0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 12/08/2024 20:30 (GMT+7)

Hàng loạt chính sách có hiệu lực, kinh doanh bảo hiểm vào 'thời mới'

Theo dõi KT&TD trên

Ngành bảo hiểm đã vượt qua năm 2023 được cho là khó khăn nhất từ trước đến nay khi lần đầu tiên tăng trưởng âm trong hơn 20 qua. Nửa đầu 2024, các DN bảo hiểm vẫn chưa thoát hỏi đà suy giảm,

Tuy nhiên với hàng loạt chính sách mới từ cơ quan quản lý nhà nước, dự kiến tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ khả quan.

Hàng loạt chính sách mới có hiệu lực

Luật các Tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ ngày 01/07/2024, có quy định tại khoản 5, điều 15 về việc cấm gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Chính sách này sẽ giúp lấy lại niềm tin từ mảng Bancasurance, đây là kênh được cho đã xảy ra nhiều sai phạm trong những năm vừa qua.

Quy định này đã thể hiện được sự quan tâm, bảo vệ quyền lợi của người vay trong trường hợp ngân hàng bắt buộc mua các khoản bảo hiểm không bắt buộc đi kèm khoản vay, các dịch vụ khác của ngân hàng.

Hàng loạt chính sách có hiệu lực, kinh doanh bảo hiểm vào 'thời mới'
Các chính sách mới của cơ quan quản lý nhà nước siết việc bán bảo hiểm của ngân hàng

Theo Giám đốc chi nhánh một NHTM tại Hà Nội, hiện nay việc tư vấn bảo hiểm qua ngân hàng đã được các Tổ chức tín dụng và Bộ Tài chính siết chặt theo Luật mới, không có việc gắn kèm bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc, ví dụ BHNT. Còn các loại hình bảo hiểm khác như bảo hiểm xe, bảo hiểm cháy nổ thì vẫn phải mua khi giải ngân khoản vay, nhưng đã được nhân viên công ty bảo hiểm tư vấn cặn kẽ, đồng thời có thêm nhiều lựa chọn cho khách hàng.

“Khách hàng được tư vấn tường minh và sẽ là người lựa chọn cuối cùng, và đảm bảo rằng khách hàng biết được nội dung tư vấn là hợp đồng bảo hiểm, chứ không còn tình trạng mập mờ như trước đây” vị Giám đốc này nhấn mạnh.

Trước đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, áp dụng từ 01/01/2023 với nhiều điểm mới, kèm theo thông tư số 67/2023 hướng dẫn một số điều của Luật này. Cụ thể, việc có nhiều quy định mới sát với thực tiễn trong việc bảo vệ quyền lợi khách hàng và giám sát các hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm. Đồng thời, nâng cao yêu cầu quản lý nhà nước, giám sát, thanh tra, kiểm tra đối với các chi nhánh của doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam; thiết lập cơ chế chia sẻ thông tin quản lý, giám sát cùng với Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành khác có liên quan đến hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Theo kết quả khảo sát các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành bảo hiểm của Vietnam Report, những thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp trong ngành phải đối mặt hiện nay bao gồm khủng hoảng niềm tin của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong năm 2023, người tiêu dùng chưa thực sự hiểu rõ về các chính sách bảo hiểm, phát hiện nhiều sai phạm khi cung ứng bảo hiểm qua kênh bancassurance, nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm…

Những thách thức này, đặc biệt là kênh bancasurance dự báo vẫn sẽ còn ảnh hưởng lớn đến ngành trong năm 2024, khi mà uy tín thương hiệu của các DNBH bị giảm sút nghiêm trọng, khách hàng mất niềm tin và có sự thận trọng hơn trong việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm.

Do vậy, hàng loạt chính sách mới của cơ quan quản lý nhà nước được ban hành nhằm mục tiêu chấn chỉnh, quản lý, giám sát chặt chẽ và thúc đẩy phát triển bền vững thị trường được cho là “nhạy cảm” này.

Cơ hội phục hồi từ chính sách mới

Trao đổi với VietnamFinance, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho biết, sau tác động tiêu cực từ những khó khăn, thách thức mà kinh tế vĩ mô toàn cầu và trong nước đang phải đối mặt trong năm 2023, thì ngành bảo hiểm đang đứng trước những cơ hội và triển vọng phục hồi tăng trưởng trong năm 2024 và thời gian tới.

Theo ông Hà, việc triển khai hàng loạt chính sách của Chính phủ về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế và việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bảo hiểm; đặc biệt, sự ra đời của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023) đi kèm với đó là các Nghị định, Thông tư hướng dẫn và sự nỗ lực của các doanh nghiệp mà ngành bảo hiểm đã có những bước tiến đáng kể.

Chính sách bảo hiểm mới được ban hành đã có những thay đổi cơ bản thúc đẩy thị trường bảo hiểm phát triển an toàn, ổn định và bền vững, đảm bảo tối đa quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, từ đó góp phần làm tăng niềm tin của khách hàng vào các sản phẩm bảo hiểm, cải thiện môi trường kinh doanh.

“Khi khách hàng cảm thấy quyền lợi của mình được bảo vệ, họ sẽ tin tưởng hơn vào các sản phẩm bảo hiểm hơn”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh.

Hàng loạt chính sách có hiệu lực, kinh doanh bảo hiểm vào 'thời mới'
Luật sư Nguyễn Thanh Hà

Kế đến, các quy định mới đã giúp thắt chặt quản lý, nâng cao tính minh bạch và bảo vệ quyền lợi của khách hàng, từ đó giảm thiểu rủi ro hủy hợp đồng và tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của thị trường. Việc cải cách quy định cũng giúp các công ty bảo hiểm hoạt động hiệu quả hơn, giảm thiểu rủi ro pháp lý và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

Nhờ đó mà có nhiều doanh nghiệp bảo hiểm đã ghi nhận lợi nhuận, bất chấp sự suy giảm doanh thu từ phí bảo hiểm khai thác mới. Điều này chứng tỏ rằng, với chiến lược kinh doanh đúng đắn và sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể vượt qua thách thức và tiếp tục duy trì hoạt động hiệu quả.

Đồng thời, các cơ quan quản lý cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của bảo hiểm, pháp luật về kinh doanh bảo hiểm đối với các tổ chức, cá nhân, triển khai các chính sách khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm. Điều này cũng đã góp phần kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ bảo hiểm của người dân.

Cuối cùng, chính sách nhà nước cũng đã thúc đẩy đầu tư và áp dụng công nghệ mới trong ngành bảo hiểm, giúp cải thiện hiệu quả và chất lượng dịch vụ. Cụ thể, Theo Thông tư số 67/2023/TT-BTC ngày 02 tháng 11 năm 2023 của Bộ Tài chính là quy định chi tiết về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, bao gồm các nghiệp vụ bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm, điều kiện tham gia bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia bảo hiểm, giúp cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm trở nên minh bạch, hiệu quả và an toàn hơn.

Bên cạnh đó, thông tư còn thúc đẩy việc áp dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, như việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm trên internet, triển khai các dịch vụ số hóa, giúp rút ngắn thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

“Những chính sách mới của nhà nước đã tạo ra nhiều cơ hội để ngành bảo hiểm sớm phục hồi thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của thị trường bảo hiểm Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà khẳng định.

Xuân Thạch

Bạn đang đọc bài viết Hàng loạt chính sách có hiệu lực, kinh doanh bảo hiểm vào 'thời mới'. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Tin mới

Viettel là nhà mạng đầu tiên khôi phục hoàn toàn kết nối vùng biển đảo bị ảnh hưởng bởi bão số 3
 Ngày 17/9, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) khôi phục mạng di động chất lượng như trước bão cho chính quyền, quân đội, hàng trăm nghìn người dân trên đảo và ngư dân trên biển tại các huyện đảo, xã đảo Quảng Ninh, Hải Phòng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.
Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.