết ở mức 82,68 – 83,58 triệu đồng/lượng chiều mua vào – bán ra. Tương tự, các hãng vàng như DOJI, Phú Quý cũng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82.85 – 83,6 triệu đồng/lượng chiều mua vào – bán ra.
Trong khi đó, giá vàng miếng được các hãng vàng và ngân hàng niêm yết ở mức 84 triệu đồng/lượng chiều bán ra và 82 triệu đồng/lượng chiều mua vào. Như vậy, giá thu mua vàng nhẫn tại nhiều hãng vàng hiện đang cao hơn giá mua vào của vàng miếng SJC.
Nguyên nhân dẫn đến diễn biến lạ này là do ảnh hưởng từ chính sách bình ổn giá vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Việc NHNN bán vàng miếng giá bình ổn thông qua hệ thống công ty SJC và 4 ngân hàng thương mại nhà nước đã khiến giá vàng miếng SJC đi ngang trong nhiều phiên, trong khi giá vàng nhẫn lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đà tăng của giá vàng thế giới.
Thời gian qua, giá vàng thế giới nhiều lần phá đỉnh lịch sử do được hỗ trợ từ chính sách cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng địa chính trị.
Trong phiên 7/10, giá vàng thế giới niêm yết ở mức 2.653,8 USD/ounce, giảm nhẹ so với chốt phiên giao dịch tuần trước. Theo khảo sát trên Kitco News, 59% chuyên gia dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần này, trong khi 20% cho rằng sẽ giảm và 30% cho rằng giá vàng sẽ không có quá nhiều biến động.
Mua khó – Bán cũng khó
Cùng với đà tăng của giá vàng, những khó khăn trong việc mua bán vàng tại thị trường trong nước cũng là vấn đề được nhiều người quan tâm. Trong nhiều tháng qua, nhiều người dân đã phản ánh tình trạng khó mua vàng nhẫn, vàng miếng tại cả các ngân hàng và các nhà vàng. Đến nay, không chỉ mua vàng khó, việc bán vàng cũng bị phản ánh có nhiều bất cập.
Theo chia sẻ trên nhiều hội nhóm, không ít người cho biết gặp khó khăn trong việc bán vàng ra. Nhiều hãng vàng như DOJI, PNJ hiện từ chối mua vào vàng nhẫn của thương hiệu SJC dù có hóa đơn đầy đủ. Điều này cũng xảy ra tương tự với vàng miếng SJC.
Đại diện của một cửa hàng DOJI tại Đà Nẵng cho biết công ty hiện chỉ thu mua vàng miếng SJC do chính công ty bán ra, còn vàng của đơn vị khác bán ra thì không thu mua. Cũng có một số cửa hàng vàng đồng ý thu mua vàng có hóa đơn của công ty khác nhưng với giá thấp hơn so với giá niêm yết. Việc các đơn vị kinh doanh vàng từ chối mua lại vàng khiến nhiều người dân buộc phải tìm đến kênh “chợ đen” với rủi ro cao hơn.
Nhận định về tình trạng này, PGS - TS Định Trọng Thịnh cho rằng việc các đơn vị hạn chế mua lại vàng miếng SJC là do doanh nghiệp làm khó người mua với điều kiện tự đặt ra tự họ đặt ra điều kiện chứ quy định hiện nay không đề cập. “Vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia nên việc mua bán tại các đơn vị được phép kinh doanh vàng miếng là bình thường”, ông nói.
Trong khi đó, TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội lo ngại việc các ngân hàng, công ty kinh doanh vàng lớn không mua vàng của đơn vị khác có thể dẫn đến tình trạng vàng 2 giá và thúc đẩy thị trường vàng chợ đen hoạt động mạnh hơn.
“Nếu tình trạng mua bán vàng như hiện nay kéo dài, quyền lợi của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng. Chúng ta cần phải đưa ra giải pháp liên thông thị trường vàng hiện nay, trong đó cần sớm sửa đổi Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng SJC. Ngoài ra, các ngân hàng cũng nên mua lại vàng bán ra, kể cả vàng của các đơn vị khác đã bán ra để đảm bảo quyền lợi của người dân”, ông Tú nói.
Khánh Tú