0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ bảy, 24/06/2023 17:26 (GMT+7)

Hà Tĩnh: Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Vũng Áng

Theo dõi KT&TD trên

Sau hơn 16 năm xây dựng và phát triển, Khu kinh tế (KKT) Vũng Áng được đánh giá là một trong những khu kinh tế thành công trong cả nước, đóng góp to lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Làm thay đổi cơ bản cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh theo hướng tăng mạnh tỷ trọng công nghiệp và tăng nguồn thu ngân sách của tỉnh Hà Tĩnh, tạo ra hàng vạn việc làm cho người lao động địa phương và các tỉnh lân cận, góp phần xóa đói giảm nghèo.

Hà Tĩnh: Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Vũng Áng
Ông Trần Thế Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hà Tĩnh phát biểu tại Hội thảo khoa học “Xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics thúc đẩy kinh tế - xã hội Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững”.

Các chính sách ưu đãi đầu tư trở thành động lực thu hút đầu tư

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tổng thu ngân sách tại KKT Vũng Áng đạt khoảng 37.400 tỷ đồng, chiếm gần 56% tổng thu ngân sách toàn tỉnh, trong đó thu xuất nhập khẩu chiếm 97% toàn tỉnh; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 12.800 triệu USD, chiếm trên 87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu toàn tỉnh; góp phần giải quyết lượng lớn việc làm cho lao động tỉnh Hà Tĩnh và lân cận (cao điểm là hơn 40.000 người).

Cùng với Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh (giai đoạn 1) hoàn thành đi vào hoạt động, công nghiệp trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Có được kết quả này trước hết phải nói tính hiệu quả của các cơ chế, chính sách, tập trung nguồn lực đầu tư đối với sự phát triển của KKT Vũng Áng như: Được hưởng một số ưu đãi đầu tư tại các văn bản pháp luật của Trung ương (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, đất đai…), các chương trình dự án đều được ưu tiên đầu tư;

Ở tỉnh Hà Tĩnh các chính sách cụ thể cũng được HĐND, UBND tỉnh ban hành để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, xã hội như: Hỗ trợ ngân sách nhà nước cho Dự án xây dựng hệ thống cấp nước cho KKT Vũng Áng (Nghị quyết số 34/2012/NQ-HĐND); Nghị quyết về Đề án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư tại KKTVũng Áng (Nghị quyết số 55/NQ-HĐND ngày 30/12/2021); chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở chuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hoá vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh (Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND ngày 28/4/2021 và Nghị quyết số 19/2021/NQ-HĐND ngày 17/07/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 276/2021/NQ-HĐND); Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh về việc quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào KKT Vũng Áng và các khu công nghiệp (KCN) của tỉnh Hà Tĩnh…

Cần tập trung tháo gỡ khó khắn để phát triển

Quá trình hoạt động và phát triển KKT Vũng Áng vẫn còn nhiều khó khăn thách thức; cụ thể gồm: Quỹ đất công nghiệp còn lại chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển: nhu cầu về diện tích đất cho các dự án, nhất là diện tích đất cho các dự án đầu tư công nghiệp trong thời gian tới là rất lớn trong khi quỹ đất công nghiệp còn lại không đáp ứng đủ;

Kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển: Nhu cầu đầu tư về hạ tầng để phát triển KKT là rất lớn, trong khi nguồn lực địa phương còn hạn chế, chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách hỗ trợ của Trung ương, việc huy động xã hội hóa nguồn lực đầu tư khó khăn, vì vậy kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng sự phát triển, đặc biệt các công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu trong KKT, như hệ thống giao thông, cấp điện, cấp thoát nước, xử lý nước thải, thông tin...

Thiếu quỹ đất sạch đã được bồi thường, giải phóng mặt bằng; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc chậm được giải quyết, trở thành điểm nghẽn lớn, nguyên nhân chính làm chậm tiến độ đầu tư các dự án.

Hoạt động đầu tư và quản lý nhà nước còn bộc lộ nhiều bất cập: công tác quản lý nhà nước về đầu tư tại KKT Vũng Áng của Ban Quản lý KKT tỉnh Hà Tĩnh còn bộc lộ nhiều hạn chế; công tác giám sát, kiểm tra đôn đốc sau cấp phép đầu tư chưa thường xuyên, chưa kịp thời phát hiện, xử lý những vi phạm của nhà đầu tư hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền xử lý theo đúng quy định.

Hà Tĩnh: Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Vũng Áng
Toàn cảnh Hội thảo khoa học.

Cùng đó, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đã được quan tâm nhưng chưa thực sự hấp dẫn, như: Các KKT đang được hưởng một số ưu đãi đầu tư (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, đất đai…). Tuy vậy, các ưu đãi này chưa thật sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư và tính cạnh tranh chưa cao, cụ thể:

Các ưu đãi này đều nằm trong khung pháp luật hiện hành, áp dụng chung như các ngành, khu vực khác trên cả nước. Vì vậy, các ưu đãi chưa có tính đặc thù, vượt trội. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa phát triển, nguồn nhân lực được đào tạo kỹ thuật chưa có sẵn, cần có chính sách ưu đãi phù hợp, đảm bảo sức hấp dẫn đối với đầu tư nhất là đầu tư nước ngoài.

Các ưu đãi đầu tư cho KKT được quy định tại nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành về thuế, đất đai… Mặt khác, các ưu đãi cũng thường xuyên thay đổi, thậm chí còn chồng chéo, vướng mắc, bất cập nên khó thực hiện. Do vậy, thời gian, chi phí để nghiên cứu, so sánh, đánh giá về ưu đãi đầu tư của các nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư vào các KKT không thuận lợi.

Về chính sách hỗ trợ đầu tư vào các KKT, KCN ban hành kèm theo Quyết định số 16/2007/QĐ-UBND ngày 27/4/2007 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc quy định một số chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư vào KKT Vũng Áng và các KCN của tỉnh Hà Tĩnh chưa phát huy hiệu quả.

Từ năm 2013 trở đi, nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới ra đời thay thế cho các văn bản quy phạm pháp luật cũ như Luật Đất đai 2013, Luật Đầu tư 2014 nên các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư không còn tính hiệu lực và hiệu quả. Do đó đã ảnh hưởng lớn đến quá trình thu hút, kêu gọi đầu tư.

Các Nghị quyết HĐND tỉnh như: Nghị quyết về Đề án Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư tại KKT Vũng Áng là chính sách xuất phát từ thực tiễn song nguồn lực không đảm bảo; một số chính sách khác chưa có tính lan tỏa cao để thực sự đi vào cuộc sống.

Để đáp ứng được những mục tiêu, kỳ vọng đặt ra và phát huy các tiềm năng, lợi thế, trong thời gian tới KKT Vũng Áng cần tập trung giải quyết được các tồn tại, hạn chế cơ bản sau đây: Thiếu quỹ đất công nghiệp để thu hút các dự án lớn, trọng điểm; Hạ tầng kỹ thuật trong KKT thiếu đồng bộ, hạ tầng xã hội yếu kém; Thiếu quỹ đất sạch; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư để chuẩn bị mặt bằng thu hút các nhà đầu tư;

Vấn đề về nguồn nhân lực đáp ứng phục vụ cho hoạt động của các dự án trong KKT; vấn đề về thu hút đầu tư các dự án lớn, trọng điểm, có tính chất lan tỏa, tạo giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và toàn tỉnh;

Vấn đề về quản lý nhà nước (quản lý đầu tư, quản lý doanh nghiệp, quản lý môi trường, đất đai, lãnh thổ…);

Phát biểu tại Hội thảo khoa học “Xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh và bền vững” Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Thế Dũng khẳng định: “Với vị trí, tầm quan trọng và tiềm năng, lợi thế của Khu kinh tế Vũng Áng đối với Hà Tĩnh, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh đã xác định một trong những đột phá chiến lược phát triển tỉnh nhà trong thời gian tới phải xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vũng Áng thực sự trở thành Khu kinh tế đa chức năng, trung tâm công nghiệp động lực và logistics thúc đẩy kinh tế-xã hội tỉnh Hà Tĩnh phát triển nhanh, bền vững, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ 19 và Nghị quyết số 09-NQ/TU”.

Thiết nghĩ, để giải quyết được những vấn đề nêu trên, thì việc tỉnh Hà Tĩnh cần đưa ra các giải pháp cụ thể, có cơ chế chính sách mạnh là cần thiết.

Bạn đang đọc bài viết Hà Tĩnh: Tập trung tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh phát triển Khu kinh tế Vũng Áng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.