Hải Dương chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư Cụm công nghiệp Toàn Thắng
UBND tỉnh Hải Dương vừa ban hành quyết định về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Toàn Thắng tại huyện Gia Lộc.
Theo đó, Cụm công nghiệp Toàn Thắng có tổng diện tích 75,8ha, trong đó diện tích đất thực hiện dự án là 73,9ha; diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khớp nối giao thông, hạ tầng kỹ thuật khu vực lân cận (ngoài cụm công nghiệp) là 1,9ha thuộc địa bàn các xã: Toàn Thắng, Hồng Hưng và Đoàn Thượng của huyện Gia Lộc (Hải Dương).
Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 843 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của nhà đầu tư là 140 tỷ đồng, còn lại là vốn vay.
Thời hạn hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhà đầu tư Cụm công nghiệp Toàn Thắng phải xây dựng hoàn thành và đưa dự án vào hoạt động trong quý 4.2025.
Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp Toàn Thắng được xây dựng nhằm tạo quỹ đất sạch để thu hút các nhà đầu tư vào đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho người lao động và đóng góp cho ngân sách địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của huyện Gia Lộc nói riêng và tỉnh Hải Dương nói chung.
UBND tỉnh Hải Dương yêu cầu UBND huyện Gia Lộc có trách nhiệm thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để đầu tư xây dựng dự án theo đúng tiến độ.
Cùng với đó, huyện cần thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn về quản lý quy hoạch, quản lý hoạt động xây dựng, đất đai và môi trường; đồng thời giám sát nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án theo tiến độ cam kết.
Các sở, ngành có liên quan như Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Công Thương, Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn Nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định, đồng thời thực hiện những nội dung công việc thuộc thẩm quyền.
Việc thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng cụm công nghiệp và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Sử dụng đất đúng mục đích và có hiệu quả; nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai; thực hiện báo cáo giám sát, đánh giá dự án đầu tư, chấp hành sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền trong thời gian thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, nhà đầu tư thực hiện cho thuê lại hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung; xác định giá cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật chung, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và giá các loại dịch vụ công cộng, tiện ích khác theo đúng quy định của pháp luật.
Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã thành lập 58 cụm công nghiệp với diện tích đất 2.934,42ha, trong đó 32/58 cụm đã đi vào hoạt động, thu hút trên 400 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10.000 tỷ đồng.
Trong định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hải Dương sẽ quy hoạch có 33 khu công nghiệp với tổng quy mô là 5.66ha, 61 cụm công nghiệp với tổng quy mô là 3.209ha, 6 trung tâm logistics và phát triển một khu kinh tế chuyên biệt nằm ở phía Nam đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Tiến Hoàng